Văn bia tại đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng (thuộc Di tích LS-VH Cố đô Hoa Lư)

02/06/2020

Văn bia tại đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng (thuộc Di tích LS-VH Cố đô Hoa Lư)

         Năm 968, sau khi thống nhất đất nước, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế, đặt Quốc hiệu “Đại Cồ Việt” để sánh ngang với “Đại Tống”, đóng đô ở Hoa Lư. Năm 970, ông đặt niên hiệu “Thái Bình” để sánh ngang với niên hiệu “Khai Bảo”. Với việc xưng Hoàng đế, đặt Quốc hiệu riêng, xây dựng kinh đô riêng, Đinh Tiên Hoàng đã thể hiện ý chí và tinh thần tự tôn của dân tộc. Sử thần Phan Huy Chú nhận xét “Đến khi Đinh Bộ Lĩnh bình định các sứ quân, khôi phục mở mang bờ cõi, bấy giờ điển lễ sách phong của Trung Quốc mới cho đứng riêng là một nước”. Đinh Tiên Hoàng là người đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mở ra nền độc lập cho dân tộc. Công lao ấy được các sử gia khẳng định: Đinh Tiên Hoàng là người mở nền chính thống.

Các triều đại phong kiến đều bày tỏ lòng kính trọng bằng việc tế lễ, tôn tạo đền thờ, dựng văn bia để hậu thế ngàn đời ngưỡng vọng.

         Hiện nay tại đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng đang lưu giữ ba văn bia cổ, chất liệu đá, đây là nguồn tư liệu quý có giá trị cao về mặt lịch sử và văn hóa.

Văn bia “Tiền triều Đinh Tiên Hoàng đế miếu công đức bi ký tính minh” niên đại Hoằng Định năm thứ 9 (1608) và bia “Tiền triều Đinh Tiên Hoàng đế công đức tăng tu điện miếu bi ký” có niên đại Chính Hòa năm thứ 17 (1696) thuộc dạng bia tấm (bia dẹt) có 2 mặt để khắc chữ, còn lại một văn bia "Tiền triều Đinh Tiên Hoàng đế miếu công đức bi ký” niên đại Thiệu Trị năm thứ 3 (1843) thuộc dạng bia khối trụ, thân hình tứ giác (4 mặt), đặt trên tấm đá. Ba văn bia được viết bằng chữ Hán, theo lối chữ chân, nét chữ đẹp, sắc nét, rõ ràng.

         Đề tài trang trí trên văn bia  được người nghệ nhân chạm khắc rất khéo léo, tinh xảo. Bia Hoằng Định 9 được tạc theo phong cách phổ biến với trán cong, trang trí linh vật rồng qua đề tài “lưỡng long triều dương” (đôi rồng chầu mặt trời). Diềm bia thể hiện đồ án thực vật: hoa cúc, hoa sen, hoa dây cách điệu, uốn lượn hình sin đăng đối. Đế bia là rùa ngẩng cao đầu, thân mập, khỏe khoắn. Bia Thiệu Trị 3 có kích thước nhỏ hơn so với hai văn bia còn lại, trán bia là một khối đá hình chóp. Đặc biệt nhất là nghệ thuật trang trí trên bia Chính Hòa 17, với họa tiết hiếm gặp trong trang trí mỹ thuật đó là hình ảnh “Lưỡng phượng triều dương” (đôi phượng chầu mặt trời). Chim phượng là con vật có thật trong thực tế nhưng khi người nghệ nhân trạm khắc trên đồ thờ thì nó đã được thiêng hóa. Con đực là Phượng, con cái là Hoàng. Người xưa quan niệm khi chim phượng hoàng xuất hiện là điềm báo đế vương ra đời. Ngoài chim phượng thì người nghệ nhân còn đưa các con vật dân dã, gần gũi với người dân lao động vào trang trí trên văn bia như: cua, cá, khỉ, chuột…Các đề tài này đã tạo sự khác biệt độc đáo của bia Chính Hòa 17 so với các văn bia truyền thống trong di tích của người Việt.

        Nội dung của các văn bia đều ca ngợi vua Đinh “Vua Đinh Tiên Hoàng, điềm ứng rồng vàng, cờ lau nghiêm lệnh, khởi ba ngàn quân nghĩa ở đất Hoa Lư, dẹp 12 sứ quân thảo dã, nước nhà một mối, thống nhất kỷ cương bốn phương, sáng chế triều nghi, chỉnh lập quân lữ, ngôi vua chính thống bắt đầu từ đây…dân ta nhớ công đức, dựng đền miếu thờ tự…quốc đảo dân cầu ứng nghiệm thiêng liêng, truy phong là Thượng đẳng thần…nhân vậy khắc vào bia đá để còn mãi” (Bia Chính Hòa 17).

        Để việc thờ phụng được trang nghiêm, Nhà nước Phong kiến đã rất quan tâm đến việc cấp đất tu sửa đền thờ, cử người trông coi, quét dọn “từ triều đại trước đến nay, phạm vi đền thờ có 9 mẫu 6 sào, kiến tạo mở rộng thêm để phụng thờ…lại cấp thêm 8 mẫu để tỏ lòng tôn sùng (Bia Hoằng Định 9). Hay văn bia Chính Hòa 17 viết: “xét triều trước đất trong đền có 9 mẫu 6 sào, lại cấp thêm ruộng tế là 80 mẫu và lệnh cấp những người ở xã Trường Yên thượng xung vào làm phu quét dọn”.    

        Bên cạnh những quy định về việc thờ cúng, cấp ruộng, cử sái phu (người quét dọn) thì nội dung văn bia còn đề cập đến việc triều đình phong kiến cử quan lại về địa phương để đôn đốc việc tu sửa đền “ông Bùi Thời Trung làm quan Đô đốc Hiệu lực Tứ vệ quân vụ, kính trọng công Tiên đế đem dân chúng bản bộ trùng tu đền miếu” (Bia Hoằng Định 9), bia Thiệu Trị năm thứ 3 viết “Năm Minh Mệnh thứ 18 (1837), đền miếu hư hỏng, quan tỉnh là Trần Văn Hưng, Bùi Cung Tiên đem việc ấy để tâu và vâng thánh chỉ, trông lên ánh sáng khi trước, cấp 500 quan tiền sức cho tu bổ. Nay làm đã xong, đem sự việc khắc vào bia để ghi lại”.

         Nhìn chung, các văn bia có cấu trúc rõ ràng, mạch lạc, chúng không chỉ mang tính chất lưu trữ thông tin, giúp ta nghiên cứu về lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng, tư tưởng chính trị xã hội của triều đại phong kiến, mà chúng còn là những tác phẩm nghệ thuật được chạm khắc công phu, có giá trị cao về điêu khắc và thư pháp. Từ đó phục vụ cho công tác tuyên truyền, quảng bá về những tinh hoa văn hóa dân tộc trong quá khứ cho các thế hệ người Việt Nam.

Văn Bia tại đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng

Lê Thị Bích Thục - PGĐ Trung tâm