Nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc được tổ chức tại Lễ hội Hoa Lư năm 2023

05/05/2023

Nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc được tổ chức tại Lễ hội Hoa Lư năm 2023

 

Lễ hội Hoa Lư là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia diễn ra trên địa bàn di tích LS-VH Cố đô Hoa Lư thuộc xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình. Đó cũng là nơi tọa lạc của hai ngôi đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng và vua Lê Đại Hành, cùng các nhân vật lịch sử có liên quan đến hai triều đại Đinh - Tiền Lê.

Vua Đinh Tiên Hoàng có tên húy là Đinh Bộ Lĩnh (924 - 979), người anh hùng thống nhất đất nước, lập nên Nhà nước Phong kiến Trung ương tập quyền đầu tiên của Việt Nam.

Triều Đinh kết thúc, vua Lê Đại Hành có tên húy là Lê Hoàn (941 - 1005) từ một vị Thập đạo tướng quân của vương triều Đinh, góp sức dẹp loạn 12 sứ quân, giữ yên bờ cõi, sau lên ngôi Hoàng đế, kế tục xuất sắc sự nghiệp của nhà Đinh, vua Lê đã kháng Tống bình Chiêm thành công vào năm  981- 982, có công phát triển đất nước về kinh tế, quân sự và văn hóa với những trang sử hào hùng.

Khi vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long, nhân dân đã xây dựng đền thờ trên nền móng cũ của cung điện để tưởng nhớ công đức của vua Đinh Tiên Hoàng và Lê Đại Hành. Nhưng theo thời gian ngôi đền đó không còn nữa, đến thế kỷ XVII, viên quan Lễ quận công Bùi Thời Trung đã cùng nhân dân xây dựng hai ngôi đền, quay theo hướng đông như ngày hôm nay.

Để tưởng nhớ công lao to lớn của vua Đinh, vua Lê trong công cuộc dựng nước và giữ nước, Lễ hội được tổ chức hàng năm và trở thành Lễ hội truyền thống, lấy ngày vua Đinh đăng quang ngôi Hoàng đế ngày 10 tháng 3 âm lịch làm ngày lễ.

Thông qua các hoạt động trong Lễ hội tạo không khí vui tươi, phấn khởi, góp phần bảo tồn và phát huy truyền thống lịch sử văn hóa của dân tộc, quảng bá tiềm năng thế mạnh về kinh tế - xã hội, những nét văn hóa đặc sắc, những danh lam thắng cảnh nổi tiếng về đất và người Cố đô Hoa Lư - Ninh Bình

Thời gian Lễ hội tổ chức trong 03 ngày, từ ngày 28/4/2023 đến ngày 30/4/2023 (tức ngày 09 đến ngày 11 tháng 3 năm Quý Mão). Riêng Lễ cầu quốc thái dân an và Lễ hội hoa đăng thực hiện vào ngày 25/4/2023 (tức ngày mùng 06 tháng 3 năm Quý Mão); Lễ mở cửa đền thực hiện sáng ngày 27/4/2023 (tức ngày mùng 08 tháng 3 năm Quý Mão).

Các hoạt động Lễ hội gồm 2 phần là phần lễ và phần hội.  Phần lễ gồm: Lễ mở cửa đền, Lễ rước nước,  Lễ mộc dục, Lễ dâng hương, Lễ tiến phẩm, Lễ rước kiệu (từ các di tích lịch sử văn hóa liên quan đến các triều đại Đinh, Tiền Lê về lễ hội), Tế Cửu khúc, Tế lễ cổ truyền của các đoàn nam quan, nữ quan, đồng quan, Lễ cầu quốc thái dân an và Lễ hội hoa đăng, Lễ tạ.

Phần hội gồm các hoạt động văn hóa, thể thao, trò chơi dân gian truyền thống và hiện đại tại không gian Lễ hội, gồm:

Các hoạt động văn hóa, văn nghệ:  Trình diễn màn Trống hội Hoa Lư, Lễ đăng quang Hoàng đế, Cờ lau tập trận; kéo chữ “Thái Bình” (lồng ghép trong Chương trình nghệ thuật tại Lễ khai mạc Lễ hội), Biểu diễn múa lân, múa rồng (lồng ghép trong Chương trình Lễ rước nước), Giao lưu văn nghệ quần chúng, biểu diễn trống (trống nhảy, múa trống), biểu diễn cồng chiêng, múa rối nước, chiếu phim, biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp, Tổ chức hội trại thanh niên (tổ chức các trò chơi, hội thi,… và giao lưu văn hóa, văn nghệ), Tổ chức các trò chơi dân gian: cờ người (cờ tướng), chọi gà, tổ tôm điếm, bắn cung, bắn nỏ…

Các hoạt động thể thao: giao lưu bóng chuyền huyện Hoa Lư và các giải thể thao khác.

Các hoạt động thi, trưng bày, triển lãm, quảng bá: thi và trưng bày mâm ngũ quả tiến Vua, thi kéo chữ “Thái Bình”; thi diễn tích “Cờ lau tập trận”, thi thư pháp; thi chèo thuyền khéo; trưng bày hình ảnh, hiện vật Kinh đô Hoa Lư, trưng bày các hiện vật, tuyên truyền, quảng bá giá trị khu di chỉ khảo cổ tại khu vực Cố đô Hoa Lư, triển lãm ảnh nghệ thuật “Non nước Ninh Bình”, hoạt động quảng bá du lịch Ninh Bình.

Lễ hội truyền thống Cố đô Hoa Lư được tổ chức hàng năm, chính là để tưởng nhớ công lao to lớn của các vị tiên đế đã có công thống nhất sơn hà, lập nên nhà nước Đại Cồ Việt sánh ngang Bắc Tống. Tại gian Bái đường của đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng có đôi câu đối thể hiện rõ vị trí đó của dân tộc ta:

                   “Cồ Việt quốc đương Tống Khai Bảo

                     Hoa Lư đô thị Hán Tràng An”

           Nghĩa là:

                   “Nước Đại Cồ Việt sánh ngang nước Tống niên hiệu Khai Bảo

                     Kinh đô Hoa Lư sánh ngang kinh đô Tràng An của nhà Hán”

Các hoạt động Lễ hội được tổ chức theo quy định hiện hành, phù hợp với tình hình thực tiễn, đảm bảo trang trọng, tiết kiệm và có tính giáo dục cao, xứng đáng với vai trò, vị thế của Nhà nước Đại Cồ Việt trong tiến trình lịch sử dân tộc.

 Lễ hội Cố đô Hoa Lư có vai trò đặc biệt trong đời sống tinh thần và đem lại những giá trị tích cực cho bản thân mỗi người dân và là niềm tự hào của người dân vùng Cố đô Hoa Lư.

Hiện nay, Lễ hội Cố đô Hoa Lư đặc biệt hấp dẫn du khách và trở thành một sản phẩm du lịch độc đáo, một thứ tài sản văn hóa góp phần phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương.

Một số hình ảnh đặc sắc tại Lễ Hội

Tự Quyết