Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị văn hóa, lịch sử Kinh đô Hoa Lư xưa

03/07/2018
Khu di tích lịch sử, văn hoá Cố đô Hoa Lư. Ảnh: Tuấn Hải
Khu di tích lịch sử, văn hoá Cố đô Hoa Lư

 

Thành Hoa Lư là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa Việt Nam thế kỷ X

Cách xây dựng thành lợi dụng địa thế tự nhiên hiểm trở, kết hợp hài hòa với những tuyến thành nhân tạo, cách lợi dụng những tuyến đường thủy như sông Sào Khê làm hào, cộng với kỹ thuật xây thành, xây cung điện có dùng đến cây họ cỏ; cây thân gỗ để chống lún, gia cố móng tường thành, công trình kiến trúc trong môi cảnh thung lũng Hoa Lư lầy lội thể hiện cách thích ứng, cách sử dụng những lợi thế đặc điểm địa hình tự nhiên của nhân loại ở một tầm cao mới trên cơ sở kế thừa truyền thống sử dụng vùng núi và thung lũng. Trong Khu di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư và vùng phụ cận còn có sự hiện diện hàng trăm ngôi đền, chùa, miếu, phủ… Các công trình kiến trúc tôn giáo và tín ngưỡng hiện hữu trong các hang động, mái đá hay bên sườn núi, đều đồng điệu cùng thiên nhiên và có kiến trúc mang tính kỹ thuật cao, được xây dựng ở những thời điểm khác nhau. Trong số các di tích trên nổi bật là hai ngôi đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng và vua Lê Đại Hành trên địa bàn của Kinh đô Hoa Lư xưa, với lối kiến trúc gỗ ở thế kỷ XVII mang đậm tính dân gian, trong đó có những đồ tế khí như sập long sàng bằng đá, nghê đá có tính mỹ thuật đạt đến trình độ cao ở thế kỷ XVII. Bên cạnh đó còn có đền thờ công chúa Phất Kim, thờ con gái vua Đinh; chùa Nhất Trụ nổi tiếng với cột đá khắc kinh phật ở thế kỷ X.

Bên cạnh những di sản văn hóa vật thể ấy là những di sản văn hóa phi vật thể như Lễ hội Cố đô Hoa Lư với tích cờ lau tập trận, lễ rước nước… hay tín ngưỡng thờ thần núi, tín ngưỡng thờ Mẫu cùng các tín ngưỡng tôn giáo khác gắn với các địa danh huyền thoại. Những di sản văn hóa phi vật thể ấy đã song song tồn tại hàng nghìn năm ở những làng quê - làng nghề bên những công trình di tích lịch sử, là phần hồn văn hóa dân tộc Việt. Trong bối cảnh thế kỷ X, kinh đô Hoa Lư hình thành trong điều kiện lợi thế về địa - chính trị, địa - chiến lược và được Đinh Bộ Lĩnh có quan hệ xã hội, kinh tế, văn hóa rộng, lợi dụng một cách tài tình. Cùng với những yếu tố về dòng dõi, quê hương, Đinh Bộ Lĩnh đã quyết định xây dựng kinh đô ở Hoa Lư.

Nơi giao thoa về địa mạo tự nhiên và văn hóa xã hội

Không gian Hoa Lư là không gian giao thoa giữa miền núi và miền đồng bằng, là vùng trung gian giữa lưu vực sông Hồng và lưu vực sông Mã. ở một góc độ hẹp hơn trong Quần thể danh thắng Tràng An thì không gian Kinh đô Hoa Lư là không gian giao thoa điển hình giữa dạng địa hình tháp karst đá vôi độc lập (núi Chợ, núi Chẽ, núi Cột Cờ, núi Thanh Lâu, núi Đầm, núi Cánh Hàn) và địa hình các nón karst đá vôi được nối với nhau bởi những sống núi sắc mảnh (dãy núi Chu Ma, dãy núi Mã Yên, dãy núi Mồng Mang, dãy núi Hang To…). Nhà Đinh đã cho đắp thành, nối các tháp karst cùng với các nón karst thành một kinh thành mang dáng dấp một thung lũng lớn, một quân thành. Nếu nhìn một cách nội quan, thì đó là một “động”, một “thung lũng” hay đúng hơn, một “bồn địa giữa nút”. Có thể phát triển nông nghiệp và xây dựng xóm làng. Có thể xây dựng thành một căn cứ quân sự hiểm yếu. Hệ thống những loại vật liệu kiến trúc tham gia vào xây dựng kiến trúc ở Cố đô Hoa Lư bao gồm các loại chất liệu gạch, ngói, đất nung, đá và gỗ.  Sự xuất hiện phổ biến của nhóm vật liệu gạch, ngói cùng với một số đồ đất nung, đồ gỗ và đồ đá nằm trong các di tích kiến trúc đã cho biết Hoa Lư xưa có những công trình kiến trúc quy mô, bề thế của một kinh thành. Nếu nhìn theo các mối liên hệ cơ cấu, thì đó là một miền chân núi, cái gạch nối giữa miền núi và miền đồng bằng, miền Mường và miền Việt; hơn nữa đó lại là cái gạch nối giữa miền Bắc và miền Trung, giữa lưu vực sông Hồng và lưu vực sông Mã.

