NGHỆ THUẬT ĐIÊU KHẮC ĐÁ TRÊN CẶP LONG SÀNG TẠI ĐỀN THỜ VUA ĐINH TIÊN HOÀNG

20/09/2024

NGHỆ THUẬT ĐIÊU KHẮC ĐÁ TRÊN CẶP LONG SÀNG TẠI

ĐỀN THỜ VUA ĐINH TIÊN HOÀNG

Vào thế kỷ XVII, tuy đất nước bị chia cắt, chiến tranh loạn lạc xảy ra liên miên nhưng không làm hạn chế những bước phát triển của nghệ thuật. Nghệ thuật điêu khắc dân gian thời kỳ này đã phát triển lên một trình độ mới thể hiện ý tưởng phong phú trong cuộc sống tinh thần của người dân lao động. Trong đó, điêu khắc đá đã có từ lâu trong nghệ thuật tạo hình ở nước ta và phát triển mạnh mẽ trong các thế kỷ XI - XV (dưới thời Lý, thời Trần và thời Lê Sơ). Sang thế kỷ XVII, những tác phẩm điêu khắc bằng đá không nhiều mà chủ yếu tạo hình trên chất liệu gỗ. Song thời kỳ này các nghệ nhân dân gian vẫn để lại nhiều tác phẩm nghệ thuật điêu khắc đá có giá trị cao. Tiêu biểu là cặp Long sàng (sập đá) tại đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng, thuộc khu di tích Quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư được công nhận là bảo vật quốc gia năm 2017.

Long sàng tại đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng là hiện vật tiêu biểu cho đồ tế khí quan trọng trong không gian thờ cúng của người Việt. Long sàng thứ nhất được chế tác từ tảng đá xanh nguyên khối nặng 1,5 tấn, hình hộp chữ nhật, chân đế hơi xoải tạo dáng quỳ vững chãi, đặt trước Nghi môn ngoại (cửa ngoài) được triều đình nhà Lê cho chế tác vào đầu thế kỷ XVII (thời Lê Trung Hưng). Mặt Long sàng được các nghệ nhân chạm khắc nổi hình rồng cuộn mềm mại, uyển chuyển. Thân rồng uốn kiểu yên ngựa, đầu to, bờm lớn ngược ra phía sau, miệng há to ngậm viên ngọc châu, răng nanh sắc nhọn, đuôi rồng vuốt về phía sau thể hiện quyền lực của bậc đế vương. Điểm đặc biệt của Long sàng là những họa tiết điêu khắc trên đó được nhân hóa rất lạ: Hai chân trước của rồng được chạm khắc hình dáng hai cánh tay, bàn tay nắm chặt sừng và bờm, chân sau cũng được chạm khắc cánh tay nắm râu.

Những cánh tay mọc ra từ thân rồng vẫn còn là điều bí ẩn và dị biệt để các nhà nghiên cứu tiếp tục tìm hiểu và đưa ra lời giải đáp. Khi chạm khắc Long sàng người nghệ nhân dân gian lúc bấy giờ đã đưa những cánh tay vào như một sự ngẫu nhiên thể hiện sự phá cách mạnh mẽ, phong cách nghệ thuật phóng khoáng hay mang những hàm ý về lịch sử? Chúng ta cần phải tìm hiểu đầy đủ những cứ liệu mới có thể giải mã được chính xác bí ẩn trên.

Long sàng trước Nghi môn ngoại

Long sàng thứ hai bài trí tại sân rồng. Đây là một trong những sập thờ đẹp, có giá trị nghệ thuật nhất ở Việt Nam, được chế tác từ đá xanh nguyên khối rất độc đáo vào thế kỷ XVII. Long sàng có hình khối hộp chữ nhật dài 1,80m, rộng 1,40m kể cả bệ cao 0,95m, được trang trí một con rồng cuộn khá đẹp. Mặt Long sàng được chạm khắc nổi hình rồng có dáng khỏe mạnh như đang uốn lượn, thân mập, đuôi thẳng, phủ vẩy đơn, đầu ngẩng cao, hai cụm tóc bay ngược lên, hai dải râu dài thả lỏng phía dưới, các đao của nó tỏa ra như những tia chớp, hai chân trước của rồng mang hình dáng cánh tay, hai chân sau của rồng, có một chân hình móng vuốt, một chân hình bàn tay người.

