Công tác bảo vệ, bảo quản và phát huy giá trị của bảo vật quốc gia tại Di tích quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư

11/12/2019

ng tác bảo vệ, bảo quản và phát huy giá trị của bảo vật quốc gia

tại Di tích quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư

         Cố đô Hoa Lư là một trong những di tích trọng điểm của tỉnh Ninh Bình về du lịch văn hóa - tâm linh. Hàng năm, di tích đón hàng trăm nghìn lượt du khách trong nước và quốc tế về tham quan, chiêm bái. Di tích hấp dẫn du khách không những bởi cảnh núi sông hùng vĩ hay sự uy nghi của các kiến trúc thờ tự, mà còn thu hút du khách qua việc nghiên cứu, tìm hiểu về các bảo vật quốc gia.

         Di tích hiện đang lưu giữ, bảo quản hai bảo vật quốc gia là Long Sàng. Chất liệu đá, niên đại thế kỷ XVII. Với chức năng là đồ thờ để thể hiện sự tôn kính nhà vua, nghệ nhân đã phô diễn tài năng trạm khắc các họa tiết rất tinh xảo.

        Long sàng tại Sân rồng đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng với vị trí trung tâm là một con rồng khá lớn. Rồng ở đây tượng trưng cho uy quyền của nhà vua, đồng thời cũng là linh vật mang ước vọng cầu mưa thuận gió hòa cho mùa màng bội thu, cuộc sống no đủ. Rồng được chạm khắc thân mập, đuôi thẳng, phủ vảy đơn, đao mác lá hỏa, uốn lượn trong khuôn hình chữ nhật rất mềm mại, uyển chuyển. Tuy nhiên, hình tượng rồng ở đây còn thể hiện tính phóng khoáng, sự tài hoa của người nghệ nhân, bởi các chân không tuân thủ theo quy phạm nhất định, các chân của rồng khi là móng chim ưng, khi lại được nhân hóa như bàn tay người. Kết hợp với nó là đường diềm rất đẹp, bốn phía được chạm nổi những biểu tượng liên quan tới nguồn nước như: vân mây, cá, tôm…. Mặt đứng của Long sàng chạm khắc hoa cúc, hoa chanh, thiên nga...Những họa tiết này đã tạo nên nét khác biệt, đặc sắc của Long sàng đền thờ vua Đinh so với hệ thống sập thờ của Việt Nam. 

Long sàng - bảo vật quốc gia ( trước sân rồng đền Đinh)

          Trước Nghi môn ngoại đền thờ vua Đinh cũng có một Long sàng tương tự, với cùng một phong cách, bề mặt Long sàng chạm rồng, phần thân bổ ô trang trí các linh vật, phần đế tạo tác kiểu chân quỳ dạ cá, chính giữa là hổ phù.

Long sàng - bảo vật quốc gia (trước Nghi môn ngoại, đền thờ vua Đinh)

           Cả hai Long sàng đều có bố cục rõ ràng, mang đậm dấu ấn mỹ thuật truyền thống và được đánh giá là Long Sàng đẹp nhất, tiêu biểu nhất trong nghệ thuật điêu khắc sập thờ ở Việt Nam.Với những giá trị tiêu biểu về niên đại, mỹ thuật và đặc biệt là tiêu chí hiện vật gốc độc bản, Long sàng đã được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận là bảo vật quốc gia ngày 25/12/2017 (đợt 6).

          Sau khi được công nhận là bảo vật quốc gia, Trung tâm bảo tồn di tích LS-VH Cố đô Hoa Lư đã chấp hành nghiêm Luật Di sản văn hóa, triển khai thực hiện tốt các văn bản chỉ đạo của cấp trên, kịp thời phát hiện và ngăn ngừa các hành vi, tác nhân làm xâm hại đến bảo vật quốc gia. Nâng cao công tác phối hợp với các cơ quan hữu quan để đảm bảo thực hiện tốt nhất việc bảo vệ, bảo quản theo chế độ đặc biệt và phát huy có hiệu quả giá trị của các bảo vật.

         Khó khăn là cả hai bảo vật đều bài trí ở ngoài trời, rất dễ chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố tác động trực tiếp của thiên nhiên, do đó việc bảo vệ an toàn tuyệt đối cho các bảo vật ngày càng được Trung tâm chú trọng. Trước hết các bảo vật luôn được bao sái sạch sẽ, đảm bảo tính mỹ quan, xung quanh có hành lang rào chắn bảo vệ để tránh việc du khách tác động vào bảo vật. Bên cạnh đó còn tăng cường công tác kiểm tra để phát hiện sớm nấm mốc, kịp thời ngăn chặn. Đồng thời áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào công tác bảo vệ như: lắp đặt hệ thống camera an ninh giám sát. Mùa mưa bão, đơn vị tiến hành chặt tỉa các cành cây có nguy cơ gãy đổ ảnh hưởng đến bảo vật. Trung tâm còn chủ động phối hợp với các lực lượng an ninh của địa phương và các đơn vị liên quan để bảo đảm an toàn cho bảo vật.

        Trong những năm qua, để đông đảo du khách biết đến bảo vật quốc gia, một trong những yếu tố quan trọng để thu hút khách tham quan đến di tích, Trung tâm đã tăng cường tuyên truyền thông qua đội ngũ thuyết minh viên để giúp cho du khách và nhân dân biết được giá trị đặc biệt của bảo vật, qua đó nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm bảo vệ, giữ gìn. Các thuyết minh viên đã bổ xung thông tin để giới thiệu thông qua việc cập nhật nội dung từ hồ sơ công nhận bảo vật quốc gia. Chú trọng thuyết minh chuyên sâu, có điểm nhấn để tạo sức hút, ấn tượng đối với du khách. Tích cực phối hợp với các cơ quan báo chí, phát thanh truyền hình trong công tác tuyên truyền, quảng bá rộng rãi về các thông tin, hình ảnh liên quan đến bảo vật. Bảo vật đã được làm biển đề là bảo vật quốc gia bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh, tạo ra sự chú ý, thuận lợi cho du khách khi tìm hiểu, nghiên cứu, tham quan. Một trong những vấn đề rất quan trọng đó là quan tâm đến việc nâng cao trình độ chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp đối  với đội ngũ cán bộ, viên chức và người lao động của đơn vị để có thái độ ứng xử khoa học, trân trọng đối với bảo vật.

         Trong những năm tiếp theo, để làm tốt công tác bảo vệ, bảo quản và phát huy giá trị của bảo vật quốc gia, Trung tâm tiếp tục duy trì việc thực hiện nghiêm Luật Di sản văn hóa và các văn bản chỉ đạo liên quan.

           Chủ động phối hợp với các cơ quan chuyên môn để từng bước áp dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào việc bảo vệ, bảo quản.

          Tăng cường công tác quảng bá các giá trị, đồng thời tiếp tục nâng cao chất lượng công tác thuyết minh, đặc biệt là công tác tuyên truyền, giới thiệu về các bảo vật quốc gia.

 

                                                                                                                                                                              Phạm Thị Ánh Tuyết - Phòng Thuyết minh