Bộ sưu tập sắc phong thời Lê - Nguyễn đang lưu giữ tại di tích quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư

31/05/2020

Bộ sưu tập sắc phong thời Lê - Nguyễn đang lưu

 giữ tại di tích quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư

Hiện nay, bên cạnh nhiều hiện vật, bảo vật quốc gia có giá trị cao về mặt lịch sử, văn hóa thì di tích LS-VH Cố đô Hoa Lư đang lưu giữ, bảo quản một nguồn tư liệu vô cùng quý giá đó là hơn 40 đạo sắc phong có niên đại thời Lê - Nguyễn.

Đây là loại sắc phong thần, dùng để ghi nhận việc nhà vua của hai triều đại phong kiến Lê - Nguyễn phong tặng và xếp hạng cho các vị thần được thờ cúng. Được làm trên chất liệu giấy, các sắc phong thể hiện kỹ thuật thư pháp rất đặc sắc, độc đáo. Mô típ trang trí mang đậm nét phong cách mỹ thuật truyền thống như: đề tài tứ linh (long, ly, quy, phượng), hình chữ Vạn, hình rồng, mây, bầu rượu túi thơ…

          Các sắc phong thời Lê đều là sắc ban cho vua Đinh Tiên Hoàng, nội dung lòng sắc chủ yếu là gia phong mỹ tự ca ngợi nhà vua “ Tế dương Định mệnh, Khai cơ Sáng nghiệp, Nhân thánh Uy dũng, Anh vũ Cương minh, Duệ văn Chiêu hiến, Thông linh Hiển đức, Dũng triết Quảng vận, Quang túc Triệu hưu, Thống thủy Địch triết, Thể đạo Chương nghĩa, Tuy ninh Hoằng hóa, Hồng liệt Giám công, Triệu vận Định quốc, Chí nhân Đại đức, Quảng bác Uyên hòa, Lập cực Thùy hưu, Hoằng mô Viễn lược, Chiêu phúc Hiển khánh, Hộ quốc Phổ trạch, Cương nghị Phù tộ, Huệ dân Hoàng đế…” (sắc Đức Long năm thứ 5 (1633)).

          Các sắc phong thời Nguyễn là sắc ban cho vua Đinh Tiên Hoàng, Lê Đại Hành và cha mẹ vua Đinh. Các đạo sắc này ngoài nội dung sắc chỉ cho người dân địa phương (nay là xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình, cũng là nơi có di tích quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư) phụng sự việc thờ cúng, dùng mỹ tự ca ngợi, thì hầu hết các sắc phong này còn nêu lên lý do các vua triều Nguyễn gia phong mỹ tự trong những dịp trọng đại như: nhân dịp lên ngôi, lễ mừng thọ… “Sắc chỉ: Ninh Bình tỉnh, Gia Viễn huyện, Yên Trạch xã, tòng tiền phụng sự: Đinh Tiên Hoàng đế, Lê Đại Hành hoàng đế miếu. Tiết mông ban cấp sắc chỉ, chuẩn nhĩ xã phụng sự. Tứ kim phi ưng cảnh mệnh, chi thiệu tiền du. Đặc chuẩn hứa y cựu phụng sự, dụng thân kính ý” (sắc Đồng Khánh năm thứ 2 - 1887; Tạm dịch: Sắc chỉ cho: xã Yên Trạch, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình, từ trước vẫn thờ: Đinh Tiên Hoàng đế và Lê Đại Hành hoàng đế. Đã từng ban cấp sắc chỉ cho phép xã ấy phụng thờ. Nay Trẫm kế nối mệnh lớn, noi theo nếp xưa. Đặc biệt cho thờ phụng như trước, để tỏ rõ lòng thành kính.)

Sau đây, xin giới thiệu một số sắc phong thời Hậu Lê tiêu biểu:

  1. Sắc phong niên đại Đức Long năm thứ 5 (1633)
  2. Sắc phong niên đại Dương Hòa năm thứ 8 (1642)
  3. Sắc phong niên đại Phúc Thái năm thứ 7 (1649)
  4. Sắc phong niên đại Khánh Đức năm thứ 4 (1652)
  5. Sắc phong niên đại Cảnh Trị năm thứ 8 (1670)
  6. Sắc phong niên đại Dương Đức năm thứ 3 (1674)
  7. Sắc phong niên đại Chính Hòa năm thứ 4 (1683)
  8. Sắc phong niên đại Vĩnh Thịnh năm thứ 6 (1710)
  9. Sắc phong niên đại Cảnh Hưng năm thứ 1 (1740)
  10. Sắc phong niên đại Chiêu Thống năm thứ 1 (1787)…

Một số sắc phong thời Nguyễn tiêu biểu:

  1. Sắc phong niên đại Gia Long năm thứ 9 (1810)
  2. Sắc phong niên đại Minh Mệnh năm thứ 5 (1824)
  3. Sắc phong niên đại Thiệu Trị năm thứ 2 (1842)
  4. Sắc phong niên đại Tự Đức năm thứ 3 (1850)
  5. Sắc phong niên đại Đồng Khánh năm thứ 2 (1887)
  6. Sắc phong niên đại Thành Thái năm thứ 16 (1904)
  7. Sắc phong niên đại Duy Tân năm thứ 3 (1909)
  8. Sắc phong niên đại Khải Định năm thứ 9 (1924)…

Sắc phong biểu thị sự tôn vinh của các triều đại phong kiến đối với vua Đinh

Tiên Hoàng, vua Lê Đại Hành là những vị anh hùng dân tộc có công thống nhất đất nước, mở mang bờ cõi, khoan nhân, trí dũng cùng với đó còn chứa đựng nhiều thông tin, giúp ta tìm hiểu về lịch sử, mỹ thuật, nghệ thuật thư pháp, tín ngưỡng dân gian, địa danh và đơn vị hành chính... Sắc phong có tính độc bản, là di sản quý của di tích, dân tộc, do đó việc lưu giữ khoa học và đẩy mạnh hơn nữa công tác nghiên cứu là rất quan trọng để ngày càng phát huy tác dụng trong công tác bảo tồn và phát huy các giá trị của di tích.

Sắc phong niên đại Cảnh Hưng năm thứ 44 ( 1783).

Sắc phong niên đại Khải Định năm thứ 9 ( 1924).

Đinh Thị Nga - Phòng Thuyết minh