Cảnh đẹp động Hoa Sơn

17/11/2020

Cảnh đẹp động  Hoa Sơn

     

      Một trong số những di tích liên quan tới kinh đô Hoa Lư thế kỷ X, nằm ở lưng chừng núi  Hoa sơn, Xã Ninh Hòa, huyện Hoa Lư; thuộc dãy núi phía Nam kinh đô Hoa Lư là chùa và động Hoa Sơn.

      Động chính là một "ngôi chùa" thiên tạo, người dân ở thôn Áng Ngũ  thấy động đẹp đã sử dụng làm chùa thờ Phật. Vào thời Nguyễn, vua Tự Đức trong chuyến tuần du ra Bắc có ghé thăm động, thấy cảnh đẹp kỳ ảo, nên đặt tên là Hoa Sơn. Ðộng cao  và sâu nên không gian "chùa" càng rộng lớn, trong động có những nhũ đá kỳ thú và 03 văn bia Ma nhai trên vách cửa động bên tay trái

      Đường dẫn lên động gồm 120 bậc thềm đá tự nhiên, lên độ cao gần 70 mét so với chân núi. Hành trình leo lên động là  hành trình du khách leo lên lưng con Long Mã, mà người xưa gọi là “Long Mã quá quan”. Hai bên đường có nhiều cây cổ thụ tạo cho nơi đây phong cảnh êm dịu, tĩnh mịch. Từ cửa động du khách có thể chiêm ngưỡng toàn cảnh thiên nhiên non cao trùng điệp, ruộng đồng xanh mướt. Cửa động vào buổi sáng, có những làn sương mỏng bay phủ núi non, nước rơi tí tách quanh năm từ các nhũ đá. Động Hoa Sơn có chiều ngang 12 mét, chiều cao khoảng 20 mét, có cây Ða Bà rễ thả trước cửa động; chiều dài của động bằng chiều ngang của núi, khoảng 100 mét, xuyên qua núi, có ba hang liền nhau, từ thấp lên cao là: Hang Hạ, hang Trung và hang Thượng.

      Từ cửa động du khách leo lên cao gần 3 mét mới đến Hang hạ, là nơi bài trí thờ Tam Bảo, đôi câu đối trước ban Tam Bảo ca ngợi cảnh đẹp nơi đây:

Cảnh tú anh linh thiên cổ tại

Hoa Sơn tiên động ức niên tiền

(Cảnh đẹp linh thiêng từ thiên cổ

Động Hoa Sơn có từ nghìn năm trước)

      Ban bên phải là nơi đặt tượng  thờ hai ông bà có công tu sửa chùa, tượng điêu khắc bằng đá được đánh bóng nhẵn. Tượng ông Nguyễn Hữu Non tọa theo thế nhà Phật, tay phải cầm chiếc quạt giấy mở ra trước ngực, tay trái để trên đùi. Tượng bà Lê Thị Sánh cổ đeo tràng hạt, hai bàn tay để dưới tràng hạt. Văn bia khắc ở vách núi phía bên trái cho biết ông bà sửa chùa năm Gia Long thứ 14 ( 1815).

      Hai bên "chùa" là hai lối lên hang Trung. Du khách bước lên 10 bậc đá, cao gần 6 mét là đến hang Trung. Đây là nơi có cảnh sắc thiên tạo tuyệt vời. Hang Trung giống như một ngôi nhà vòm cao rộng, chiều cao khoảng trên 30 mét. Trần hang là những khối nhũ đá hình Rồng bay, Phượng vũ, Sư tử…Lý ngư nằm khểnh chờ trăng đến,  Voi Ngựa đứng nhìn cảnh thần tiên. Nhìn về cuối hang bên trái, du khách sẽ thấy khối nhũ giống hình ông Bụt ngự, uy nghiêm mà tĩnh lặng. Hình con cá Sấu khổng lồ đang quỳ gối như thuần phục đức Phật, bao quanh Phật là hình chư Tiên múa lượn, Bồ Tát vân du.

      Từ hang Trung bước lên độ cao hơn 8 mét nữa mới đến hang Thượng. Hang Thượng nhỏ hơn, cửa hang ở phía Tây lại thấp, chỉ cao bằng đầu người. Bước lên cao gần 2 mét nữa, du khách mới ra được cửa hang. Nền cửa hang Thượng là một lớp đá phẳng, có độ cao so với chân núi khoảng trên 100 mét, không có đường xuống  chân núi. Ðứng ở đây, du khách phóng tầm mắt ra xa là thấy những cánh đồng lúa xanh mướt và dãy núi Đầm trùng điệp nhấp nhô hướng về kinh đô Hoa Lư. Bức tranh sơn thủy mê hồn choáng ngơp, vừa hùng vĩ, vừa tuyệt mỹ; quả là:

Tiên đưa lối, Phật dẫn đường

Trần gian mới biết Thiên đường là đây.

      Tương truyền, thời nhà Ðinh, kinh thành Hoa Lư có dịch đậu mùa, hoàng hậu nhà Đinh đã đưa hoàng tử mới sinh đến động Hoa Sơn, nương nhờ cửa Phật, do đó nơi đây  còn có tên gọi là "Phôi Sinh Tự". Nhân dân vùng này quen gọi là "Chùa Bà Ðẻ". Một số địa danh lịch sử còn truyền tới ngày nay như: Mã giang (bến tắm ngựa), Mã cỏ (bãi cỏ cho ngựa ăn), Mã hồ (hồ cho ngựa uống nước), Mã trạch (chuồng cho ngựa ở). Địa danh động Hoa Sơn nằm phía Đông Nam kinh thành Hoa Lư; nằm trong hành dinh của Định Quốc công Nguyễn Bặc, khai quốc công thần thời vua Đinh. Cách động gần 1km là di tích phủ Thành Hoàng thờ “Tả bộc xạ hành khiển Quang lộc đại vương”.

       Hoa Sơn không những là danh thắng nổi tiếng, mà còn gắn liền với phong trào đấu tranh Cách mạng của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Ninh Bình. Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, động Hoa Sơn  được chọn là nơi ở của Bộ chỉ huy hai chiến dịch lớn là chiến dịch Quang Trung - 1951, chiến dịch Tây Nam Ninh Bình 1953-1954. Bí thư Tỉnh Ủy Ninh Bình khi đó là đồng chí Đỗ Mười đã sống và làm việc nơi đây. Trong thư ngày 16 tháng 11 năm 1987 gửi các đồng chí trong ban bảo vệ di tích lịch sử thôn Áng Ngũ, xã Ninh Hòa,  đồng chí Đỗ Mười đã viết: “ Di tích Hoa Sơn mãi mãi là một sản phẩm tinh thần mang truyền thống Văn hóa và Cách mạng của cha ông cho các thế hệ mai sau”.

      Ngày nay Chùa và động trở thành nơi sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của nhân dân trong vùng và du khách thập phương. Hoa Sơn cảnh đẹp mê hồn, dừng chân nơi đây du khách như được trở về với cội nguồn xa xăm, hòa nhập với thiên nhiên thanh tao, để rồi chất ngất, đắm say. Du khách hãy đến thăm và cảm nhận sự tuyệt mỹ, trường tồn của tạo hóa ở nơi này.

Hình Ảnh động Hoa Sơn

Nguyễn Thị Kim Cúc - PGĐ