Lấy ý kiến cộng đồng về Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị Di tích quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư đến năm 2030, tầm nhìn 2050

01/01/1970

Lấy ý kiến cộng đồng về Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị

Di tích quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư đến năm 2030, tầm nhìn 2050

 

 Cố đô Hoa Lư là di tích có giá trị đặc biệt về lịch sử và văn  hóa. Nơi đây là trung tâm kinh tế - chính trị - quân sự và văn hóa  của Nhà nước phong kiến Trung ương tập quyền đầu tiên của Việt Nam, nơi phát tích sự nghiệp của 3 triều đại Đinh - Tiền Lê và khởi đầu triều Lý trong 42 năm (968 - 1010).

Với những giá trị nổi bật, năm 1962, Di tích Lịch sử - Văn hóa Cố đô Hoa Lư được Bộ Văn hóa xếp hạng là Di tích Quốc gia. Năm 2012, Thủ tưởng Chính phủ xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt (thuộc loại hình Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật). Năm 2014, di tích nằm trong vùng lõi thuộc Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới.

 Khu di tích Cố đô Hoa Lư có sự hiện diện của nhiều di tích cổ kính, phi vật thể liên quan tới triều Đinh-Tiền Lê: đền, chùa, miếu, phủ, nền móng cung điện thế kỷ X, các tuyến tường thành nhân tạo của Kinh đô, Lễ hội Hoa Lư… trong đó Lễ hội có sự tham gia đông đảo của cộng đồng, bảo tồn được các nghi thức truyền thống, các công trình mang tính kỹ thuật, mỹ thuật cao được xây dựng ở những thời điểm khác nhau. Trong số các di tích trên nổi bật là 2 ngôi đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng và vua Lê Đại Hành được xây dựng thế kỷ XVII, nơi tưởng niệm các bậc Tiên đế - anh hùng dân tộc.

Nhằm đưa Di tích quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư đúng với tầm vóc, vị thế của một kinh đô cổ có vai trò quan trọng trong tiến trình lịch sử của dân tộc, là nơi giáo dục truyền thống, đồng thời để làm tốt công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích thì việc lập Nhiệm vụ quy hoạch là một trong những nhiệm vụ quan trọng để thực hiện tốt công tác này.

Từ ngày 15/3 đến ngày 25/3/2022, tại Di tích quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư tổ chức lấy ý kiến cộng đồng dân cư về Nhiệm vụ lập Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Quần thể di tích Cố đô Hoa Lư đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Các nội dung tham vấn được trưng bày tại khuôn viên di tích. Người dân đóng góp ý kiến trực tiếp trên phiếu tại đây.

Các nội dung tham vấn cộng đồng gồm 15 nội dung chủ yếu:

+ Hệ thống di tích có liên quan đến sự hình thành Nhà nước Đại Cồ Việt và Cố đô Hoa Lư: Lược sử Quốc hiệu và các triều đại Phong kiến Tập quyền Việt Nam; Vai trò của Nhà nước Đại Cồ Việt trong tiến trình lịch sử dân tộc Việt Nam; Cố đô Hoa Lư trong hệ thống kinh đô Việt Nam; Các triều đại đóng đô tại Hoa Lư; Những người tổ chức và thực hiện việc xây dựng kinh đô; Thành trì và cung điện Cố đô Hoa Lư thế kỷ X (Thành thiên tạo, Thành nhân tạo, Cung điện); Đô thị cổ Hoa Lư; Về nơi đóng quân của quân đội trong thời Đinh-Tiền Lê (Khu vực trung tâm và phía bắc, Khu vực phía đông, Khu vực phía nam, Khu vực phía tây Cố đô Hoa Lư); Về kinh thành phía nam Cố đô Hoa Lư; Về Hoa Lư tứ trấn; Hệ thống di tích có liên quan đến sự hình thành Nhà nước Đại Cồ Việt và Cố đô Hoa Lư; Về di tích quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư; Một số di tích khác trong khu vực trung tâm Cố đô Hoa Lư, khu vực di sản thế giới và vùng đệm; Những di tích có liên quan trực tiếp với sự hình thành và phát triển Cố đô Hoa Lư và Nhà nước Đại Cồ Việt; Bảo vật quốc gia; Các di chỉ khảo cổ học tại Cố đô Hoa Lư; Về di sản văn hóa phi vật thể khu vực Cố đô Hoa Lư; Về các giai đoạn bảo tồn quần thể di tích Cố đô Hoa Lư.

