PHỦ ĐÔNG VƯƠNG (Miếu Đông Thành Đại Vương)

18/12/2020

PHỦ ĐÔNG VƯƠNG (Miếu Đông Thành Đại Vương)

      Kinh đô Hoa Lư xưa là một trung tâm chính trị - văn hóa, có vai trò lịch sử đặc biệt khi gắn với tên tuổi và sự nghiệp 3 triều đại Đinh, Lê, Lý với những chuyển biến trọng đại của dân tộc Việt Nam: thống nhất đất nước, chống giặc ngoại xâm và hình thành kinh đô mới Thăng Long. Nét đẹp tinh hoa văn hóa Hoa Lư cũng được kế thừa và phát triển suốt các thời kỳ. Dù không còn là kinh đô, nơi hội tụ những tinh hoa của dân tộc nữa nhưng những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể gắn liền với nhà nước Đại Cồ Việt vẫn còn đó trên đất Hoa Lư. Bên cạnh các di tích, dấu tích, địa danh liên quan đến kinh đô Hoa Lư xưa, hiện còn nhiều di tích là nơi thờ tự liên quan đến các vị “sinh vi danh tướng tử vi thần” , các nhân vật, sự kiện thời kỳ nhà nước Đại Cồ Việt, nằm trong mạch nguồn chung của tín ngưỡng thờ cúng anh hùng dân tộc của nhân dân.

     Tín ngưỡng là một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của con người.  Ở Việt Nam, tín ngưỡng tôn thờ các vị thần có công với dân với nước là rất phổ biến. Cùng với những di tích lịch sử Văn hóa nổi tiếng trong khu Cố đô Hoa Lư, di tích miếu thờ Đông thành đại vương là một trong những di tích được xây dựng khá lâu đời. Du khách đến thăm Cố đô Hoa Lư, thăm các di tích phụ cận đền vua Đinh Tiên Hoàng, vua Lê Đại Hành, đi ngược lên phía bắc khoảng 500m ngắm cảnh Tiểu Long giang thơ mộng, bồng bềnh mây nước, tới bia Triền Kiều rẽ phải qua thôn Vàng Ngọc 500m là đến miếu Đông Vương.

      Nhân vật được tôn thờ trong Miếu chính là con thứ hai của vua Lê Đại Hành, tên húy là Lê Long (Ngân) Tích. Theo Đại Việt sử ký toàn thư cho biết: Kỷ Sửu (989), mùa xuân, tháng giêng vua Lê cho đổi niên hiệu, đại xá thiên hạ; phong hoàng tử thứ hai là Ngân (Long) Tích làm Đông Thành Vương. Mùa xuân, tháng giêng năm Giáp Thìn (1004) gia phong Long Tích làm Đông Thành Đại Vương.

      Miếu được xây dựng với kiến trúc kiểu chữ Đinh (chuôi vồ), gồm Tiền đường 3 gian, Hậu cung 1 gian. Thượng lương ghi dòng chữ Hán cho biết miếu được tu sửa vào triều Nguyễn.

      Trên nhang án thờ, ở gian Hậu cung có bài vị bằng gỗ sơn thếp, ghi dòng chữ Hán: 東 城 大 王, 神 位.(Đông Thành Đại Vương, thần vị). Trên xà ngang có treo biển gỗ sơn thếp trang trí Phượng hàm thư, với ba chữ Hán 東 王 廟 Đông Vương Miếu (Miếu Đông Vương) .

      Khuôn viên của Miếu có nhiều cây cổ thụ, hoa lá đủ màu sắc, tô điểm cho nơi thờ cúng thêm phần kỳ ảo; tạo thành bức tranh phong cảnh làng quê thâm nghiêm, tĩnh mịch. Trải hàng trăm năm biến cố, thăng trầm của thời gian, chỉ làm cho ngôi Miếu thêm dáng vẻ hoài cổ, thanh bình, đậm hồn đất Việt, như ngầm khẳng định những giá trị về lịch sử và văn hóa sẽ còn mãi trường tồn theo năm tháng.

      Đằng sau địa danh  Miếu Đông Vương là cả một pho truyền thuyết hấp dẫn, sinh động về thời kỳ lịch sử nhà nước Đại Cồ Việt, giai đoạn nhà Tiền Lê.  Việc nghiên cứu, tìm hiểu về nhân vật thờ tại Miếu sẽ mang lại cho du khách nhiều thú vị bất ngờ và đầy sự hấp dẫn.

Hình Ảnh Phủ Đông Vương

Lê Thị Mai Uyên – Phòng Thuyết Minh