Diềm và xung quanh thành Long sàng được chạm khắc tỉ mỉ các họa tiết hoa lá, cây cỏ và các con vật rất bình thường như tôm, cá, chuột... không theo quy tắc đối xứng. Các con vật đều toát lên nét vui tươi trong một tư thế rất thoải mái. Điều đó thể hiện sự gắn kết, hòa quyện giữa thiên nhiên và con người. Đó chính là sự sáng tạo của người nghệ nhân dân gian. Họ muốn tác phẩm của mình thoát ra khỏi sự gò bó theo những nguyên tắc quy định có sẵn. Trong không gian thờ cúng của người Việt thường xuất hiện nhiều sập đá có bề mặt trơn, phẳng. Song cặp Long sàng tại đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng được chạm khắc rồng cuộn trên bề mặt và có sự xuất hiện của những con vật bình thường trên Long sàng ở nơi tôn nghiêm, tượng trưng cho uy quyền tối cao của bậc đế vương là một sự hy hữu, rất độc đáo trong nghệ thuật tạo hình của người Việt.

Long sàng tại sân rồng

Theo các nhà nghiên cứu đánh giá, sau mỗi cơn mưa, trời quang mây tạnh nhìn mặt Long Sàng sáng bóng, các đường nét hoa văn chạm khắc trên khối đá hiện lên lấp lánh như dát ánh bạc. Hình con rồng như đang bay lượn trong không gian bao la in bóng mây trời tuyệt đẹp. Điều đó cũng thể hiện khát vọng hòa bình và thịnh vượng đất nước mãi trường tồn với thời gian.

Như vậy, có thể thấy nét đặc sắc, giá trị nghệ thuật của cặp Long sàng là ở chỗ từ những khối đá thô sơ qua bàn tay khéo léo của người nghệ nhân đã trở thành một bức tranh sinh động, phóng khoáng gợi tả sự vươn lên mãnh liệt của con người, sự vận động của đất trời, những khát vọng cho nhân duyên, cho sức mạnh của sự sống đang chuyển động không ngừng. Đó cũng chính là ước vọng, mong muốn của cư dân nông nghiệp - luôn mong cho mưa thuận gió hòa, cây cối tốt tươi, vạn vật sinh sôi, mùa màng bội thu, cuộc sống sung túc đủ đầy.  

Long sàng là một tác phẩm nghệ thuật đẹp đã chứng tỏ người nghệ nhân rất thành thạo trong việc chạm khắc họa tiết hình con rồng mềm mại như đang uốn lượn hay các đường nét lột tả được cảnh vui đùa nhộn nhịp như cùng nhau bơi lội của những sinh vật cá, tôm… (con vật dưới nước), chuột, chim (con vật trên cạn). Tài tình của người nghệ nhân ở đây là họ đã biết cách bố cục, bài trí và diễn tả để tạo nên một bức tranh đẹp phóng khoáng vừa giữ được dáng vẻ tự nhiên, gần gũi, đời thường, vừa thể hiện sự uy nghiêm, thành kính đối với vị hoàng đế dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất đất nước, sáng lập triều đại nhà Đinh, nước Đại Cồ Việt - Nhà nước Phong kiến Trung ương tập quyền đầu tiên của Việt Nam.

Cặp Long sàng trước Nghi môn ngoại và trên sân rồng trước Bái đường trong khuôn viên đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng là kiệt tác nghệ thuật điêu khắc của người Việt. Những họa tiết được trang trí trên Long sàng thể hiện sự tinh xảo tuyệt tác. Điều đó cho thấy óc sáng tạo, quan niệm thẩm mỹ, phong cách nghệ thuật phóng khoáng, cởi mở và đôi bàn tay khéo léo, tài hoa của người nghệ nhân điêu khắc đá ở thế kỷ XVII. Đây là hai tác phẩm điêu khắc tiêu biểu và độc đáo của Việt Nam, qua đó nhằm phản ánh những ước vọng của con người trong nhiều mối quan hệ mang tính tâm linh và xã hội, làm phong phú thêm cho bản sắc của nền nghệ thuật dân tộc.

Lương Tú