Lễ hội Hoa Lư - Nơi tôn vinh bản sắc văn hóa truyền thống

03/07/2018
Lễ hội Hoa Lư năm 2017 theo như kịch bản của Ban tổ chức thì có rất nhiều hoạt động. Tuy nhiên có điểm đáng lưu ý là trong số rất nhiều hoạt động của lễ hội, Ban tổ chức đã dành phần thời lượng đáng kể cho các hoạt động văn hóa truyền thống: Lễ rước nước, lễ tiến phẩm, lễ rước kiệu, tế lễ cổ truyền... 

Các hoạt động văn hóa-văn nghệ của lễ hội cũng giành phần nhiều thời gian cho các tiết mục, trò chơi dân gian truyền thống: biểu diễn múa trống và múa cồng chiêng, tổ tôm điếm, đánh cờ tướng, chọi gà, thi đi guốc 6 chân, bắn nỏ, đấu vật dân tộc, thi thư pháp, thi chèo thuyền khéo... 


Trò chơi dân gian đi guốc 6 chân tại Lễ hội Hoa Lư năm 2016 do Tỉnh đoàn tổ chức
 
Không phải ngẫu nhiên mà Lễ hội Hoa Lư được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Danh hiệu đó đồng nghĩa với việc nhấn mạnh các thành tố văn hóa thuộc về lễ hội đã hàm chứa trong nó các giá trị văn hóa tinh thần đặc sắc, được người dân nơi đây lưu giữ qua nhiều thế hệ.

Điểm rất dễ nhận ra trong đặc tính cộng đồng của các giá trị trên là bất cứ sinh hoạt văn hóa nào của Lễ hội Hoa Lư đều có sự tham gia của người dân vào các hoạt động ấy. Từ các màn tế lễ (gồm nam và nữ) đều do các bậc phụ lão, các bậc cao niên thực hiện. Việc tế lễ bao giờ cũng có đội tế, có phường bát âm, có sự chứng giám của các bô lão, cộng đồng dân cư địa phương. 

Thời điểm tế lễ thường vào các mốc thời gian quan trọng trong năm của người dân: Tết Nguyên đán, giỗ tổ, rằm tháng giêng... hay như màn rước kiệu với sự tham gia của đông đảo dân cư của nhiều làng xã. Hội vật dân tộc thu hút đông đảo các tầng lớp dân cư, của nhiều địa phương trong tỉnh. Hội đua thuyền được thực hiện bởi cư dân bản địa. Kỹ năng sử dụng thuyền được sinh ra chính từ trong nhu cầu sinh hoạt, chiến đấu của cư dân vùng sông nước. 

Còn trò chơi chọi gà, hay lễ rước nước chính là sản phẩm ra đời từ sinh hoạt, lao động sản xuất của cư dân nông nghiệp. Nghệ thuật thư pháp hay trò chơi cờ tướng hay bắt nguồn từ truyền thống coi trọng Nho học, yêu mến và đề cao những yếu tố thuộc về trí tuệ trong nhân dân. Ngay các tiết mục như: Múa trống, chiêng... là một dạng thức, hình thái văn nghệ dân gian do chính người dân sáng tạo nên.

Các thành tố văn hóa trên dù biểu hiện trong phần lễ hay phần hội thì có một điểm chung nhất như đã nói là nó đều được lưu giữ, phát triển nhờ cộng đồng. Qua thời gian có nhiều yếu tố được người dân sàng lọc, phát triển, cải biên cho phù hợp với bối cảnh thực tế nhưng cái hồn cốt, cái lõi truyền thống của nó về cơ bản vẫn được bảo lưu.

Lễ hội Hoa Lư nói chung và việc tổ chức Lễ hội Hoa Lư năm 2017 nói riêng không chỉ giúp tái hiện không gian sinh hoạt truyền thống, đưa người dân tới những trải nghiệm văn hóa cổ truyền mà qua mỗi kỳ tổ chức lễ hội những yếu tố sáng tạo còn chưa phù hợp, những vấn đề lai căng bị đào thải, trong khi những giá trị tinh thần cốt lõi, tích cực được lưu giữ, bổ sung, phát triển thêm lên. Việc tổ chức lễ hội ngày càng trở nên quy củ, ý thức của các nhà quản lý, của cộng đồng dân cư về việc gìn giữ những nét văn hóa cổ truyền càng được nâng cao.

Trong bối cảnh hiện tại, khi mà vấn đề tổ chức lễ hội tại nhiều địa phương trong cả nước còn bộc lộ những bất cập thì Lễ hội Hoa Lư vẫn thể hiện được yếu tố bản sắc văn hóa khá đậm nét là một điều đáng mừng. Cũng chính điều đó mà Lễ hội Hoa Lư ngày càng trở nên quyến rũ trong mắt du khách, lưu lượng khách du lịch đến với Lễ hội Hoa Lư ngày một gia tăng. Và chính yếu tố thuộc về bản sắc, những điều kiện về địa lý, lịch sử, văn hóa và các tài nguyên về nhân văn là động lực, là thỏi nam châm thu hút mọi người đến với Ninh Bình.

Nguồn: Báo Ninh Bình