CỘT KINH CHÙA NHẤT TRỤ (Bảo vật Quốc Gia)

25/04/2020

CỘT KINH CHÙA NHẤT TRỤ(Bảo vật Quốc Gia)

Chùa Nhất Trụ tọa lạc trên khoảng đất rộng hơn 3.000m2 thuộc thôn Nam, xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình. Đây là ngôi chùa cổ, thuộc vùng bảo vệ đặc biệt của khu di tích Cố đô Hoa Lư.

Cột kinh Phật đặt tại sân chùa được tạo tác từ đá, cấu tạo gồm 6 bộ phận: Tảng vuông, đế tròn, thân bát giác, thớt bát giác, đấu bát giác và đỉnh hoa sen. Cột cao 4,16m, nặng khoảng 4,5 tấn.

  Nội dung lạc khoản cho ta biết Cột kinh được dựng vào năm 995, với mong muốn cầu quốc thái dân an, triều đình vững mạnh và thể hiện sự tin tưởng, nhiệm màu vào Phật pháp.

Về kiểu dáng, Cột kinh có một vòng cánh sen bao quanh đế cột gồm 22 cánh đơn, với đường kính vòng sen là 107 cm, chiều dài mỗi cánh từ 15- 17cm, rộng từ 10,5- 13cm, đây là những cánh sen xuất hiện sớm nhất ở Việt Nam trong kiến trúc nghệ thuật.

Về kích cỡ, tảng có hình gần vuông, mỗi chiều 140cm, dày 30cm. Bên dưới đế có ngõng tròn đường kính 15,5cm. Ngõng này lắp vừa vào lỗ mộng tảng. Bên trên đế có lỗ mộng đường kính 34,5cm; sâu 9cm.Thân cột bát giác, số đo qua tâm hai mặt đối diện 61- 62cm (phía dưới) và 65cm (phiá trên). Như vậy cột kinh có dáng trên to dưới nhỏ. Hai đầu cột đều có ngõng cắm vào đế và thớt. Thớt bát giác, số đo qua tâm hai mặt đối diện là 69cm (nhỉnh hơn số đo của thân cột, dày từ 10- 13cm. Mặt trên phẳng, mặt dưới có lỗ mộng ngậm vào ngõng của thân. Đấu có đường gờ, miệng uốn lượn tạo nên 8 đỉnh nhọn. Cuối cùng là chóp, có hình một bông sen, cao ước 80cm.

Cột kinh chùa Nhất trụ rất đặc biệt, sáu bộ phận gá lắp với nhau bằng lỗ mộng và ngõng tròn, hoàn toàn không có chất kết dính, nhưng rất vững vàng. Bản thân cột đá chùa Nhất trụ vẫn đứng vậy từ xưa đến giờ, trước thử thách của gió mưa, bão lụt mà vẫn không bị đổ.

Trên 8 mặt của thân cột khắc chữ Hán, nhưng do trải qua thăng trầm của lịch sử, phần lớn các chữ đã bị mất, mờ. Tuy nhiên, dựa trên các tài liệu hiện còn lưu giữ đã cho ta biết nội dung văn tự có 3 phần: Lạc khoản, kệ, kinh. Phần lạc khoản và kệ có nội dung là: :Đệ tử Thăng Bình hoàng đế…Bát nhã tiền việt hải chi ba huề hương [ ] Đại Thánh Minh Hoàng đế, Lê tổ thừa thiên mệnh đại định sơn hà thập lục niên lai…”

Tạm dịch: Người theo đạo Phật là Thăng Bình hoàng đế…

Thuyền bát nhã trước vượt sóng biển, mang về bản hương (kinh), [kể từ khi] Đại Thánh Minh hoàng đế tổ họ Lê, tự mình kế tiếp mệnh trời, cả định non sông lên ngôi đến nay là 16 năm…(995).

Hiện vật là tư liệu quý báu, không chỉ cho chúng ta thấy đời sống tâm linh và tín ngưỡng của người Việt cách đây trên một nghìn năm mà còn có giá trị với lịch sử, văn hóa Phật giáo.

Cột kinh Phật chùa Nhất Trụ là hiện vật độc bản, có giá trị độc đáo về loại hình, kết cấu, kích thước, có ý nghĩa lịch sử - văn hóa to lớn, tư liệu vật chất phản ánh một thời kỳ hào hùng của dân tộc. Do đó, Cột kinh Phật đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận là Bảo vật Quốc gia năm 2015.

Cột kinh chùa Nhất Trụ

 

Đào thị Mỹ Dung - PGĐ