Bộ Phủ Việt của di tích LS-VH Cố đô Hoa Lư được công nhận là bảo vật quốc gia

19/01/2020

Bộ Phủ Việt của di tích LS-VH Cố đô Hoa Lư

được công nhận là bảo vật quốc gia

Ngày 15/01/2020, Bộ Phủ Việt đang lưu giữ tại di tích lịch sử - văn hóa Cố đô Hoa Lư đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận là bảo vật quốc gia trong số 27 hiện vật, nhóm hiện vật trên cả nước được công nhận đợt 8 (đợt xét duyệt năm 2019).

Bộ Phủ Việt gồm 04 hiện vật, chất liệu gỗ. Niên đại thế kỷ XVII. Đây là đồ thờ để thiêng hóa chiến công của hai vị anh hùng dân tộc là vua Đinh Tiên Hoàng và vua Lê Đại Hành, những người đã có công dẹp loạn nội chiến, kháng Tống, bình Chiêm, đặt nền tự chủ cho đất nước.

Mỗi bảo vật là một tác phẩm nghệ thuật đặc sắc, phô diễn sự tài hoa của người nghệ nhân. Phủ Việt cao 2,7 m (kể cả cán), lưỡi được trang trí hình rồng kiểu yên ngựa khá lớn, đầu ngược xuống dưới, thân lộn lên phía trên, điểm xuyết là mười con rồng nhỏ, ẩn hiện trong những đao mác, xung quanh trang trí hoa cúc, lá đề. Đỉnh của Phủ Việt được làm thành hình ba mũi giản.

Với bố cục đăng đối, chạm khắc tinh xảo và đặc biệt là tiêu chí hiện vật gốc độc bản, bộ Phủ Việt được công nhận là bảo vật quốc gia không những là niềm vinh dự cho khu di tích Cố đô Hoa Lư và tỉnh Ninh Bình mà còn là trách nhiệm cho những người làm công tác quản lý, những người thực hiện nhiệm vụ trong công tác bảo vệ, bảo quản và phát huy giá trị của bảo vật.

Để làm tốt công tác giữ gìn, phát huy giá trị của mỗi bảo vật, Trung tâm bảo tồn di tích lịch sử-văn hóa Cố đô Hoa Lư cần đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, quảng bá qua đội ngũ thuyết minh viên và trên các phương tiện thông tin đại chúng, lập phương án báo vệ, thực hiện chế độ bảo vệ đặc biệt…để thu hút du khách khi về tham quan, chiêm bái Cố đô Hoa Lư không chỉ qua những câu chuyện lịch sử gắn với công cuộc dựng nước, giữ nước của các vị Tiên đế mà còn là sự hấp dẫn bởi các bảo vật quốc gia.

Phủ Việt đền thờ Vua Đinh Tiên Hoàng (chất liệu: gỗ; niên đại: Thế kỷ XVII)


 

 Phủ Việt đền thờ Vua Lê Đại Hành (chất liệu: gỗ; niên đại: Thế kỷ XVII

Lê Thị Bích Thục - PGĐ Trung tâm