Hội thảo về bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa tiêu biểu, phục vụ giáo dục truyền thống và phát triển kinh tế, du lịch
Hội thảo về bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa tiêu biểu, phục vụ giáo dục truyền thống và phát triển kinh tế, du lịch
Ngày 25/10 tại thành phố Ninh Bình diễn ra hội thảo “Bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa tiêu biểu, phục vụ giáo dục truyền thống và phát triển kinh tế, du lịch” do Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam chủ trì, phối hợp cùng với Viện Bảo tồn di tích và Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Ninh Bình.
Hội thảo có sự tham dự của PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương - Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam; Thạc sỹ, Kiến trúc sư Trần Quốc Tuấn - Phó Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích; TS. Nguyễn Mạnh Cường - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình; các chuyên gia nghiên cứu, các nhà khoa học đến từ các Viện nghiên cứu, trường Đại học; đại biểu các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh Ninh Bình.
Phát biểu khai mạc hội thảo TS. Nguyễn Mạnh Cường - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình cho biết hội thảo nhằm mục đích nghiên cứu, thảo luận làm rõ thực trạng triển khai các giải pháp, chính sách, mô hình, bài học kinh nghiệm trong công tác bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa tiêu biểu, phục vụ giáo dục truyền thống và phát triển kinh tế, du lịch ở các bộ, ban, ngành, địa phương. Đồng thời gợi mở những giải pháp, cơ chế chính sách phù hợp nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn và phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa.
Hội thảo tiếp nhận, chọn lọc được 41 bài báo cáo tham luận của các nhà quản lý, nhà khoa học, nhà nghiên cứu công tác ở nhiều lĩnh vực khác nhau trong cả nước. Các tham luận trao đổi, thảo luận tại hội thảo đã đánh giá, phân tích một cách khách quan, khoa học, thẳng thắn và đưa ra nhiều giải pháp nhằm "Bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa tiêu biểu, phục vụ giáo dục truyền thống và phát triển kinh tế, du lịch”.
Tại hội thảo có 6 tham luận được trình bày đã đề cập các giải pháp, mô hình trong lĩnh vực bảo tồn di sản văn hóa tiêu biểu, gắn với phát triển kinh tế, du lịch: Các mô hình thực tiễn trong và ngoài nước về bảo tồn và phát huy các giá trị di tích lịch sử văn hóa, giáo dục truyền thống thông qua du lịch (PGS.TS Bùi Thanh Thủy, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội); Chiến lược bảo tồn giá trị di sản và phát huy bản sắc đô thị Việt Nam (TSKH.KTS Ngô Viết Nam Sơn); Bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh gắn với phát triển bền vững ở Ninh Bình (ThS Nguyễn Xuân Trường - Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Ninh Bình); Di sản kiến trúc chùa Việt thời Lê Trung Hưng ở đồng bằng Bắc Bộ - nhận diện giá trị và một vài đề xuất bảo tồn phát huy (ThS.KTS Nguyễn Thị Hương Mai); Một số phương pháp ứng dụng công nghệ trình diễn hỗ trợ bảo tồn và phát huy di sản văn hóa Việt Nam (Nguyễn Phương Anh – Nguyễn Đức Hoàng, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông); Áp dụng văn bản quốc tế trong việc bảo tồn di tích ở Việt Nam (TS Tạ Quốc Khánh, Viện Bảo tồn di tích).
Các tham luận đã tập trung phân tích, làm rõ thực trạng, đưa ra các giải pháp, chính sách, bài học kinh nghiệm trong công tác bảo tồn và phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa khu di tích Yên tử (Quảng Ninh), khu di tích Núi Sam (An Giang), Đô thị cổ Hội An (Quảnh Nam); tại các ngôi chùa Việt thời Lê Trung Hưng (chùa Thầy - Hà Nội, chùa Dâu - Bắc Ninh, chùa Keo -Thái Bình…); tham khảo các bài học kinh nghiệm trong lĩnh vực bảo tồn di sản văn hóa của các nước trên thế giới như Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc; việc ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại như sử dụng công nghệ 3D, công nghệ thực tế ảo (VR) và thực tế tăng cường (AR), công nghệ GIS, trí tuệ nhân tạo (AI) tại các khu di tích lịch sử - văn hóa. Các ý kiến tham luận đã nêu bật những thuận lợi, khó khăn, thách thức, đồng thời đưa ra các giải pháp và kiến nghị, định hướng liên kết, hợp tác với các cơ quan có thẩm quyền, chính quyền địa phương nhằm thực hiện điều chỉnh, bổ sung cơ chế, chính sách phù hợp để bảo tồn và phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa trong thời gian tới, góp phần phát triển bền vững kinh tế - xã hội vùng và cả nước. Trong đó có tỉnh Ninh Bình.
Ninh Bình là mảnh đất có bề dày lịch sử và truyền thống văn hóa lâu đời, là kinh đô của ba triều đại Đinh - Tiền Lê, Lý với các dấu ấn vàng son một thời oanh liệt, hào hùng của dân tộc ta: Thống nhất đất nước, đánh bại quân xâm lược nhà Tống (980 - 981), giữ vững bờ cõi trước sự quấy nhiễu của quân Chiêm Thành và khởi đầu quá trình định đô Thăng Long (Hà Nội ngày nay). Nơi đây còn lưu giữ nhiều dấu ấn mang đậm giá trị văn hóa và lịch sử. Hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh có 1821 di tích thuộc nhiều loại hình khác nhau: di tích, chùa, miếu, phủ, lầu, lăng mộ…, có 405 di tích được xếp hạng. Trong đó, có 01 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, 03 di tích quốc gia đặc biệt, 78 di tích quốc gia, 324 di tích cấp tỉnh. Nhiều di tích, danh lam thắng cảnh đã trở thành những địa điểm tham quan hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế. Ngoài ra, Ninh Bình còn là vùng đất chứa đựng nhiều giá trị văn hóa phi vật thể độc đáo như: Lễ hội Trường Yên, Nghề đá mỹ nghệ Ninh Vân, nghệ thuật trình diễn dân gian hát Xẩm, Lễ hội làng Bình Hải…Với số lượng lớn di tích lịch sử - văn hóa được xếp hạng là thế mạnh để tỉnh Ninh Bình bảo tồn, khai thác, phát triển kinh tế du lịch. Hội thảo có ý nghĩa quan trọng góp phần nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa tiêu biểu, phục vụ giáo dục truyền thống và phát triển kinh tế, du lịch của tỉnh Ninh Bình.
Hình ảnh hội thảo
Lương Tú