Động Liên Hoa

30/09/2020

Động Liên Hoa

Động Liên Hoa còn có tên là động Thạch Bàn (động Bàn Đá). Trước đây có tên là động Xuyên Sơn, vì có một con đường thủy chảy qua lòng núi. Động nằm trên địa phận thôn Trường An, xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình. Để thăm quan động du khách đi thuyền trên dòng Tiểu Long giang uốn lượn, len lỏi qua các dãy núi đá vôi, tới thung lũng  rộng chừng 200 mẫu, ở giữa có trái núi hình bông sen. Núi ở đây còn giữ nguyên dáng vẻ hoang sơ, người dân sinh sống hai bên bờ sông  .

Năm 1858, Pháp nổ tiếng súng đầu tiên xâm lược nước ta, một viên quan yêu nước Phạm Văn Nghị (1805  - 1881),  ông đỗ Hoàng giáp, quê ở làng Tam Đăng (Ý Yên-Nam Định), nên thường gọi là Hoàng Tam Đăng, ông về ở ẩn nơi đây, đặt tên là động Liên Hoa.

 Tuy gọi là động, nhưng núi không có hang. Trên sườn núi có một ngôi Phủ nhỏ, gọi là phủ Đá Bàn, thờ Tả Thanh Trù và Hữu Thanh Trù Đại tướng quân, trung thần đời nhà Đinh (TKX). Ngoài ra phủ còn thờ 山神公主, 山精公主, 神位 Sơn Thần công chúa, Sơn Tinh công chúa, thần vị. Phủ được xây dựng bằng các cột đá vuông, hướng về đền thờ Đinh Tiên Hoàng ỏ Cố đô Hoa Lư.

Điều độc đáo là dưới chân núi, cách vách núi vài mét có văn bia được khắc trên phiến đá lớn, thẳng như được xẻ bằng máy. Người dân còn gọi là bia trời. Phía trên tấm bia rộng gần 3 m, chân bia rộng 9 m, cao 10 m, dày 1,5 m.  Phía trên tấm bia có ghi 3 chữ Hán: Liên Hoa Động (Động Hoa Sen). Bên cạnh dòng lạc khoản đề: Tự Đức, Giáp Tuất niên, Mạnh hạ khắc. Tam Đăng học sỹ Nghĩa Trai đề.  Và đôi câu đối:

“Liên Động Khoát khai Vô Chướng Ngại

Long Giang Hoàn Nhiễu Hữu Linh Minh”

Tạm dịch: Động sen mở rộng vô bờ bến

Sông Rồng quanh quẩn vẻ linh thiêng.

      Cách núi gần 20m còn có một phiến đá rộng nhô ra sông như một chiếc bàn đá lớn (thạch bàn). Trên phiến đá ấy, xưa kia dựng một ngôi nhà nhỏ bằng gạch, gọi là Điếu Đài (chỗ ngồi câu cá) của cụ Hoàng Tam Đăng. Điếu Đài nay không còn nữa, nhưng Thạch bàn vẫn còn nguyên như đang chờ đón du khách đến nghỉ chân tham quan, trải nghiệm, khám phá  non nước hùng vĩ nơi đây

      Nhà nho chân chính, chí sỹ yêu nước của thế kỷ XIX , Phạm Văn Nghị  từng trú ẩn ở Liên Hoa động. Năm 1939,  ông được bổ về làm tri phủ Lý Nhân. Năm 1846 do đau yếu, ông cáo quan về quê dưỡng bệnh.

      Một biến cố lớn xảy ra với lịch sử nước nhà, năm 1858 Pháp đánh chiếm Đà Nẵng. Vua Tự Đức cùng nhiều triều thần nhượng bộ chủ hòa. Nhưng một số đại thần và sỹ phu quyết tâm chủ chiến. Ông Phạm Văn Nghị đã dâng sớ lên triều đình, gọi là “Sơn Trà Kháng Sớ”; đề nghị được chiêu mộ nghĩa sỹ xung phong vào Đà Nẵng chống Pháp.

      Sau đó, do không đồng thuận với việc vua Tự Đức ký hòa ước với Pháp, mùa hè năm 1874 cụ cáo quan về động Liên Hoa sống và dạy học. Trong bảy năm sống ở Đá Bàn cụ đã hoàn thành hai tác phẩm để lại cho hậu thế: Tùng Văn Biên tập và Nghĩa Trai Thi tập. Đến nay trong tâm khảm người Trường An còn đọng lại những vần thơ tự bạch của cụ:

Xuyên qua giữa núi một cái ngòi

Khen ai xoi khéo, thợ trời xoi

Đôi phen phong vũ đều không tới

Mấy lớp công hầu cũng phải chui

Hòm sách đã in Quan Trạng đứng

Thạch Bàn còn đợi khách ngồi câu

Thanh bình thú ấy nào ai biết?

Ai biết xin đừng mách bảo ai!

      Trong thời kháng chiến cứu quốc, động Liên Hoa được sử dụng làm trạm quân y, kho công binh xưởng của bộ đội.

      Hôm nay du khách về thăm động Liên Hoa , về thăm mảnh đất Hoa Lư lịch sử, là về nơi khởi nguyên nền chính thống, tâm linh như được trở về với cội nguồn, hòa nhập với thiên nhiên thanh tao, cao khiết, để rồi chất ngất, đắm say, có cái giây phút tĩnh lặng thiêng liêng.

Hình ảnh động Liên Hoa

Nguyễn Thị Kim Cúc - PGĐ