Những điều ít ai biết về Cố đô Hoa Lư

03/07/2018

Cố đô Hoa Lư là nơi tọa lạc hai ngôi đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng và vua Lê Đại Hành

Cách Hà Nội khoảng 90 km, cố đô Hoa Lư nằm trên phần diện tích trải rộng khoảng 300 ha của xã Trường Yên (Hoa Lư, Ninh Bình). Năm 968, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi hoàng đế, xưng là Đinh Tiên Hoàng, đặt tên nước là Đại Cồ Việt. Đinh Tiên Hoàng chọn Hoa Lư làm kinh đô. 

Sách Đại Việt sử lược ghi: “Đến năm thứ nhất niên hiệu Khai Bảo (968) đời vua Triệu là Tống Thái Tổ, Vương xưng Hoàng đế ở động Hoa Lư. Rồi dựng cung điện, chế triều nghi, sắp đặt trăm quan, lập xã tắc và tôn hiệu là Đại Thắng Minh Hoàng đế".

Sách Dư địa chí của Nguyễn Trãi viết: “Đinh (tức Đinh Tiên Hoàng) gọi nước là Đại Cồ Việt, đóng đô ở Hoa Lư… Hoa Lư xưa là Đại Hoàng, bây giờ là phủ Trường Yên”. Vì vậy, trung tâm Hoa Lư có đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng.

Ngoài ra, trung tâm cố đô Hoa Lư còn là nơi tọa lạc của đền thờ vua Lê Đại Hành (tức Lê Hoàn). Năm 980, sau khi được Thái hậu Dương thị và một số quan lại tôn lên làm vua, Lê Hoàn lên ngôi, lập nên triều đại Tiền Lê và vẫn lấy Hoa Lư làm kinh đô. Ðền vua Lê nằm cách đền vua Ðinh chừng 500 m.

Đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng ở trung tâm cố đô Hoa Lư.

Đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng ở trung tâm cố đô Hoa Lư

Thành Hoa Lư được bao quanh bởi núi đá vôi và tường thành nhân tạo đan xen nhau

Kinh đô Hoa Lư nằm gọn trong xã Trường Yên ngày nay, được bao quanh bởi hàng loạt núi đá vòng cung, cảnh quan hùng vĩ. Sách 7 Di tích - Danh thắng Ninh Bình nổi tiếng ghi: "Kinh đô Hoa Lư là một quân thành vững chắc do thiên nhiên và con người làm nên. Khác với mọi đô thành đã xây dựng trên đất nước ta, thành Hoa Lư bao gồm những dãy núi đá vôi và các tường thành nhân tạo đan xen, nối liền với nhau, nhấp nhô tạo nên một đô thành độc đáo mà không nơi nào có được".

Vua Đinh Tiên Hoàng đã biết khai thác triệt để thiên nhiên để phục vụ cho con người. Lối kiến trúc này tiết kiệm tối đa sức người và sức của. Chỉ cần bịt kín các vách núi, nghĩa là đắp thêm những tường thành nhân tạo để nối các dãy núi lại với nhau là có những vòng thành kiên cố. Chiều dài các núi tạo nên thành thiên nhiên khoảng 8 km.

Tường thành bao quanh kinh đô Hoa Lư được xây dựng bằng gạch, đất đá và gỗ

Theo Lã Đăng Bật, tác giả cuốn 7 di tích - danh thằng Ninh Bình nổi tiếng, sau nhiều lần nghiên cứu và khai quật, kinh đô Hoa Lư được khẳng định có 13 đoạn tường thành nhân tạo.

Chiều dài của các tường thành nhân tạo khoảng 2 km, tường ngắn nhất là 65 m. Những tường thành này được đắp cao từ 8 đến 10 m, có đoạn xây kín bằng đất ken gạch, chân thành bó gạch; có đoạn phía trong xây gạch, phía ngoài đắp đất; có đoạn đắp đá lẫn đất và có đoạn đắp hoàn toàn bằng đất. Móng thành được lát bằng những đoạn gỗ. Hiện nay dấu vết của 13 tuyến tường thành vẫn còn.
Tường thành thiên nhiên là các dãy núi, có ngọn cao đến 200 m như ngọn Mồng Mang làm cho tường thành kinh đô Hoa Lư cao không đều, nhấp nhô nhưng bề thế, hoành tráng.