+ Các vấn đề tồn tại và những khó khăn, bất cập

+ Những yêu cầu mới trong định hướng bảo tồn và phát triển Cố đô Hoa Lư

+ Các cơ sở pháp lý: Các quy định của UNESCO và công ước quốc tế; Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; Hệ thống văn  bản của các cơ quan Trung ương có liên quan; Hệ thống văn bản tỉnh Ninh Bình.

+ Tên nhiệm vụ, thời gian lập Quy hoạch di tích.

+ Về vị thế của Quần thể di tích Cố đô Hoa Lư.

+ Phương thức tiếp cận và Phương pháp nghiên cứu (Phương thức tiếp cận: tiếp cận từ trên xuống, tiếp cận từ dưới lên, tiếp cận theo chiều ngang, tiếp cận theo chiều dọc, tiếp cận tổng quan/cảnh quan đô thị lịch sử, tiếp cận theo hướng mở, đa chiều); (Phương pháp nghiên cứu: thu thập tài liệu, phân tích tổng hợp, chuyên gia, điều tra, khảo sát thực địa, dự báo, bản đồ, đối sánh, Vận trù học, Hiệu quả kép)

+ Định hướng tầm nhìn tổng quan.

+ Quan điểm quy hoạch.

+ Mục tiêu quy hoạch.

+ Lựa chọn mô thức bảo tồn và phát triển: Mô thức 1 (Hình thái cộng đồng khu biệt), Mô thức 2 (Hình thái cộng đồng ngoài lề), Mô thức 3 (Hình thái cộng đồng thứ yếu), Mô thức 4 (Hình thái cộng đồng chủ nhân), Mô thức 5 (Hình thái cộng đồng chung sống), Bảng tổng hợp hình thái chức năng các phương án tổ chức không gian phát triển kinh tế di sản, Phân tích, đánh giá và lựa chọn mô thức bảo tồn và phát triển

+ Phạm vi nghiên cứu và phạm vi lập quy hoạch (Các tiêu chí xác định phạm vi lập quy hoạch: bảo tồn sự toàn vẹn, xác thực của không gian lịch sử, cảnh quan văn hóa,thiên nhiên; Tạo tiền đề hoàn thiện cơ sở hạ tầng, hướng tới phát triển bền vững; Tạo động lực phát triển kinh tế đô thị, di sản và du lịch; Đáp ứng yêu cầu không gian chức năng bảo tồn và phát triển; Không phá vỡ giới hạn trọn vẹn của các dự án hiện hữu; Tạo điều kiện thuận lợi thu hút nguồn lực xã hội và phát triển kinh tế); (Các Phương án xác định phạm vi nghiên cứu và lập quy hoạch: Theo Quyết định số 82/2003/QĐ-TTg ngày 29/4/2003 của Thủ tướng Chính phủ; Quyết định số 2115/QĐ-UBND ngày 03/9/2004  và Quyết định số 577/QĐ-UBND ngày 08/6/2009 của UBND tỉnh Ninh Bình; Theo ranh giới được xác định trong Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh; Quy hoạch chung xây dựng Quần thể danh thắng Trang An được phê duyệt tại Quyết định số 230/QĐ-TTg ngày 04/02/2016 của Thủ tướng Chính phủ; Quy hoạch chung đô thị Ninh Bình được phê duyệt tại Quyết định số 1266/QĐ-TTg ngày 28/7/2014 của Thủ tướng Chính phủ); Đánh giá và lựa chọn phương án; Phạm vi nghiên cứu lập Quy hoạch di tích; Phạm vi, quy mô lập quy hoạch.

+ Các nhóm di sản và đối tượng nghiên cứu

+ Các nội dung chính của nhiệm vụ lập quy hoạch

+ Thành phần Hồ sơ quy hoạch

Với các nội dung tham vấn trên thì bên cạnh việc lấy ý kiến của các Sở, Ngành, Địa phương, Chuyên gia thì việc lấy ý kiến của cộng đồng là nhiệm vụ cần thiết để đơn vị chủ đầu tư hoàn thiện trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt, làm cơ sở cho công tác quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di sản Cố đô Hoa Lư đến năm 2030, tầm nhìn 2050.

Ảnh: Nội dung tham vấn lấy ý kiến cộng đồng được trưng bày tại khuôn viên di tích quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư

Bích Thục