Bảo tồn và phát huy giá trị Văn bia ở Cố đô Hoa Lư

30/06/2021

Bảo tồn và phát huy giá trị Văn bia ở Cố đô Hoa Lư

      Hoa Lư - Kinh đô lừng lẫy của nhà nước Đại Cồ Việt, gắn với công cuộc dẹp loạn và dựng nước của Đinh Tiên Hoàng; nơi đây được mệnh danh là kinh đô đá, có vị trí hết sức đặc biệt trong suốt quá trình phát triển của lịch sử Việt Nam. Trải qua bao năm tháng Hoa Lư đã trở thành một vùng văn hóa đặc sắc, những dấu tích, di tích tại Hoa Lư đã và đang đóng vai trò quan  trọng trong việc lưu giữ, truyền tải các giá trị văn hóa từ xưa để lại.

      Mỗi di tích tại Cố đô Hoa Lư đều chứa đựng những giá trị về lịch sử, văn hóa, và đặc biệt là hệ thống văn bia rất phong phú. Văn bia là hiện vật nhằm ghi lại những sự vật, sự việc và con người cụ thể phản ánh, ghi lại những thông tin về tư tưởng, tôn giáo, tín ngưỡng dân gian, giáo dục, văn học và tiểu sử của các danh nhân trên các lĩnh vực quân sự, chính trị, văn hóa, ngoại giao, các nhà khoa bảng, là tập hợp những giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể bao hàm trong đó là những nguồn sử liệu quý giá nên cần được bảo tồn, phát huy giá trị trong đời sống xã hội.

      Các di tích trên địa bàn Cố đô Hoa Lư có hệ thống văn bia tương đối lớn, đa dạng về thể loại và niên đại tạo tác. Theo thống kê sơ bộ hiện nay Cố đô Hoa Lư có 37 văn bia (trong đó có 13 bia ma nhai) niên đại từ thời Lý đến thời Nguyễn.

      - Văn bia thời Lý: Nhà Lý thành lập năm 1009, thừa hưởng nền độc lập của nhà Đinh - Tiền Lê, mở ra thời kỳ phát triển hưng thịnh cho dân tộc Việt Nam. Dưới triều Lý phần thực thi chính sách xã hội có phần cởi mở hơn, đưa đất nước ta vào thời kỳ phát triển rực rỡ về mọi mặt. Tại Am Tiên động còn lưu giữ 1 văn bia ma nhai thời Lý, soạn năm Trinh Phù (1176 - 1186) và đại tự được chạm trên cửa động, chia thành 2 dòng đề chữ hán “Chu Ma Sơn Áng - Đại Quang Thánh Nham".               

      - Văn bia thời Trần: 175 năm trị vì Đại Việt, vương triều Trần đã có đóng góp hết sức lớn lao trong lịch sử Việt Nam. Tư tưởng chỉ đạo và kinh nghiệm ba cuộc kháng chiến chống giặc Nguyên - Mông, đã nâmg cao trình độ nghệ thuật quân sự Việt Nam, trở thành di sản quý giá. Với hào khí Đông A, triều Trần đã đưa nước Đại Việt vào thời kỳ thịnh trị với nhiều thành tựu đặc sắc trên mọi phương diện. Sau khi nhà Trần suy vong, không ít chứng tích của nền văn hóa dân tộc bị phá hủy. Do đó, nguồn tư liệu văn bia viết dưới triều Trần không tránh khỏi mai một. Cố đô Hoa Lư còn lưu lại  02 văn bia ma nhai thời Trần tại Động Am Tiên và chùa Bàn Long.

      - Văn bia thời Hậu Lê: Thế kỷ 17-18, Cố đô Hoa Lư nằm ở giới tuyến phân tranh của nhà Mạc - nhà Lê, chính sách quân điền ban hành từ thời Lê sơ hầu như bị phá sản; các loại ruộng đất do nhà Mạc cấp cho các công thần và người thân trong hoàng tộc đã trở thành sở hữu tư nhân. Do đó việc tiến cúng đất đai cho chùa chiền, chuyển nhượng hay mua Hậu diễn ra khá phổ biến. Trên núi Chằm Phạm, xóm Trung Lân, thôn Chi Phong, thuộc địa bàn Cố đô Hoa Lư hiện nay còn tấm bia ma nhai “Tổ nghiệp điền bi ký”; Theo nội dung văn bia thì: Tộc trưởng họ Bùi là Hữu Đô đốc Trung quân Đô đốc phủ, Thiếu bảo Mỹ Quận công Bùi Văn Khuê (裴文奎1546-1600) và mọi người trong họ khắc tạc, cho biết:  Bùi Văn Khuê tiếp nối Cao tổ Bùi Ngưng, ông tổ đời thứ 5, có đặt ruộng đất, ao chuôm nông sâu lớn nhỏ cộng là 75 mẫu 5 sào 13 thước, giao lại cho Tằng tổ Bùi Xứ, Bùi Nhi truyền lại cho vương bá phụ Bùi Văn Mã, Bùi Văn Côi, đến bọn Bùi Văn Khuê liên tục cày cấy phục vụ cho việc thờ tự. Nhưng đến đời Diên Thành (1578-1585) nhà Mạc, ruộng ao bị xâm chiếm, nên tâu lên nha môn khám xét đòi lại, định mốc giới để quản lý.

     - Văn bia thời Nguyễn: Đầu thế kỷ 19, nhà Nguyễn đạt được thành tựu đáng ghi nhận trong lĩnh vực khẩn hoang vùng bãi bồi ven biển, mở rộng diện tích đất canh tác, nhiều làng xã ở Ninh Bình ra đời do công cuộc khẩn hoang. Hệ thống văn bia giai đoạn này nội dung khá phong phú như: Bia dựng cầu, bia Hậu và bia công đức trùng tu di tích

      Văn bia ở Hoa Lư nói chung được khắc dựng rất công phu, có giá trị về điêu khắc và thư pháp cao, đặc biệt là trang trí hoa văn và bố cục tạo dáng bia. Không chỉ là văn bản mang tính chất lưu trữ thông tin, các bài văn bia còn là nguồn tư liệu quý, phục vụ cho việc nghiên cứu quá trình hình thành phát triển, kế thừa và phát huy giá trị di sản.

      Văn bia vùng đất Cố đô Hoa Lư là tài sản Văn hóa lớn, để thực hiện hiệu quả công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn bia, các ngành chức năng, địa phương cần quan tâm bảo quản văn bia, đẩy mạnh công tác dịch thuật và tập hợp nội dung các văn bia; đồng thời trưng bày quảng bá các bản dập văn bia, tạo thuận lợi trong việc khai thác giá trị nội dung để tôn vinh giá trị những di sản văn hóa của dân tộc. Ngoài sự quan tâm, tạo điều kiện của nhà nước, của các cấp, các ngành, cần nâng cao nhận thức trong giữ gìn môi trường sinh thái văn hóa, đời sống văn hóa cộng đồng của người dân địa phương./.

Văn bia tại Chùa và động Thiên Tôn

Nguyễn Thị Kim Cúc - PGĐ