Nghệ thuật điêu khắc trên chất liệu gỗ, đá tại Khu di tích Cố đô Hoa Lư

03/07/2018
Đầu thế kỷ XVII,  Lễ quận công Bùi Thời Trung cho xây dựng lại hai ngôi đền thờ vua Đinh và vua Lê trên nền cũ của cung điện xưa, đến năm Hoằng Định thứ 7 (1606) cho khắc bia lưu lại. Hai ngôi đền trải qua một số lần trùng tu, tôn tạo lớn: Vào năm Bính Thìn (1676) nhân dân Trường Yên trùng tu lớn hai ngôi đền, đến năm Thành Thái thứ 10 (1898) ông Dương Đức Vĩnh (cụ Bá Kếnh) cùng nhân dân Trường Yên Thượng tu bổ nâng cao đền thờ vua Đinh bằng ngưỡng cửa đá và các chân tảng đá cổ bồng.
 
Mặc dù đã trải qua hơn 400 năm với bao nhiêu những thăng trầm lịch sử và biến cố của thiên tai, địch họa nhưng đến ngày nay cả hai ngôi đền vẫn giữ được nét kiến trúc thời Hậu Lê thế kỷ XVII, với những mảng chạm khắc đẹp có giá trị cao về nghệ thuật điêu khắc trang trí. Đó là một điều may mắn cho kho tàng di sản nghệ thuật Việt Nam. Một số cổ vật của kinh đô Hoa Lư xưa được tuyển chọn để trưng bày tại các bảo tàng như: Phiên bản Long Sàng đền thờ vua Đinh được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam; cột kinh do Đinh Liễn cho khắc, gạch hình vuông trang trí họa tiết hoa sen và chim phượng, gạch Đại Việt quốc quân thành chuyên… được trưng bày tại bảo tàng Lịch sử Việt Nam và Bảo tàng tỉnh Ninh Bình.
 
Trên chất liệu gỗ
Đền thờ vua Đinh và đền thờ vua Lê là một công trình cấp quốc gia do chính Lễ quận công Bùi Thời Trung trực tiếp chỉ đạo thi công cho nên chủng loại, kích cỡ gỗ và thợ thi công chắc hẳn phải được lựa chọn rất kỹ. Bởi vậy mà ở cả hai ngôi đền các chạm khắc trên kiến trúc gỗ được bảo lưu gần như toàn vẹn, phần lớn các chạm khắc ấy mang giá trị đặc biệt của nghệ thuật điêu khắc thế kỷ XVII  - đỉnh cao nhất trong ba thế kỷ vàng của nghệ thuật điêu khắc gỗ dân gian Việt Nam ( thế kỷ XVII, XVII, XIX).
 

Tượng vua Đinh Tiên Hoàng
Ngay từ nghi môn nội, nghi môn ngoại du khách đã được ngắm nhìn các chạm khắc trang trí trên kiến trúc gỗ. Tuy chạm khắc trang trí ở nghi môn rất ít nhưng lại mang nét đặc sắc độc đáo, đó là  hình ảnh “Tiên cưỡi Rồng” “ Người đâm thú” ở  nghi môn nội, ngoại đều thờ vua Đinh. Biểu tượng Khổng Lão “cuốn thư”, “hòm sách”, “bầu rượu”, “túi thơ”  của người “ văn nhân tài tử”  ở nghi môn ngoại đền thờ vua Lê. Khi bước vào hiên đền thờ du khách sẽ choáng ngợp trước vẻ đẹp tinh xảo, màu sắc rực rỡ của điêu khắc gỗ. Đăc biệt ở hiên đền thờ vua Lê là bức tranh sống động, phô diễn tài năng nghệ thuật của người nghệ nhân xưa với đồ án Trúc hóa Rồng, cá Chép hóa Rồng, tiêu biểu là hình tượng bông hoa Sen để nhắc lại về truyền thuyết sinh ra vua Lê. Nội tự đền thờ chạm khắc trên kiến trúc gỗ tập trung ở tòa Thiêu hương với những lớp cửa võng tinh tế, nhất là ở vách gỗ ngăn giữa Thiêu hương và Chính cung với đồ án trang trí Rồng ổ, Rồng đàn…
 
Kỹ thuật chạm khắc trên kiến trúc gỗ ở đền thờ vua Đinh, vua Lê hầu hết là các kiểu: chạm chìm, chạm nổi thấp – cao, chảm thủng, chạm bong – kênh, chạm lộng. Bên cạnh những khuôn phép kiểu nghệ thuật điêu khắc cung đình (hình ảnh long, ly, quy, phượng, mặt nhật, mặt nguyệt…)  còn đan xen những sáng tạo đầy ngẫu hứng của người nghệ sỹ mang đậm sắc thái dân gian thể hiện rõ tính địa phương.
 

