Trung tâm bảo tồn di tích Lịch sử - Văn hoá Cố đô Hoa lư Ninh Bình

Quan hệ bang giao giữa Đại Cồ Việt và nhà Tống dưới thời vua Đinh Tiên Hoàng

Chủ nhật, 09/3/2025 , Đã xem: 379
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 10 điểm ( 2 đánh giá )

Quan hệ bang giao giữa Đại Cồ Việt và nhà Tống

dưới thời vua Đinh Tiên Hoàng

Năm 944, Ngô Quyền mất con trưởng là Ngô Xương Ngập chưa kịp lên ngôi đã bị Dương Tam Kha cướp ngôi. Năm 950, Ngô Xương Văn (em Ngô Xương Ngập) bắt Dương Tam Kha, giành lại chính quyền của họ Ngô và đón Ngô Xương Ngập về cùng coi việc nước. Năm 965, Xương Văn chết đất nước rơi vào tình trạng hỗn loạn, các thổ hào, lãnh chúa nổi lên khắp nơi, chiếm cứ các địa phương, đánh lẫn nhau, chống lại chính quyền trung ương tạo nên cục diện mà sử gọi là “Loạn 12 sứ quân”. Trước tình hình đó, Đinh Bộ Lĩnh là một vị tướng có tài, lại được các tướng lĩnh và nhân dân các nơi ủng hộ đã lần lượt thu phục và đánh bại 12 sứ quân cát cứ. Năm 968, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi hoàng đế, lập nên triều Đinh (968 - 979). Đại Việt Sử ký tiền biên chép: “Vua buổi đầu lên ngôi, đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt, đóng đô ở Hoa Lư. Trước kia vua muốn đóng đô ở thôn Đàm[1], nhưng cho là nơi ấy thế đất chật hẹp, lại không có lợi thế nên dời sang động Hoa Lư, đặt kinh đô mới, đắp thành đào hào, dựng cung điện, đặt triều nghi, các bề tôi dâng tôn hiệu là Đại Thắng Minh Hoàng Đế[2].

Kinh đô Hoa Lư (thuộc địa phận xã Trường Yên, thành phố Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình ngày nay), có diện tích khoảng 300ha được bao quanh bởi hàng loạt dãy núi đá vôi hình vòng cung, cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ. Kinh đô Hoa Lư có địa thế hiểm trở núi trong sông, sông trong núi tạo ra một hệ thống phòng thủ tự nhiên, giúp kiểm soát giao thông đường thủy, hạn chế khả năng tiến quân của đối phương, đồng thời dễ dàng bố trí phòng thủ và mai phục khi cần. Sau khi thống nhất đất nước, xưng Đế, lập kinh đô, đặt Quốc hiệu,... Đinh Tiên Hoàng chủ động cử sứ giả sang nhà Tống đặt quan hệ bang giao. Nhà Tống là một quốc gia phong kiến lớn mạnh ở châu Á, việc vua Đinh Tiên Hoàng chủ động thiết lập quan hệ bang giao với nhà Tống là một quyết định đúng đắn, sáng suốt giúp bảo vệ độc lập dân tộc, củng cố, xây dựng và tranh thủ nguồn lực phát triển đất nước.

Từ năm 967, từ khi đang là Đại Thắng vương, Đinh Bộ Lĩnh đã cho Đinh Liễn giữ chức “Tiết độ sứ”. Mặc dù vào thời điểm đó Đinh Bộ Lĩnh chưa phải là người đứng đầu đất nước và cũng chưa có quan hệ gì với nhà Tống. Lấy chức danh“Tiết độ sứ” phong cho Đinh Liễn, Đinh Bộ Lĩnh thể hiện quyền lực và khẳng định sự tiếp nối của người Việt tự chủ trên lãnh thổ của mình. Từ những việc làm trên có thể nhận thấy Đinh Bộ Lĩnh ngoài các vấn đề đối nội, ông đã chuẩn bị sẵn những vấn đề đối ngoại cơ bản khi giành được quyền cai quản đất nước. Năm Kỷ Tỵ 969, sau khi thống nhất đất nước, lên ngôi Hoàng đế, Đinh Tiên Hoàng phong con trai Liễn làm Nam Việt Vương, một lần nữa khẳng định ý thức độc lập tự chủ của Đinh Tiên Hoàng[3]. Vì thế, vào năm Canh Ngọ - 970 (niên hiệu Thái Bình năm thứ nhất), vua Đinh đặt niên hiệu và thể hiện tầm nhìn chiến lược của mình bằng việc sai sứ sang nhà Tống giao hảo. Việc chủ động này của vua Đinh Tiên Hoàng đã cho chúng ta thấy được tầm nhìn chính trị của một vị hoàng đế đứng đầu đất nước, đồng thời muốn khẳng định Đại Cồ Việt là một quốc gia độc lập, tự chủ có quan hệ ngoại giao với các nước láng giềng.

