Đồng tiền đầu tiên trong lịch sử Việt Nam

31/07/2020

Đồng tiền đầu tiên trong lịch sử Việt Nam

      Trong suốt hàng nghìn năm người Việt bị phong kiến phương bắc đô hộ, chịu sự đồng hóa, bóc lột mạnh mẽ và do bị lệ thuộc nên không có đồng tiền riêng để lưu hành.

      Năm 938, bằng chiến thắng vang dội của Ngô Quyền trên sông Bạch Đằng đã chấm dứt thời kỳ bắc thuộc, tuy nhiên vừa quét sạch ngoại xâm thì trong nước lại nổi lên loạn 12 sứ quân cát cứ. Trước cuộc nội chiến chia cắt đất nước, Đinh Bộ Lĩnh là người anh hùng đã có công thống nhất quốc gia, mở đầu cho thời kỳ độc lập, tự chủ.

      Năm 968, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi hoàng đế, xây dựng Nhà nước Phong kiến Trung ương tập quyền Đại Cồ Việt, đóng đô ở Hoa Lư. Năm 970, vua đặt niên hiệu là “Thái Bình” . Về việc này Đại Việt sử ký toàn thư chép “Năm thứ nhất (968), vua lên ngôi, đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt, dời kinh ấp về động Hoa Lư, bắt đầu dựng đô mới, đắp thành đào hào, xây cung điện, đặt triều nghi, bầy tôi dâng tôn hiệu là Đại Thắng Minh Hoàng Đế….Thái Bình năm thứ nhất (970), mùa xuân, tháng giêng, đặt niên hiệu…”

     Trong 12 năm trị vì đất nước, để củng cố nền độc lập thống nhất, bên cạnh việc xây dựng bộ máy Nhà nước phong kiến Trung ương tập quyền thống nhất từ Trung ương tới địa phương, nhà vua còn quan tâm tới việc thành lập quân đội với 10 đạo quân, phát triển văn hóa, nghệ thuật....Đặc biệt, để phục vụ cho buôn bán, giao thương, triều Đinh đã cho phát hành đồng tiền đầu tiên trong lịch sử Việt Nam là đồng tiền “Thái Bình hưng bảo”.

Sử ghi chép về các hoạt động thương mại thời Đinh rất ít, Đại Việt sử ký toàn thư có đoạn viết: “Thái Bình năm thứ 7 (976)…mùa xuân, thuyền buôn của nước ngoài đến dâng sản vật của nước họ” . Qua đoạn trích, ta thấy dưới triều Đinh chủ yếu là việc trao đổi hàng hóa, chưa phát triển mạnh về việc sử dụng tiền là vật trung gian trong các hoạt động mua bán nhưng nó đã thể hiện được sự phát triển về mặt kinh tế - xã hội, gắn với lịch sử, văn hóa của dân tộc.

     Tiền triều Đinh được làm từ chất liệu kim loại. Tiền dạng hình tròn, có viền xung quanh, chính giữa có lỗ vuông, đây cũng là mẫu tiền được sử dụng để đúc trong các triều đại kế tiếp. Theo quan niệm của người phương Đông, kiểu dáng tròn - vuông là biểu hiện cho quan niệm về trời tròn - đất vuông, âm - dương giao hòa, qua đó cầu mong cho con người và vạn vật sinh sôi, phát triển.

      Đường kính 21mm, kích thước của lỗ vuông 5mm, dày hơn 1mm. Tiền được viết bằng chữ hán ở cả hai mặt, chữ viết nổi, sắc nét. Mặt trước có 4 chữ hán “Thái Bình hưng bảo” (2 chữ đầu là niên hiệu của vua Đinh, 2 chữ sau dùng để chỉ loại tiền). Mặt sau viết tên triều đại sản xuất đó là chữ Đinh .Vị trí của 4 chữ hán được viết theo kiểu chéo. Tất cả các đồng tiền đều không ghi mệnh giá nên chúng có chung một mệnh giá.

      Trong điều kiện đất nước vừa thành lập, sự ra đời của đồng tiền “Thái Bình hưng bảo” mang một ý nghĩa rất lớn lao, nó không chỉ là phương tiện thanh toán mà nó còn góp phần khẳng định tinh thần độc lập, tự chủ của Nhà nước Đại Cồ Việt. Đây cũng được coi là nền tảng để các triều đại phong kiến Việt Nam tiếp tục kế thừa và phát triển...

Tiền Thái Bình Hưng Bảo triều Đinh ( mặt trước)

Tiền Thái Bình Hưng Bảo triều Đinh ( mặt sau )

 

Lê Thị Bích Thục - PGĐ