ĐỀN BIM

01/05/2020

ĐỀN BIM

Thuộc khu vực Quần thể danh thắng Tràng An - Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, vùng đất Trường Yên nằm trong kinh đô Hoa Lư của Nhà nước Đại Cồ Việt thế kỷ X, mảnh đất gắn với sự nghiệp của 6 vị vua thuộc ba Triều đại phong kiến: Đinh - Tiền Lê - Lý với các dấu ấn lịch sử: Thống nhất giang sơn, đánh Tống - dẹp Chiêm và phát tích quá trình định đô Thăng Long. Do ở vào vị trí chiến lược vào Nam ra Bắc, vùng đất này đã chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử oai hùng của dân tộc mà dấu tích lịch sử còn để lại trong các ngôi đình, chùa, đền, miếu, phủ, từng ngọn núi, dòng sông. Đây còn là vùng đất chiến lược, căn cứ để triều Trần 2 lần chiến thắng giặc Nguyên - Mông.

Nằm trên cánh đồng Bim phía nam thôn Chi Phong, xã Trường Yên, phía sau là tường thành Bim. Đền Bim (phủ Thánh Quý)  nằm giữa các ngọn núi:  Mồng Mang, Bồ, Trạng Nguyên, Miễu, Cổ Tượng, Long Ấn, núi Chùa …

Đền quay hướng  Đông Nam, tương truyền được xây dựng vào thời Đinh - Tiền Lê, đến nay đã được trùng tu nhiều lần. Kiến trúc theo kiểu “tiền đao - hậu đốc”, tiền đường 1 gian, hậu cung 2 gian, tường vây, cột xà bằng lim, mái lợp ngói vẩy. Đền còn lưu giữ được 09 đạo sắc phong, niên đại từ thời Lê (niên hiệu Cảnh Hưng) đến thời Nguyễn.

Đền Bim thờ thần Quý Minh. Bài vị thờ thần có ghi:

顯應毅武都統貴明大王

Phiên âm: Hiển ứng Nghị vũ Đô thống Quý Minh Đại vương

Quý Minh Đại Vương là tên gọi của một vị thần trong truyền thuyết. Theo tín ngưỡng Việt Nam, thần Sơn Tinh, thần Cao Sơn, thần Quý Minh thường là những hậu duệ của Lạc Long Quân và Âu Cơ, tức em của vua Hùng Vương hoặc là tướng của Hùng Vương thứ 18.Tuy nhiên, khác với hai vị thần núi kia được thờ ở những vùng núi cao, thần Quý Minh thường được coi là vị thổ thần, thủy thần và thờ phụng ở những vùng trũng hoặc đồng bằng. Cũng giống như các truyền thuyết về thần Cao Sơn, thần tích nguồn gốc thần Quý Minh ở các đền thờ có nhiều dị bản.

Theo truyền thuyết dân gian xứ Sơn Nam, Đức Thánh Quý Minh Đại Vương là một vị thủy thần, là người có công trấn giữ vùng chiêm trũng ải Sơn Nam, bảo vệ đất nước thời vua Hùng thứ 18. Ngài là một "Thượng Đẳng Thần",  trải qua nhiều đời đế vương, được các nhà vua ban sắc phong, nhân dân khắp xứ thờ phụng.

Trên thực tế thần Quý Minh có rất nhiều thần tích ghi chép lại, được truyền thuyết hoá rất nhiều nơi với những dạng thức khác nhau. Được ghi chép dưới dạng thần tích theo kết cấu hoàn chỉnh: sự ra đời, chiến công và hoá thân, cũng có khi thần hiện lên báo mộng, phù trợ giúp các tướng lĩnh đời sau đánh giặc ngoại xâm.

Ban đầu, đền Bim được xây dựng gần tường Bim (một trong 13 tuyến thành nhân tạo dưới triều Đinh - Lê). Theo truyền thuyết tại địa phương, đến thời Lê Trung Hưng do lụt lội, nhân dân đã rước bài vị tới nơi thờ mới, tới giữa thung lũng thì đoàn rước để rớt bài vị, không sao rước kiệu đi tiếp được, nên mới xây đền ở vị trí hiện tại. Dân làng lấy ngày rước bài vị (20 tháng chạp) để làm ngày lễ kỵ thần hàng năm.

Ngoài ra, đền còn thờ một tướng thời Đinh. Câu đối nhấn vữa ngoài cửa đề:

丁朝將略标南史

芝邑祠高鎮北方

Phiên âm:  Đinh triều tướng lược tiêu Nam sử

                 Chi ấp từ cao trấn Bắc phương.

(Dịch nghĩa: Tướng giỏi triều Đinh tên tuổi còn ghi trong sử nước Nam;

                    Dân thôn Chi Phong lập đền thờ ông trấn giữ phương Bắc).

Và câu đối niên đại Bảo Đại Tân Tỵ (1941):

有生高出尋常萬

不死參為天地三

Phiên âm: Hữu sinh cao xuất tầm thường vạn

                Bất tử tham vi thiên địa tam.

  (Dịch nghĩa: Sinh ra đã hơn hẳn hàng vạn kẻ tầm thường;

             Sống mãi để giúp đỡ cho đời, đứng hàng thứ ba chỉ sau trời đất ).

Tượng thần bằng gỗ cao cả bệ là 1,85m, áo thêu hình rồng, thắt đai, đội mũ có chữ vương (). Phải chăng, ngoài nhân vật được thờ chính là Quý Minh Đại Vương, đền Bim còn phối thờ vị tướng giỏi có tên tuổi ghi trong sử sách nước Việt: Thần có thể là Nam Việt vương Đinh Liễn?

Đại Việt sử ký toàn thư ghi: Kỷ Tỵ, năm thứ 2 (969). Tháng 5 nhuận, phong con trưởng là Liễn làm Nam Việt Vương. Mà theo câu đối nhấn vữa cho biết ngài là Tướng giỏi triều Đinh tên tuổi còn ghi trong sử nước Nam.

Qua khảo sát một số di tích tại tỉnh Ninh Bình, chúng tôi nhận thấy do hoàn cảnh lịch sử, có một số nhân vật thờ phải ẩn mình dưới một tên thần khác: Phủ Hành khiển thờ một tướng thời Đinh (Định Quốc công Nguyễn Bặc) dưới lớp bọc Tả bộc xạ Hành khiển, đền Hiềm (TP.Ninh Bình) cũng thờ ông nhưng dưới lớp bọc của thần Quý Minh …

Vị trí tọa lạc của đền Bim liền kề với di tích LS-VH Cố đo Hoa Lư, rất thuận lợi cho du khách đi tham quan, chiêm bái. Việc nghiên cứu, tìm hiểu về nhân vật thờ tại ngôi đền sẽ mang lại cho du khách nhiều thú vị bất ngờ và đầy sự hấp dẫn.

                  Đền Bim (Phủ Thánh Quý)

Nguyễn Thị Kim Cúc - PGĐ