Có thể nói tường  thành Hoa Lư là tường thành của tạo hóa và con người.

Những núi đá vôi tự nhiên trở thành phần quan trọng của vòng thành kinh đô Hoa Lư

Những núi đá vôi tự nhiên trở thành phần quan trọng của vòng thành kinh đô Hoa Lư

Kinh thành Hoa Lư có thành Nội rộng hơn thành Ngoại

Thành Ngoại rộng khoảng 140 ha, thuộc thôn Yên Thượng và Yên Thành (xã Trường Yên). Đây là nơi xây dựng những cung điện chính, trong đó khu vực đền Đinh và đền Lê là trung điểm, là nơi Đinh Tiên Hoàng cắm cờ nước.

Thành Nội rộng hơn thành Ngoại, diện tích khoảng 160 ha, nằm ở phía Tây Bắc, nay thuộc thôn Chi Phong (xã Trường Yên), là nơi ở của gia đình các quan lại và người làm kho.

Gọi thành Nội, thành Ngoại là gọi từ phía trong ra phía ngoài chứ không mang ý nghĩa khu thành chính hay phụ.
Thành Nội và thành Ngoại là hai khu cách biệt nhưng ở sát cạnh nhau và có thể qua lại dễ dàng nhờ một ngách núi ăn thông gọi là Quèn Vông.

Dưới thời vua Lê Đại Hành, nhà vua cho xây thêm nhiều cung điện ở kinh đô Hoa Lư, trong đó có những cung điện xây cột dát vàng, dát bạc.

Sau khi chiến thắng quân xâm lược Tống, đất nước bình yên, vua Lê Đại Hành cho xây thêm nhiều cung điện lộng lẫy làm cho kinh đô Hoa Lư ngày càng hoàn chỉnh. Trong đó, có nhiều cung điện xây cột dát vàng, dát bạc, mái lợp bằng ngói bạc.

Sách Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên ghi: "Giáp Thân năm thứ 5 (984): Dựng nhiều cung điện; làm điện Bách Bảo Thiên Tuế ở núi Đại Vân, cột điện dát vàng, bạc, làm nơi coi chầu; bên Đông là điện Phong Lưu, bên Tây là điện Tử Hoa; bên tả là điện Bồng Lai, bên hữu là điện Cực Lạc; rồi làm lầu Đại Vân, rồi lại dựng điện Trường Xuân làm nơi vua ngủ, bên cạnh điện Trường Xuân dựng điện Long Lộc, lợp bằng ngói bạc".

Là kinh đô của 3 triều đại Đinh, Tiền Lê, Lý

Sau khi vua Lê Long Đĩnh mất, đầu tháng 11/1009, Lý Công Uẩn được các nhà tu hành và bá quan văn võ trong triều tôn lập làm vua. Nhà Lý được chính thức dựng lên từ đó, cùng ở kinh đô Hoa Lư. Như vậy, kinh đô Hoa Lư lại ghi nhận sự ra đời của một vương triều mới.

Nhưng cũng đến triều đại này, khi nước Đại Cồ Việt đã phát triển, kinh đô Hoa Lư dù là một quân thành hùng vĩ, hiểm trở nhưng lại chật hẹp, chỉ phù hợp với thế thủ. Muốn đất nước phát triển hơn, có thế công, kinh đô phải là nơi rộng rãi, thuận tiện về giao thông thủy, bộ, trung tâm về địa lý, kinh tế… Vì vậy, vua Lý Công Uẩn đã quyết định dời đô từ Hoa Lư ra Đại La (Hà Nội ngày nay).

Việc dời đô của Lý Công Uẩn đánh dấu Hoa Lư trở thành cố đô. Như vậy, kinh đô Hoa Lư tồn tại trong 42 năm (968-1010).

Thanh Tâm

Theo vnexpress.net