Tế lễ trong ngày giỗ vua Đinh Tiên Hoàng tại di tích lịch sử - văn hóa Cố đô Hoa Lư

29/09/2018

            Nhận thức đầy đủ, sâu sắc về giá trị lịch sử, văn hóa quý báu của Nhà nước Đại Cồ Việt và công lao to lớn của vua Đinh Tiên Hoàng, các triều đại kế tiếp đã cho xây dựng đền thờ, khắc văn bia, ban sắc phong, dựng câu đối, thực hiện nghi thức tế lễ nhà vua.

Đội tế nữ quan xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình

            Duy trì nét đẹp văn hóa truyền thống, hàng năm vào dịp Rằm tháng Tám là ngày giỗ (ngày kỵ) của vua Đinh, người dân long trọng tổ chức tế lễ tại đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng (xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình). Đây là hoạt động tín ngưỡng có tính cộng đồng, thể hiện sự tôn thờ, kính trọng đối với nhà vua.

Nghi thức tế lễ trong ngày giỗ (kỵ) vua Đinh Tiên Hoàng

           Phẩm vật tế lễ gồm có xôi, thủ lợn, trầu, rượu, hương, hoa, quả…

           Văn tế vua là Ca cửu khúc, gồm chín khúc ca nhằm ca ngợi công đức của vua Đinh, đồng thời cầu vua ban cho bách gia trăm họ được bình an, đất nước muôn đời hưng thịnh. Cách hát ở đây được trình bày theo nghệ thuật diễn xướng. Tất cả có 218 câu, được chia ra như sau:

           1.Tấu Nguyên hòa khúc: ca ngợi công lao của vua Đinh Tiên Hoàng dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất đất nước và cảnh đẹp hùng vĩ của đất Hoa Lư.

           2.Tấu Thái hòa khúc: ôn lại sự nghiệp của Tiên đế, từ cờ lau tập trận đến sáng nghiệp khai cơ, dựng nền chính thống.

           3.Tấu Thọ hòa khúc: nhớ ơn Tiên đế, dân lập đền thờ, cúi xin ban phúc để dân được ấm no, hưởng nền thịnh trị.

           4.Tấu Dự hòa khúc: dâng vua lời ca ân đức đã mang lại cho muôn dân hưởng phúc thái hòa, yên vui.

           5.Tấu Ninh hòa khúc: nhớ ơn Tiên đế đã phù cho phong đăng hòa cốc (mưa thuận, gió hòa) để mùa màng bội thu, nhà nhà no ấm.

           6.Tấu Hài hòa khúc: tự hào về Nhà Nước Đại Cồ Việt sánh ngang với các triều đại phong kiến của phương bắc (Hán, Đường, Tống)

           7.Tấu An hòa khúc: đội ơn Tiên đế linh ứng độ cho nhân dân no ấm, hạnh phúc, đất nước thái bình.

           8.Tấu Thuần hòa khúc: ơn Tiên đế ban phúc lành cho muôn dân.

           9. Tấu Ung hòa khúc: mong Tiên đế mãi phù hộ muôn dân, già thêm tuổi thọ, trẻ được bình an, chiêm mùa hòa cốc, đất nước vinh quang.

           Đội tế gồm 32 người. Trang phục theo nghi thức truyền thống, áo thụng, đội mũ tế, đi hài.Thành viên trong đội tế phải là những người vợ chồng hòa thuận, con cháu ngoan ngoãn, gia đình không vướng bụi (có tang)...được phân công nhiệm vụ như sau:

           - Một vị Chánh tế (là chủ tế, rót 5 tuần rượu, một tuần trà)

           - Hai vị Bồi tế (phía sau Chánh tế, đứng tế vua)

           - Hai vị Phân hiến (rót rượu dâng)

           - Một vị Thông xướng (hướng dẫn nghi lễ tế)

           - Một vị Họa xướng (nhắc lại nghi lễ tế)

           - Một vị đọc Chúc văn (đọc văn tế)

           - Hai vị phụ trách nhạc (một người tấu sử, một người tấu nhạc)

           - Hai vị dâng nước

           - Hai vị dâng hoa

           - Hai vị dâng đèn

           - Hai vị múa phụ họa

           - Hai vị đánh chén

           - Sáu vị Chấp sự (chuẩn bị đồ tế dâng vua)

           - Sáu vị phục vụ nhạc Lưu thủy

           Chương trình tế lễ diễn ra trong không gian linh thiêng với nghệ thuật diễn xướng dân gian đã thể hiện được lòng sùng kính của người dân đối với vị anh hùng dân tộc, đồng thời có ý nghĩa giáo dục sâu sắc về truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc đối với các thế hệ người Việt Nam.  

Đội tế nữ quan thực hiện nghi thức dâng lễ

           Với nhiều nghi thức tế lễ truyền thống còn có những nét riêng biệt gắn với địa phương, nhân vật thờ cúng thì nghệ thuật này có vai trò đặc biệt trong đời sống tinh thần và đem lại những giá trị tích cực cho mỗi người dân, do đó cần được hết sức coi trọng trong công tác bảo tồn, kế thừa phát huy để trao truyền cho hậu thế, góp phần hiệu quả trong bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của tình Ninh Bình nói riêng và của đất nước nói chung, nhằm xây dựng một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

          Lê Thị Bích Thục