Học sinh với hành trình “Về miền di sản” tham quan di tích LS-VH Cố đô Hoa Lư

22/01/2019

          Di tích lịch sử-văn hóa Cố đô Hoa Lư là di tích cấp Quốc gia đặc biệt, hiện đang lưu giữ rất nhiều di vật có giá trị về lịch sử, văn hóa. Công tác bảo tồn, tuyên truyền và quảng bá di tích là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Trung tâm Bảo tồn di tích LS-VH Cố đô Hoa Lư, bên cạnh việc nỗ lực xây dựng hình ảnh đẹp về vùng đất cố đô lịch sử thì đơn vị còn phối hợp chặt chẽ, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhà trường trong, ngoài tỉnh tổ chức cho các em học sinh có được những chuyến tham quan, trải nghiệm thú vị, bổ ích.

          Thế kỷ X, Hoa Lư đã đánh một dấu mốc son quan trọng trong lịch sử dân tộc với vai trò là Kinh đô của Nhà nước Phong kiến Trung ương tập quyền đầu tiên của nước ta-Nhà nước Đại Cồ Việt.

          Năm 968, sau khi thống nhất đất nước, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế, đặt Quốc hiệu Đại Cồ Việt, đóng đô ở Hoa Lư. Năm 980, Lê Đại Hành lên ngôi vua kế tục sự nghiệp triều Đinh, ông đã cho xây dựng rất nhiều cung điện nguy nga, tráng lệ được dát bằng vàng bạc: điện Bách bảo Thiên Tuế, điện Phong Lưu, điện Tử Hoa, điện Bồng Lai, điện Cực Lạc, điện Trường Xuân, điện Long Lộc…

          Năm 1010, để phát triển đất nước, vua Lý Thái Tổ đã dời đô ra thành Đại La (Hà Nội ngày nay). Để tưởng nhớ công lao của các vị anh hùng dân tộc Đinh Tiên Hoàng và Lê Đại Hành, triều Hậu Lê (Thế kỷ XVII) đã xây dựng hai ngôi đền để tri ân.

          Với những giá trị nổi bật về lịch sử, mỹ thuật...không gian thoáng đãng, sơn thủy hữu tình, Cố đô Hoa Lư là điểm tham quan, trải nghiệm thực tế hấp dẫn, tạo hứng thú học tập cũng như phát huy sự sáng tạo cho các em học sinh. Nhiều môn học có thể gắn kết với tìm hiểu di sản như: Lịch sử, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Mỹ thuật, Toán học…Hàng năm, khu di tích đón hàng chục nghìn du khách là đối tượng học sinh.

          Chương trình Lễ dâng hương, báo công diễn ra trong không khí linh thiêng là nghi thức đầu tiên mà các em được tham dự để tỏ lòng thành kính với các bậc Tiên đế. Sau đó, Thuyết minh viên tại điểm sẽ giới thiệu về khu di tích, các em được tham quan các điểm như: Đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng, Đền thờ vua Lê Đại Hành, Nhà bia tưởng niệm vua Lý Thái Tổ, Khu khai quật nền móng cung điện thời Đinh-Tiền Lê…các em rất háo hức, ngạc nhiên khi được tham quan nhiều di vật: Sưu tập nguyên vật liệu dùng để xây dựng cung điện (gạch, ngói…), tượng vịt, mặt linh thú, vò, vại…đặc biệt các em còn được thăm hai Bảo vật Quốc gia là Long Sàng được tạc trên chất liệu đá nguyên khối, niên đại thế kỷ XII - hiện vật gốc độc bản của Việt Nam. Tại đây, nhà trường còn có thể tổ chức cho các em tham gia hoạt động ngoại khóa: thi múa hát, kéo co, nhảy bao bố, trồng nụ trồng hoa…

          Hành trình “Về miền di sản” tham quan di tích lịch sử-văn hóa Cố đô Hoa Lư đối với các em học sinh là một hoạt động ý nghĩa, mang tính giáo dục sâu sắc. Trải nghiệm khơi gợi niềm tự hào dân tộc, từ đó nâng cao nhận thức của thế hệ trẻ trong việc gìn giữ và phát huy giá trị các di sản văn hóa của quê hương, đất nước.

          Một số hình ảnh về hoạt động trải nghiệm của học sinh tại khu Di tích LS-VH Cố đô Hoa Lư:

Lê Thị Bích Thục