Đoàn đại biểu Thành phố Hà Nội dâng hương tưởng niệm tại di tích quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư

05/10/2020

      Đoàn đại biểu Thành phố Hà Nội dâng hương tưởng niệm tại di tích quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư

     Sáng ngày 4/10, Đoàn đại biểu đại diện Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố Hà Nội do đồng chí Vương Đình Huệ - Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội làm trưởng đoàn đã về dâng hương tưởng niệm các vị anh hùng dân tộc tại di tích quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư.

      Tham gia đoàn dâng hương còn có đồng chí Chu Ngọc Anh-Ủy viên Trung ương đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội, cùng đại diện các Sở, ban, ngành Thành phố Hà Nội.

      Về phía tỉnh Ninh Bình tham dự buổi lễ có đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà-Ủy viên Trung ương đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu quốc hội tỉnh; đồng chí Trần Hồng Quảng- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; đồng chí Phạm Quang Ngọc Ủy viên dự khuyết Trung ương đảng, Phó chủ tịch UBND tỉnh và đại diện các Sở, ban, ngành trong tỉnh.

       Đây là hoạt động rất ý nghĩa nằm trong chương trình kỷ niệm 1010 năm Thăng Long-Hà Nội (1010-2020)

      Cố đô Hoa Lư là di tích quốc gia đặc biệt, nơi đây đã ghi dấu sự hình thành, tồn tại và phát triển của 3 vương triều phong kiến: triều Đinh, triều Tiền Lê và khởi đầu của triều Lý.

      Năm 968, sau khi thống nhất đất nước, do yêu cầu về phòng thủ quân sự nên vua Đinh Tiên Hoàng đã chọn núi rừng Hoa Lư làm nơi định đô của Nhà nước phong kiến Trung ương tập quyền đầu tiên của nước ta: nhà nước Đại Cồ Việt.

      Năm 980, Lê Đại Hành lên ngôi hoàng đế lập nên triều Tiền Lê. Bên cạnh việc cho xây dựng tại nơi đây rất nhiều cung điện nguy nga rát vàng, rát bạc để làm nơi thiết triều thì vua Lê Đại Hành còn gắn với hai võ công nổi tiếng: kháng Tống, bình Chiêm.

      Năm 1009, Lý Thái Tổ lên ngôi hoàng đế, thành lập triều Lý. Năm 1010, để phát triển đất nước, vua Lý Thái Tổ đã đưa ra quyết định mang tính lịch sử đó là dời đô ra Thăng Long (Hà Nội ngày nay).  Trong tác phẩm Chiếu dời đô có đoạn viết “thành Đại La, kinh đô cũ của Cao Vương, ở vào nơi trung tâm trời đất, được thế rồng cuộn hổ ngồi, chính giữa nam bắc đông tây, tiện nghi núi sông sau trước. Vùng này mặt đất rộng mà bằng phẳng, thế đất cao mà sáng sủa, dân cư không khổ thấp trũng tối tăm, muôn vật hết sức tươi tốt phồn thịnh. Xem khắp nước Việt đó là nơi thắng địa, thực là chỗ tụ hội quan yếu của bốn phương, đúng là nơi thượng đô kinh sư mãi muôn đời.Trẫm muốn nhân địa lợi ấy mà định nơi ở, các khanh nghĩ thế nào?”. Tháng 7/1010, vua Lý Thái Tổ rời đô.

      Để tưởng nhớ công lao của các bậc Tiên đế, nhân dân đã xây dựng đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng, vua Lê Đại Hành và Nhà bia tưởng niệm vua Lý Thái Tổ trên mảnh đất cố đô lịch sử.

      Lễ dâng hương được diễn ra trong không khí linh thiêng, thực hiện theo nghi thức truyền thống tại 3 địa điểm trên.

      Sau chương trình dâng hương, đọc chúc văn, đoàn đại biểu tiếp tục di chuyển vào chính cung để dâng hoa, lễ vật lên ban thờ các bậc Tiên đế.

      Buổi lễ dâng hương thể hiện truyền thống đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, thể hiện sự thành kính của các thế hệ người Việt Nam đối với các anh hùng dân tộc có công thống nhất, xây dựng và bảo vệ giang sơn xã tắc. Đồng thời còn là sự tri ân với mảnh đất Hoa Lư địa linh nhân kiệt, nơi đây đã đặt nền tảng vững chắc để vua Lý Thái Tổ xây dựng vương triều Lý phát triển hưng thịnh, như Giáo sư Vũ Khiêu đã viết trên văn bia tưởng niệm vua Lý Thái Tổ:

        “Vốn đã biết thời cơ chưa tới, rồng uốn mình nơi núi hiểm rừng sâu

         Nay xem ra thế lực đã thừa, bằng vỗ cánh giữa trời cao biển rộng

          Xây Thăng Long văn hiến với tinh thần Âu Lạc, Văn Lang

          Dựng Đại Việt cơ đồ với khí thế Sơn Tinh Phù Đổng”

Một số hình ảnh tại lễ dâng hương

Nguyễn Thị Hưng - Phòng Thuyết  minh