Văn bia độc đáo tại đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng

29/07/2021

Văn bia độc đáo tại đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng

       Đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng tọa lạc trong một vùng sơn thủy hữu tình thuộc  khu di tích LS-VH Cố đô Hoa Lư là công trình tưởng niệm vua Đinh Tiên Hoàng - vị anh hùng có công thành lập nhà nước Đại Cồ Việt, nhà nước độc lập, tự chủ đầu tiên, đánh dấu sự kiện hết sức trọng đại trong tiến trình lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, tạo tiền đề phát triển trong những giai đoạn tiếp theo.

       Đền được xây dựng vào thời Hậu Lê (thế kỷ XVII) trên nền móng cũ của kinh đô xưa, mô phỏng theo lối kiến trúc cung điện. Trải qua thăng trầm, đền đã trải một số lần trùng tu, tu sửa nhưng đến nay ngôi đền vẫn giữ được nét cổ kính, tôn nghiêm. Ngôi đền hấp dẫn du khách bởi rất nhiều giá trị, yếu tố, trong đó các đồ án trang trí mỹ thuật với các đề tài phong phú được người nghệ nhân tài hoa chạm khắc trên các chất liệu đá, gỗ cũng là một điều đặc sắc thu hút khách tham quan.

       Đặc biệt đền thờ vua Đinh hiện đang lưu giữ 3 văn bia được khắc vào 3 thời điểm khác nhau: bia Hoằng Định năm thứ 9 (1608), Chính Hòa năm thứ 17 (1696) và bia Thiệu Trị năm thứ 3 (1843), đây là nguồn sử liệu quan trọng giúp ta nghiên cứu, tìm hiểu về kinh đô Hoa Lư và công lao của các vị Tiên đế. Tuy nhiên trong số 3 văn bia thì văn bia niên đại Chính Hòa năm thứ 17 (1696) là văn bia có sự khác biệt đặc sắc nhất.

Văn bia niên đại Chính Hòa năm thứ 17 (1696)

      Về kích thước thì đây là văn bia có kích thước lớn nhất trong số các văn bia hiện đang lưu giữ, bảo quản tại di tích. Bia hình chữ nhật có chiều cao: 169 cm (kể cả phần đế), rộng 93 cm, dày 17 cm. Nội dung ca ngợi công lao của vua Đinh Tiên Hoàng “Điềm ứng rồng vàng, cờ lau nghiêm lệnh, khởi ba ngàn quân nghĩa ở đất Hoa Lư, dẹp loạn 12 xứ quân thảo dã, nước nhà một mối, thống nhất kỷ cương bốn phương, sáng chế triều nghi, chỉnh lập quân lữ, ngôi vua chính thống bắt đầu từ đây. Nghiệp công rực rỡ đương thời, ơn mưa móc thấm nhuần tới những nơi dân cư phương xa. Dân ta nhớ công đức, dựng đền miếu thờ tự, thực là bậc vua nội trị nước nhà chính thống”, văn bia cũng cho ta biết quá trình trùng tu đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng. Trong khu di tích đây là tấm bia duy nhất ghi đầy đủ danh tính của người soạn bia, viết chữ và khắc bia. Bia do một tiến sĩ họ Nguyễn giữ chức quan Hàn Lâm viện soạn. Người viết chữ Hán là nhà sư trụ trì chùa Kim Cương (Kim Cương là ngôi chùa cổ đã mất, truyền lại chỉ còn dấu tích trên núi Thiên Long, Hoa Lư, Ninh Bình). Danh tính người thợ đá là Lê Nhân Phú, quê ở xã An Hoạch, huyện Đông Sơn (nay thuộc tỉnh Thanh Hóa).

      Bia được đặt trên tấm đá phẳng giật cấp, chạm khắc đầy đủ cả động vật và thực vật. Trán bia ghi “Tiền triều Đinh Tiên Hoàng đế công đức tăng tu điện miếu bi ký” (Tạm dịch: Bia công đức, tu sửa thêm điện miếu vua Đinh Tiên Hoàng triều trước), trang trí lưỡng phượng chầu nhật. Chim phượng chạm khắc với hình dáng khá cao to, các chi tiết: móng vuốt, đuôi, cánh… được đặc tả chân thực. Xung quanh trang trí hoa, lá đăng đối , rồng cuốn và khá lạ mắt khi đan xen vào đó là hình ảnh ấm áp của gia đình nhà khỉ đang âu yếm cõng nhau.

      Mặt trước của đế bia chạm chính giữa là họa tiết quen thuộc trong mỹ thuật truyền thống của người Việt với đề tài “cá hóa long”, những con cá chép mập mạp đang quẫy đạp giữa những lượn sóng to đã mang ý nghĩa sâu sắc và trở thành biểu tượng của tinh thần vượt khó, sự nỗ lực vươn lên chinh phục tri thức để đi tới thành công của các sĩ tử. Ngoài ra, người nghệ nhân còn chạm hình ảnh những con tôm có thân hình khá to, càng khỏe khoắn cùng đùa giỡn trên sóng nước tạo nên một bức tranh sinh động được trang trí hết sức bay bổng, phóng khoáng.

      Trên phần đế bia giật cấp, nghệ nhân chạm hai con chuột nổi đang rình rập một con cua. Cua hay chuột là những con vật gắn liền với đồng ruộng, với đời sống dân giã của người nông dân, nay lại được nghệ nhân đưa lên trang trí trên hiện vật là văn bia - nơi thể hiện sự thiêng liêng, lòng tôn kính đối với Tiền nhân. Đồ án lưỡng chuột chầu cua quả là độc nhất vô nhị.

Mặt sau của văn bia

      Đối lập với sự bình dị ở mặt trước thì mặt sau chạm khắc hình ảnh rồng với thân hình đang uốn lượn mềm mại, đầu nghoảnh lại. Những nét chạm khắc ở đây đã đạt đến sự điêu luyện, từng động tác, từng biểu cảm được bộc lộ rõ nét qua từng hình khối. Hình tượng rồng là linh vật đứng đầu trong bộ tứ linh “long, ly, quy, phượng” và có ảnh  hưởng không nhỏ trong đời sống tâm linh của người Việt, tượng trưng cho sự oai phong, uy quyền của nhà vua. Tuy nhiên ở đây, người nghệ nhân đã chạm một rồng uốn lượn nhiều khúc, ẩn khuất phía sau văn bia, nghệ nhân gây bất ngờ, hứng thú khi hình ảnh chủ đạo trang trí mặt phía trước lại là những con vật dân dã đang bỡn cợt: cua, chuột, khỉ…Những họa tiết này đã làm nên điểm đặc sắc của văn bia bởi bên cạnh yếu tố cung đình thì chạm khắc còn mang đến yếu tố dân gian nổi trội.

      Trong đời sống văn hóa tâm linh của người Việt, văn bia thường là nơi thể hiện sự tôn nghiêm, thành kính, tuy nhiên văn bia niên đại Chính Hòa năm thứ 17 (1696) đang lưu giữ tại đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng đã tạo nên sự độc đáo, nét riêng biệt bởi sự kết hợp hài hòa giữa Thế tục và cái Thiêng. Theo TS. Trần Hậu Yên Thế  “Sự hiện diện của đám cua, chuột trên bia đá đền thờ vua Đinh là chuyện hi hữu trong nghệ thuật tạc bia của người Việt nhưng thái độ trào lộng, bông lơn thì luôn thấy trong thế kỷ XVI-XVII của nghệ thuật trang trí điêu khắc đình làng”

Lê Thị Bích Thục - PGĐ Trung tâm