Tìm hiểu về bia Hậu ở phủ Hành Khiển

19/07/2022

Tìm hiểu về bia Hậu ở phủ Hành Khiển

Ở nước ta, việc dựng bia và tạc tượng ghi công đức cho những người có đóng góp lớn cho việc xây dựng, tu sửa chùa đã xuất hiện từ thời Lý - Trần. Phật tử bỏ tiền của ra cúng dường, được hưởng quyền lợi là sự thờ cúng lâu dài sau khi đã về thế giới bên kia - một điều rất phù hợp với tâm lý và tín ngưỡng của người Á Đông - để khuyến khích họ đóng góp tiền của, nên từ đó mà Hậu Phật ra đời. Về sau nhận thấy hiệu quả của hình thức này mà một số làng xã đã sử dụng để bày tỏ sự đền ơn của dân làng đối với những người có công lao hoặc bỏ tiền của đóng góp vào việc xây dựng đình đền - nơi thờ thần - do đó đã xuất hiện Hậu Thần.

Theo cách hiểu của người Việt thì Hậu Phật, Hậu Thần, là thờ những người có công lao hoặc có đóng góp tiền của cho làng xã, cho các cơ sở tôn giáo như đình, đền, chùa, miếu được làng xã hoặc cơ sở đó công nhận, cho khắc bia ghi công và được phụ thờ tại chùa - làm Hậu Phật, hoặc tại đình, đền… - nơi thờ thần của làng - làm Hậu Thần, tức là được phụng thờ sau Phật, Thần.

Tục lập Hậu là một tập tục độc đáo ở Việt Nam, tập tục này đã sản sinh ra một sản phẩm độc đáo đó là loại hình bia Hậu. Với đặc điểm là dạng văn bản ổn định (khắc trên đá) và nội dung gắn liền với hoạt động xã hội, do vậy những thông tin từ bia Hậu khá chi tiết và đáng tin cậy. Về hình thức, bia Hậu thường có kích thước khiêm tốn, ít có bia lớn. Bia lớn hay nhỏ, đẹp hay xấu phụ thuộc vào ngôi vị trong xã hội của người được lập Hậu và số tiền của do người đó bỏ ra công đức cho nơi thờ tự. Do đó về mặt hình thức, bia Hậu là dạng bia hết sức đa dạng phong phú về kích thước và trang trí.

Phủ Hành Khiển, thôn Áng Ngũ, xã Ninh Hòa, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình còn lưu giữ 02 bia đá: bia Hậu sở bia “Hậu thần bi.

Bia Hậu sở không ghi năm tạc bia, nội dung ghi tên một người họ Nguyễn Hữu bốn người họ Nguyễn Viết cùng chính thất:

Gia trưởng Nguyễn Hữu Non vị chính thất Lê Thị Sánh.

Nguyễn Viết Phái vị chính thất Nguyễn Thị Đào, trắc thất Trần Thị Duyên.

Trưởng lão Nguyễn Viết Phú vị chính thất Nguyễn Kính Thính.

Cai xã Nguyễn Viết Đệ vị chính thất Nguyễn Thị Liên.

Tri bạ Nguyễn Viết Kiếm chính thất Nguyễn Thị Tần.

Bia “Hậu thần bi tạc vào ngày 10 tháng 9 năm thứ 36, đời vua Tự Đức (1882), về việc công đức tiền của sửa đình Trungbầu Hậu.  Trán bia trang trí mặt Hổ phù ngậm chữ “THỌ”, chân có bốn móng. Tiêu đề bia, chữ theo hàng ngang và nằm ở trán bia. Nội dung bia cho biết: Ấm sinh Nguyễn Tích Thiện, cựu lý trưởng Nguyễn Đình Thụy, khóa sinh Nguyễn Đàm Khang cùng các người trong xã Áng Ngũ, huyện Gia Viễn, thuộc phận Nho Quan nhân việc trùng tu miếu vũ cùng đồ tế khí, kinh phí tốn nhiều. Lúc bấy giờ bà vợ cố tú tài Nguyễn Viết Suất là Nguyễn Thị Sâm, người trong xã, cùng Nguyễn Thị Tiếp và Nguyễn Thiệu, Hoàng Ngọc Trân, Hoàng Ngọc Kính, Nguyễn Duyệt, Nguyễn Thân, Hoàng Ngọc Cư, Nguyễn Khắc Đinh, Nguyễn Đàm Truy, Hoàng Ngọc Đàn, Nguyễn Quách xin xã được quyên góp, chuẩn việc Hiển tổ khảo (ông nội) là Cai xã Nguyễn Viết Phú, vợ cả là Nguyễn Kính Thính, vợ hai là Nguyễn Từ Trực; Hiển khảo (bố đẻ) Nguyễn Viết Đệ, vợ là Nguyễn Thị Liên; thân bá (bác trai) là Tri bạ Nguyễn Viết Kiếm, vợ là Nguyễn Thị Tần đồng ý cho đội trưởng thời trước là Nguyễn Hữu Non, vợ là Lê thị Sánh được là Hậu Thần như nhau, để cả xã cùng thờ cúng, cũng là vọng tộc vậy. Bấy giờ con cháu ngoài tại làng mười phần thì có bảy, tám phần có công đức với dân như cai xã Nguyễn Trọng Cận, suất đội Nguyễn San; Đương thứ Lý trưởng Đinh Nguyễn Chỉnh, Cán trương Nguyễn Đình Thuỵ đã làm việc thiện, công tiến tiền ruộng, cũng được lập Hậu ở miếu thờ cùng những người lập Hậu trước. Những ngày lễ lớn hàng năm như tiết: Nguyên Đán, Đoan Dương (ngày 5/5 âm lịch), Trung Thu (ngày 15/8 âm lịch) được tế lễ cùng tu bổ phần mộ để báo đáp việc nghĩa vậy. Vì vậy khắc ghi vào đá.

Bia Hậu là một dạng ghi công đối với người có công đức, được  làng xã bầu Hậu, ngoài việc ghi công còn được hưởng quyền lợi mỗi khi làng có cúng tế khi sống. Sau khi mất được làng làm lễ cúng giỗ, vào các ngày tuần tiết, được phối hưởng hương khói lễ vật cùng Phật, Thần. Theo tín ngưỡng của người Việt, đây là vinh hạnh cho bất kỳ ai, là điều đặc biệt may mắn cho những người không may phải sống cô độc hoặc không có con nối dõi.

Tục thờ Hậu thần của người Việt biểu hiện đạo hiếu, sự biết ơn và mong muốn được đền đáp công ơn của thế hệ sau với thế hệ trước, sự đền đáp đó được lưu truyền từ đời này sang đời khác, củng cố và duy trì bền vững. Đạo hiếu dạy con người sống hướng thiện, có tâm trong sáng, biết đối nhân xử thế, thờ phụng ông bà tổ tiên và những người có công với quốc gia dân tộc. Trải qua hàng ngàn năm, triết lý về lòng biết ơn và đền ơn của đạo hiếu không thay đổi, sẽ mãi là giá trị vĩnh hằng, khẳng định sự trường tồn của dân tộc, tạo ra sức mạnh văn hóa trong hội nhập và phát triển

Kim Cúc