Đền vua Đinh Tiên Hoàng là một công trình kiến trúc độc đáo trong nghệ thuật chạm khắc gỗ của các nghệ sĩ dân gian Việt Nam ở thế kỷ 17

Đặc điểm dễ nhận thấy ở các chạm khắc kiến trúc nơi đây là: đều ở trên vì kèo, phần lớn dàn ngang; quay  mặt ra phía cổng đối diện với hướng nhìn của du khách; màu sắc rất sặc sỡ với màu sơn son thiếp vàng trên chạm khắc trong nội tự đền, nghi môn và màu sơn trộn phù sa trên chạm khắc ngoài hiên đền . Tuy bố cục trang trí bị khống chế bởi kết cấu vì kèo, các đồ án hoa văn tạc trên gỗ vẫn được bố cục trong khá nhiều loại khuôn hình: tròn vuông, tam giác, chữ nhật đứng, chữ nhật nằm, diềm chạy dài ngang … ngoài ra còn có khá nhiều bố cục tự do không theo khuôn phép nào. 
 
Trên chất liệu đá
Vật liệu đá được sử dụng rất nhiều trong quần thể di tích hai ngôi đền, để tạo hình các Long sàng (Sập đá) có tới 9 chiếc Long sàng ( trong đó có 6 chiếc ở đền thờ vua Lê, 3 chiếc ở đền thờ vua Đinh); các tấm bia ở cả hai ngôi đền; Nghê đá, ngưỡng cửa đá và chân tảng đá cổ bồng ở đền thờ vua Đinh. Nghệ thuật điêu khắc đá ở hai  ngôi đền được thể hiện bởi những kỹ thuật phong phú như: Chạm thủng, chạm kênh bong, chạm nông, chạm khắc… đã tạo ra sự đa dạng về các dạng thức điêu khắc, hoa văn trang trí. Điều này làm nổi bật lên quá trình diễn biến phát triển của nghệ thuật điêu khắc qua các thời kỳ. Nghệ thuật điêu khắc  đá ở đây vừa mang phong cách mỹ thuật cung đình, vừa mang phong cách bình dân, có sự đan xen giao thoa giữa văn hóa Việt với văn hóa ngoại lai. Điều này được thể hiện rõ nhất trên bề mặt Long sàng chính giữa sân đền thờ vua Đinh.
 
Long sàng (Sập đá) ở đền thờ vua Đinh, vua Lê được các nhà nghiên cứu mỹ thuật đánh giá là tiêu biểu nhất trong nghệ thuật điêu khắc Sập thờ ở Việt Nam, khó có thể tìm thấy được ở đâu có những chiếc sập đá được chạm khắc kỹ lưỡng như thế. Đồ án trang trí Rồng được sử dụng rất nhiều khi tạo hình Long sàng với hình ảnh Rồng trên bề mặt, Rồng chầu hai bên. Thông qua đồ án hoa văn trang trí trên Long sàng cho biết được niên đại của Long sàng, phong cách mỹ thuật từng thời kỳ.
 

Sập long sàng đền vua Đinh
Nghệ thuật điêu khắc trên đá còn được người nghệ nhân xưa thể hiện trên những tấm bia đá ở hai đền; ngưỡng cửa, chân tảng cổ bồng và Nghê chầu ở đền thờ vua Đinh. Đặc biệt, với tài năng tạo hình của người nghệ nhân xưa, hình tượng Nghê đá ở đền thờ vua Đinh đã được các nhà nghiên cứu xác định là chuẩn mực cho hình tượng Nghê đá ở Việt Nam. Chính vì vậy mà sau khi Công văn số 2662/BVHTTDL-MTNATL ngày 08 tháng 08 năm 2014 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc không sử dụng biểu tượng, sản phẩm linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam được gửi tới các Bộ, ban ngành, cơ quan, đơn vị thì một số nghệ nhân chế tác đá đã tìm về đền thờ vua Đinh nghiên cứu hình tượng Nghê đá ở đây để chế tác lại các linh vật theo lối thuần Việt.

Thông qua việc tìm hiểu nghệ thuật điêu khắc trên chất liệu gỗ, đá ở đền thờ vua Đinh và đền thờ vua Lê giúp chúng ta xích lại gần cha ông hơn, hiểu được phần nào thế giới tâm linh cũng như những ước  vọng, lo toan bận rộn đời thường của người xưa. Đó là những tài liệu sống động báo hiệu sử chuyển đổi mô hình thẩm mỹ, sự biến động trong xã hội mỗi thời kỳ./.
 

Nguồn: Sở du lịch Ninh Bình