Thế kỷ X là một dấu mốc rất quan trọng của lịch sử Việt Nam. Đó là thế kỷ bản lề, khép vĩnh viễn thời kỳ nghìn năm Bắc thuộc và mở ra thời đại độc lập dân tộc lâu dài, là bước quá độ từ thế kỷ IX của văn hóa nô dịch lệ thuộc Đường triều sang thế kỷ XI của sự phục hưng văn hóa dân tộc trên nền tảng dân gian cổ truyền, bước quá độ từ “văn hóa vùng” sang “văn hóa dân tộc”, từ chữ Hán sang chữ Nôm, từ “văn hóa truyền miệng” sang văn hóa chữ viết, từ “văn hóa Việt Mường” chung sang “văn hóa Việt” và “văn hóa Mường” trong cơ cấu văn minh Đại Việt thống nhất mà đa dạng. Cả một thế kỷ quá độ về văn hóa và văn minh, về thế ứng xử tập thể và lối sống, một thế kỷ có liên tục và gián đoạn, có đổ vỡ, phá hủy (cái cũ) và vun vén, xây nền từ chất liệu (văn hóa) cũ và mới. Có những cái rất sượng và thô bạo… Ngược lại có những cái rất tinh tế và văn minh - khoan dung, giản dị, thương người trong cùng một nước, tha bỏ lực dịch, bình quân thuế ruộng, đúc tiền, mở chợ, mở đường thủy bộ, có đặt bến đò, đặt quán nghỉ, xây lầu, dựng chùa, nung gạch hoa, chế đồ sứ, tổ chức lễ mừng sinh nhật, vui đua thuyền, bước đầu tổng hợp ca múa nhạc dân gian thành sân khấu chèo, có cả xiếc chuyên nghiệp. Tuy có sự đan xen, nhưng nhìn chung nửa đầu thế kỷ X là sự hoàn thành độc lập dân tộc và nửa cuối thế kỷ X là sự hoàn thành thống nhất quốc gia mà đặc trưng cơ bản của chính nó là cái chất quá độ - bản lề của văn hóa - văn minh, của lịch sử, của cuộc sống dân Việt, nước Việt nói chung. Không gian từ văn minh Đông Sơn đến văn minh Đại Việt. Cái “không gian bản lề” đó của Hoa Lư - Trường Châu, là một yếu tố địa - chính trị và địa - chiến lược để Đinh Bộ Lĩnh vận dụng và biến đổi thành không gian xã hội bản lề giữa một thời kỳ “thống nhất hình thức”- dựa trên chính quyền thống trị Bắc thuộc “An Nam đô hộ phủ”- và một thời kỳ “thống nhất thực sự”- dựa trên nhà nước dân tộc.

Công việc cần làm ngày hôm nay và cho mai sau

Trước hết, công việc điều tra, thám sát, nghiên cứu, khai quật khảo cổ học ở Khu di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư cần được triển khai. Kết quả nghiên cứu sẽ cho chúng ta cơ sở để tiến hành các bước tiếp theo như bảo tồn tại chỗ các điểm khai quật, làm công viên khảo cổ học phục vụ nghiên cứu và khách du lịch, phục dựng lại kinh đô Hoa Lư (dự kiến tại Quảng trường Đinh Tiên Hoàng đế) trong tương lai gần cho thế hệ hôm nay và mai sau biết về quá khứ của dân tộc Việt Nam, là điểm tham quan du lịch cho du khách gần xa. Triển khai dự án tái định cư cho một số lượng lớn người dân đang sống trong khu vực thành Nội và thành Ngoại cũng là công việc cần làm ngay để giữ cảnh quan tháp núi đá vôi độc lập; cùng với diện mạo của Kinh đô Hoa Lư xưa, đồng thời tiến hành dự án bảo tồn, tôn tạo các di tích cổ là làng cổ và nhà cổ nhằm tạo điểm tham quan cho du khách, phục vụ nhu cầu ngày càng cao trong đời sống văn hóa cộng đồng. Những giá trị di sản văn hóa phi vật thể gắn liền với những di tích trong phạm vi và vùng liền kề với Khu di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư cần được nghiên cứu, sưu tầm, tư liệu hóa và phát huy giá trị, là phần tài nguyên du lịch nhân văn không thể thiếu bên cạnh những di tích vật chất.

Khu di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư và những di sản văn hóa khác ở vùng phụ cận có liên quan là kho tư liệu vô cùng quý giá của Việt Nam nói riêng, nhân loại nói chung. Kinh đô Hoa Lư đã có ý nghĩa lớn lao trong lịch sử của Việt Nam và nhân loại. Việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị văn hóa lịch sử cho Kinh đô Hoa Lư xưa càng có ý nghĩa lớn lao hơn trong bối cảnh chúng ta cần giữ gìn nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc trong xu thế toàn cầu hóa.

Nguyễn Cao Tấn

Theo baoninhbinh.org.vn