Quần thể danh thắng Tràng An - Nâng tầm du lịch Việt

03/07/2018
Quần thể danh thắng Tràng An với hai khu di tích được xếp hạng là Di sản văn hóa, lịch sử đặc biệt quan trọng của Quốc gia là Cố đô Hoa Lư và Chùa Bái Đính.
 
Cố đô Hoa Lư được biết đến như nền móng xây dựng triều đại phong kiến Việt Nam, đánh dấu mốc lịch sử quan trọng sau khi Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân lên ngôi Hoàng Đế năm 965, đóng đô ở Hoa Lư – Ninh Bình. Trải qua tiến trình thăng trầm của lịch sử, hiện cố đô xưa vẫn còn lưu giữ được hai ngôi đền thờ Vua Đinh Tiên Hoàng và Vua Lê Hoàn được xây dựng vào thế kỷ 17 dưới triều Vua Lê Trung Hưng nhằm tưởng nhớ công lao to lớn của hai vị Vua này. Mang trong mình những giá trị, tinh hoa của dân tộc, hiện nay Cố đô Hoa Lư đang được các cấp, các ngành từ TW đến địa phương quan tâm bảo tồn, gìn giữ và phát huy những di sản vô cùng quý báu. Công tác bảo tồn các di sản đang được triển khai chặt chẽ theo những tiêu chuẩn nghiêm ngặt. Việc ứng dụng công nghệ Nano vào việc bảo tồn các di sản là một bước tiến góp phần vào việc bảo tồn di sản văn hóa, lịch sử.
 

Cố đô Hoa Lư Ninh Bình
 
Du lịch sinh thái gắn với du lịch tâm linh
 
Đây là sự kết hợp độc đáo trong cách làm du lịch tại khu du lịch sinh thái Tràng An. Với 9 hang động và 3 điểm tâm linh, đến với Tràng An du khách không chỉ trải nghiệm cùng với vùng non nước, mây trời hòa quyện, đáy nước trong xanh soi bóng những vách núi trùng điệp, mà còn được đến với những điểm tâm linh nơi lưu giữ những giá trị văn hóa, lịch sử qua từng thời kỳ của đất nước. Với phương trâm đưa mỗi người lái đò trở thành một hướng dẫn viên du lịch, một người bảo vệ môi trường, khu du lịch sinh thái Tràng An sẽ làm điểm hẹn lý tưởng cho du khách thập phương.
 

Hành cung Vũ Lâm (Khu du lịch sinh thái Tràng An ) nhìn từ trên cao
 
Gắn du lịch với nhận thức, trách nhiệm xã hội
 
Phát triển du lịch không đơn thuần là phát triển kinh tế mà đi đôi với nó là việc bảo tồn, giữ gìn, tôn tạo các di sản văn hóa, lịch sử, giá trị thẩm mỹ, giá trị địa chất, địa mạo. Nó đòi hỏi sự nhận biết sâu sắc của các cấp, các ngành, đặc biệt là tuyến cơ sở nơi trực tiếp quản lý vùng lõi di sản. Sự cần thiết phải nâng cao nhận thức trách nhiệm của chính quyền cấp cơ sở, cùng với đó là tuyên truyền, giáo dục cho người dân. Gắn trách nhiệm cho từng cán bộ, từng người dân, đồng thời phân chia quản lý rành mạch mỗi người mỗi việc không để sự chồng chéo trong quản lý di sản văn hóa, lịch sử cũng như những danh lam thắng cảnh thiên nhiên.
 
Quần thể danh thắng Tràng An được ghi danh di sản thế giới là bước khởi đầu quan trọng, mở ra thời cơ, thuận lợi mới trong việc phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Ninh Bình, đồng thời cũng đặt ra những thách thức không nhỏ cho chính quyền các cấp cũng như nhân dân tỉnh Ninh Bình mà ở đó cần có sự liên kết chuỗi hoạt động trong quản lý và khai thác du lịch. Nhưng với sự quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi của Đảng, Nhà nước, Chính phủ trong việc quản lý, quy hoạch, đầu tư, bảo tồn, tôn tạo và khai thác dịch vụ… Quần thể danh thắng Tràng An sẽ được khai thác, bảo vệ hiệu quả, bền vững.

Theo báo Mê Kông