Lễ hội truyền thống của vùng đất thiêng

03/07/2018
Các lễ hội truyền thống là dịp để đất trời và con người được giao hòa, là thời điểm linh thiêng để tế lễ thần linh, tưởng nhớ các bậc tiền bối, anh hùng dân tộc đã có công xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Đây cũng là dịp diễn ra các sinh hoạt văn hóa dân gian đề cao tính cộng đồng. Chính vì thế, nếu cùng một lúc muốn khám phá non nước Tràng An và tìm hiểu về những nét văn hóa dân tộc của vùng đất địa linh nhân kiệt này, hãy đền đây vào dịp các lễ hội truyền thống được tổ chức hàng năm.
 
LỄ HỘI TRƯỜNG YÊN
 
Ở đất Cố đô vẫn lưu truyền câu ca: “Ai là con cháu rồng tiên. Tháng Ba mở hội Trường Yên thì về”. Đây là một trong những lễ hội lớn nhất ở Tràng An được tổ chức từ ngày mùng 8 đến 10 tháng 3 âm lịch hàng năm để tưởng nhớ công lao của hai vị vua Đinh Tiên Hoàng và vua Lê Đại Hành. Tương truyền, ngày 10/3 âm lịch là ngày vua Đinh Tiên Hoàng lên ngôi  hoàng đề nên hai nghi lễ chính trang nghiêm là rước nước và tế lễ sẽ được tổ chức vào đúng ngày này. Lễ rước nước được khởi hành từ đền vua Đinh Tiên Hoàng rồi đoàn rước tiến về phía bến sông Hoàng Long, chèo thuyền ra giữa sông làm lễ và trở lại bến cũ, tiếp tục cuộc rước nước về đền thiêng. Lễ tế diễn ra vào ban đêm cùng lúc ở hai đền vua Đinh và đền vua Lê. Sau màn tế là phần hội với nhiều trò vui nhưng được mong chờ nhất ở lễ hội Trường Yên là trò “Cờ lau tập trận”, diễn lại sự tích quãng đời chăn trâu thủa nhỏ của Đinh Bộ Lĩnh trên đất Trường Yên xưa. Cũng vì sự độc đáo của trò chơi này mà khi xưa, lễ hội Trường Yên còn mang tên là lễ hội Cờ Lau.
 



Trò diễn xướng dân gian "Cờ lau tập trận"
 
LỄ HỘI ĐỀN THÁI VI
 
Hàng năm, cứ vào trung tuần tháng 3 âm lịch tại thôn Văn Lâm, xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư diễn ra lễ hội để tưởng nhớ tới công lao của các vua Trần tại đền Thái Vi. Ngôi đền này thờ vua Trần Thái Tông, vua Trần Thánh Tông, hiền từ Hoàng Thái hậu, vùa Trần Nhân Tông, vua Trần Anh Tông. Chính hội thường diễn ra vào ngày 15/3 âm lịch. Theo quan niệm của người dân địa phương, sau khi chiến thắng giặc Nguyên Mông, vào đúng ngày này vua tôi nhà Trần về Thiên Trường (Nam Định) bái yết tổ tiên, ăn mừng chiến thắng. Phần lễ được tổ chức dưới hình thức rước kiệu và tế các vua Trần tại đền Thái Vi. Cùng với lễ là hội. các trò chơi dân gian của nhân dân địa phương như múa lân, múa rồng, cờ người, đấu vật, bơi thuyền…
 




 
LỄ HỘI THÁNH QUÝ MINH ĐẠI VƯƠNG
 
Thánh Quý Minh Đại Vương hay còn gọi là thánh Cao Sơn là vị thần được thờ phụng theo tín ngưỡng dân gian tại đền Trần – một trong những tứ trấn của kinh đô Hoa Lư xưa. Tương truyền đền thánh Quy Minh Đại Vương được vua Đinh Tiên Hoàng xây dựng vào thế kỷ X với mong muốn mượn uy danh của Đức thành để trấn yên bờ cõi. Vua Trần Thái Tông sau khi chiến thắng giặc ngoại xâm đã chọn nơi đây làm chốn tu hành và ngôi đền gỗ cũ kỹ thuở ban đầu được nhà Trần xây dựng lại thành ngôi đền đá với hoa văn trang trí độc đáo. Chính vì thế, người dân địa phương vẫn quen gọi là đền thánh Quý Minh Đại vương là đền Trần. Nằm giữa một vùng sơn thủy kỳ thú, lối vào đền thường là đi đò trên sông. Vào đúng lễ hội ngày 18 tháng 3 âm lịch, có đến cả nghìn chiếc đò chở người dân và du khách lướt đi rộn ràng trên sông Sào Khê để vào tham gia các nghi lễ tế thần, rước nước, thả cá phóng sinh cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt để muôn người có cuộc sống ấm no.
 



 
LỄ HỘI CHÙA BÁI ĐÍNH
 
Quần thể chùa Bái Đính gồm một ngôi chùa Bái Đính cổ và khu chùa Bái Đính mới được xây dựng năm 2003 với quy mô rộng lớn tại thôn Sinh Dược, xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn. Lễ hội chùa Bái Đính là một lễ hội xuân kéo dài từ ngày 6 tháng Giêng âm lịch đến hết tháng 3 âm lịch. Phần lễ chính được diễn ra với nghi thức dâng hương đức Phật, tưởng nhớ công đức Thánh Nguyễn Minh Không, lễ tế thần Cao Sơn, Đức Thánh Nguyễn và Bà chúa thượng ngàn. Phần hội ngoài những trò chơi dân gian sẽ có những màn trình diễn nghệ thuật như hát Chèo, Xẩm, Ca Trù đất cố đô.
 



Nguồn: Ban quản lý Quần thể danh thắng Tràng An/Tạp chí Heritage