Phát huy giá trị lịch sử - văn hóa Khu Di tích Cố đô Hoa Lư
phục vụ giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ
Cố đô Hoa Lư là kinh đô đầu tiên của Nhà nước Phong kiến Trung ương tập quyền ở Việt Nam thế kỷ X, mảnh đất nơi đây gắn với sự nghiệp của 6 vị vua thuộc ba triều đại Đinh - Tiền Lê, Lý với các dấu ấn vàng son một thời oanh liệt, hào hùng trong lịch sử của dân tộc ta: Thống nhất đất nước, đánh bại quân xâm lược nhà Tống (980 - 981), giữ vững bờ cõi trước sự quấy nhiễu của quân Chiêm Thành và khởi đầu quá trình định đô Thăng Long (Hà Nội ngày nay). Nơi đây còn lưu giữ nhiều dấu ấn mang đậm giá trị văn hóa và lịch sử có ý nghĩa lớn trong việc giáo dục cho thế hệ trẻ về truyền thống yêu nước, biết ơn các anh hùng dân tộc. Khu Di tích lịch sử - văn hóa Cố đô Hoa Lư đã được Bộ Văn hóa xếp hạng di tích quốc gia năm 1962 và được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng di tích cấp quốc gia đặc biệt năm 2012.
Ở thế kỷ X, dưới thời Đinh - Tiền Lê các dấu mốc văn hóa quan trọng đã hình thành và là nền tảng cho sự hình thành nền văn minh Đại Việt và nền văn hóa Việt Nam ở các giai đoạn sau. Đây cũng là thời kỳ đất nước và dân tộc ta có những bước chuyển biến, phát triển mạnh mẽ về kinh tế - xã hội, là những minh chứng thể hiện sự phát triển mới trong ý thức dân tộc, tạo thế và lực đưa đất nước tiến lên một tầm cao mới, đủ sức mạnh chiến thắng mọi kẻ thù.
Đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng và vua Lê Đại Hành theo tương truyền được khởi công xây dựng từ thời nhà Lý trên nền móng cung điện xưa, trải qua thời gian ngôi đền cũ không còn. Đến đầu thế kỷ XVII, Lễ quận công Bùi Thời Trung đã xây dựng lại hai ngôi như hiện nay. Năm 1606, ông đã cho dựng bia để ghi sự kiện đó. Năm 1898, ông Dương Đức Vĩnh, thường được gọi là cụ Bá Kếnh, đã cùng với nhân dân Trường Yên tiến hành trùng tu, sửa chữa lớn ngôi đền vua Đinh, bằng cách làm ngưỡng cửa đá và đưa các tảng đá cổ bồng vào dưới tất cả các chân cột để nâng cao ngôi đền như hiện nay.
Mặc dù đã trải qua hơn 400 năm với nhiều biến đổi và thăng trầm của lịch sử, đến nay hai ngôi đền vẫn giữ được những nét kiến trúc và điêu khắc độc đáo đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật thế kỷ XVII.
Hiện nay, việc giáo dục truyền thống, tình yêu quê hương đất nước cho thế hệ trẻ ngày càng được các nhà trường chú trọng. Các nội dung giáo dục về di sản văn hóa tại Di tích được lồng ghép vào bài học chính khóa và ngoại khóa, các trò chơi “học mà chơi, chơi mà học” đã giúp các em yêu thích và rất hào hứng tham gia.
Giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ thông qua di tích lịch sử - văn hóa Cố đô Hoa Lư không chỉ giúp các bạn trẻ tiếp cận kiến thức một cách sinh động, chân thực mà còn tạo cơ hội để các em hình dung rõ ràng hơn về những sự kiện đã diễn ra trong quá khứ. Thông qua việc quan sát tìm hiểu về kiến trúc, các hiện vật được trưng bày tại Di tích giúp học sinh, sinh viên hiểu rõ hơn về phong cách nghệ thuật kiến trúc qua từng thời kỳ, về lịch sử và truyền thống đấu tranh dựng nước và giữ nước của cha ông, từ đó bồi đắp thêm lòng tự hào dân tộc, tình yêu quê hương, đất nước.
Việc giảng dạy và học tập về Di tích giúp các em được học lịch sử một cách trực quan, sinh động, thay vì học lịch sử qua sách vở, các em có thể trải nghiệm thực tế, quan sát những hiện vật, di tích lịch sử và cảm nhận trực tiếp những giá trị lịch sử, văn hóa của dân tộc. Tại đây từng thước phim lịch sử hiện lên, các em như ngược dòng thời gian trở về quá khứ để chứng kiến những chiến công oanh liệt, hào hùng chống giặc ngoại xâm và ý chí đấu tranh kiên cường bất khuất của cha ông; các em được khám phá những câu chuyện lịch sử về anh hùng Đinh Bộ Lĩnh, Lê Hoàn, cùng các nhân vật lịch sử thời Đinh và Tiền Lê: Thái hậu Dương Vân Nga, Nguyễn Bặc, Đinh Điền, Trịnh Tú, Lưu Cơ, Khuông Việt, Trần Minh Công, Phạm Cự Lượng, Phạm Hạp, Lê Long Đĩnh, Đỗ Pháp Thuận…từ đó giúp các em phát triển tư duy phân tích, nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.
Thấy được ý nghĩa và tầm quan trọng của việc phát huy giá trị lịch sử - văn hóa Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư trong giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, Trung tâm Bảo tồn Di tích Lịch sử - Văn hóa Cố đô Hoa Lư đã và đang đẩy mạnh các hoạt động tham quan, học tập thực tế cho học sinh, sinh viên, phối hợp với các trường học xây dựng các chương trình giáo dục di sản, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về Khu Di tích, các cuộc thi kể chuyện, vẽ tranh lịch sử, phát triển các trò chơi tìm hiểu về các sự kiện, nhân vật lịch sử gắn liền với Kinh đô Hoa Lư, tăng cường ứng dụng công nghệ thực tế ảo (VR), số hóa các hiện vật, phim tài liệu về Cố đô Hoa Lư để học sinh, sinh viên dễ dàng tiếp cận.
Thông qua các hoạt động học tập và tìm hiểu về di sản văn hóa học sinh, sinh viên không chỉ nắm vững kiến thức lịch sử, trân trọng và nối tiếp những giá trị tốt đẹp của cha ông, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của quê hương, mà còn giúp các em hiểu rõ hơn về quá khứ của dân tộc, rút ra được những bài học về bảo vệ chủ quyền và giữ gìn độc lập dân tộc.
Một số hình ảnh học sinh, sinh viên học tập thực tế tại Khu Di tích Cố đô Hoa Lư
Giang Bạch Đằng