Bia ma nhai ở Phủ Thờ Quận công Bùi Văn Khuê

16/08/2024

Bia ma nhai ở Phủ Thờ Quận công Bùi Văn Khuê

Theo nghĩa chữ Hán thì phủ có nghĩa là ngôi nhà nói chung của quan lại ngày xưa ở (phủ đệ), hoặc trung tâm hành chính (thủ phủ); Trong các kiến trúc thờ tự, chữ phủ được dùng để gọi nơi thờ mẫu, như phủ Dày, phủ mẫu.

Riêng tại khu vực xã Trường Yên và một số xã lân cận thuộc huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình, ngoài các phủ thờ mẫu thì một số đền, miếu, lầu, ... thờ nhân vật thời Đinh - Lê ở thế kỉ X, đầu thế kỷ XI cũng được gọi là phủ, ngoài ra còn có một số phủ thờ nhân vật muộn hơn. Phủ thờ Quận công Bùi Văn Khuê và bia ma nhai trong phủ, trên lưng chừng núi Chằm Phạm, xóm Trung Lân, thôn Chi Phong, xã Trường Yên cũng là di tích thờ nhân vật lịch sử.

Leo hơn trăm bậc đá, du khách tới lưng chừng núi, có một khám nhỏ trong mái đá, khám xây đơn giản, cửa khám rộng khoảng 1,5m, cao chừng 2m, nhìn về hướng nam. Cột khám thờ nhấn vữa đôi câu đối:

Phiên âm: Long ngạch chính trung khai ngọc trục

                   Hổ đầu củng ngoại tráng kim lư

Tạm dịch:   Từ giữa nơi trán rồng sinh xuất một viên ngọc

Bên ngoài có đầu hổ chầu vào, thêm hùng tráng cho nơi thờ cúng.

Trên ban thờ đặt bát hương thờ Mỹ Quận công Bùi Văn Khuê và con cháu họ Bùi. Bùi Văn Khuê quê ở thôn Chi Phong, xã Trường Yên, ông là chồng của bà Nguyễn Thị Niên, nhân vật thời Lê - Mạc thế kỷ XVI. Ông tham gia cuộc chiến tranh Lê - Mạc và phục vụ cho cả hai bên trong cuộc chiến này. Khi võ tướng phục vụ nhà Mạc, được giao chỉ huy đạo thủy quân. Nhà Mạc phong cho ông chức Sơn quận công trấn thủ Nam đạo sơn. Sau khi b nhà Mạc, phục vụ  nhà Lê được phong là Mỹ quận công. Ngoài ra phủ còn thờ hai người con của Bùi Văn Khuê là Bùi Thời Trung và Bùi Khắc Kiệm. Riêng  Bùi Thời Trung trước là Lễ Quận công, sau đổi là Vân Quận công. Ông có công đốc suất việc tôn tạo hai ngôi đền thờ vua Đinh, vua Lê (nay thuộc khu di tích LS-VH Cố đô Hoa Lư) và chùa núi Cô Phong (nay thuộc thôn Phong Phú, xã Ninh Giang, huyện Hoa Lư).

Sở dĩ di tích được gọi là phủ, bởi các nhân vật được thờ vốn là những người nổi tiếng trong lịch sử, có công với triều đình, từng sinh sống và đóng doanh trại tại đây, Sau khi họ qua đời, thì nhân dân trong vùng lập đền thờ trên nền dinh thự cũ, vì vậy người dân gọi một cách thành kính các di tích thờ đó là Phủ và vẫn coi như đây là phủ đệ của họ khi còn sống.

Vách hang bên trái (từ ngoài nhìn vào) của khám thờ, cao khoảng 2m so với mặt bằng cửa hang là bia ma nhaiTổ nghiệp điền bi ký”

Về Kích thước, hình dáng: Bia có hình chữ nhật, rộng ngang 101cm, chiều cao đo chính giữa là 106cm. Trán bia tròn cao 17 cm, rộng 96 cm.

Trang trí: diềm bia được ngăn cách với mặt bia và vách hang bởi đường chỉ chìm chạy vòng 2 bên và trán bia, gờ trán bia rộng 9,5 cm, tạo hình 07 bông Sen.

 Do phong hóa, đã làm cho mặt bia bị mờ nhiều, một số chữ đã bị mờ không thể đọc được. Văn tự được khắc từ trên xuống, từ phải qua trái, gồm 21 dòng, nét chữ chân phương dễ đọc.

Nội dung văn bia do Mỹ Quận công Bùi Văn Khuê và con cháu trong họ khắc tạc, nội dung tạm dịch: Bùi Văn Khuê tiếp nối Cao tổ Bùi Ngưng, ông tổ đời thứ 5, có đặt ruộng đất, ao chuôm nông sâu lớn nhỏ cộng là 75 mẫu 5 sào 13 thước, giao lại cho Tằng tổ Bùi Xứ, Bùi Nhi truyền lại cho vương bá phụ Bùi Văn Mã, Bùi Văn Côi, đến  Bùi Văn Khuê liên tục cày cấy phục vụ cho việc thờ tự. Nhưng đến đời Diên Thành (1578 - 1585) nhà Mạc, ruộng ao bị xâm chiếm, nên tâu lên nha môn khám xét đòi lại, định mốc giới để quản lý.

Nội dung phản ánh trực tiếp về các nhân vật thờ, ruộng tư điền phục vụ cho việc thờ t của họ Bùi ở vùng đất Chi Phong qua các giai đoạn lịch sử. Đây là tài liệu quan trọng có giá trị cho việc nghiên cứu về chính sách đối nội. Do đó chúng ta cần in dập, dịch nghĩa để tìm hiểu thêm về quyền sở hữu ruộng đất công dưới thời Lê Mạc.

Bia ma nhai trên vách núi Chằm Phạm

Kim Cúc