Năm Tân Mùi - 971, nhà Tống cử người đưa thư cho nhà vua nói rằng: “…nghiệp thái bình đã được thành công, đợi ngươi đến chầu, cho vui lòng trẫm…”[4]. Theo yêu cầu của nhà Tống và giảm bớt không khí căng thẳng, năm 972 vua Đinh cử con trai Nam Việt Vương Đinh Liễn sang sứ thăm nhà Tống để thể hiện thiện chí ngoại giao. Chuyến đi sứ của Đinh Liễn đã thành công tốt đẹp, vua Tống rất hài lòng về đoàn ngoại giao của nước Đại Cồ Việt, điều đó đã thể hiện rõ tài năng và bản lĩnh ngoại giao xuất sắc của Nam Việt Vương Đinh Liễn.

Năm 973, khi đi sứ về nước, “nhà Tống sai phong cho vua làm Giao Chỉ Quận Vương[5], Liễn làm Kiểm hiệu thái sư Tĩnh Hải quân tiết độ sứ An Nam đô hộ[6]. Đây là một bước tiến quan trọng trong quan hệ bang giao giữa Đại Cồ Việt và nhà Tống. Nhà Tống đã chính thức công nhận quyền cai trị của Đinh Tiên Hoàng, Đinh Tiên Hoàng đã lập nên một trận tự chính trị đế - vương ngay trong thiết chế của một chính quyền tự chủ. Để rồi, từ triều Đinh trở đi đã hình thành nên một phương cách chủ đạo trong ứng đối với phương Bắc: “Trong xưng đế, ngoài xưng vương”. Phương cách này được nhiều triều đại sau tiếp thu, vận dụng linh hoạt. Hẳn là thời bấy giờ, những người đứng đầu triều Đinh đã phân tích và nắm rõ tình hình chính trị phương Bắc để đi đến những quyết sách tự tin, tự cường như vậy[7].

Đến năm 975, vua Đinh tiếp tục sai Trịnh Tú (là một trong tứ trụ triều Đinh, có công giúp Đinh Tiên Hoàng dẹp loạn 12 sứ quân), sang nhà Tống, mang theo vàng lụa, sừng tê, ngà voi là những sản vật quý hiếm của nước ta làm lễ vật triều cống. Điều này thể hiện sự chủ động, sáng tạo trong quan hệ bang giao hữu nghị với nhà Tống để tiếp tục duy trì hòa bình, ổn định và phát triển đất nước. Sau đó, nhà Tống sai sứ sang đáp lễ lại “sai Hồng lô tự khanh Cao Bảo Tự dẫn đầu bọn Vương Ngạn Phù đem chế sang gia phong cho Nam Việt Vương Liễn làm Khai phủ nghi đồng tam ty, Kiểm hiệu thái sư, Giao Chỉ Quận Vương[8]. Điều này cho thấy nhà Tống đã có nhiều thiện cảm và dành cho Đinh Liễn những ưu ái đặc biệt. Từ đó về sau, mỗi khi sai sứ sang nhà Tống, vua Đinh Tiên Hoàng đều cử Đinh Liễn làm trưởng đoàn. Theo sách “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” ghi “lúc nhà Tống bình được đất Lĩnh Nam, Liễn sai sứ xin nội phụ. Có lẽ bấy giờ Tiên Hoàng cầm quyền trị vì trong nước, còn việc bang giao trọng đại thì giao cả cho Đinh Liễn, chừng có ý để Liễn nối ngôi cha, về phần Tiên Hoàng, vì đã xưng Hoàng đế ở trong nước rồi, nên cũng không thắc mắc về chuyện đó chăng?[9]. Như vậy, có thể thấy Đinh Liễn là một sứ giả, một nhà ngoại giao tài năng của nước ta ở thế kỷ X, ông đã khéo léo, linh hoạt, biết cách dung hòa giữa lợi ích quốc gia và tình thế chính trị lúc bấy giờ giúp Đại Cồ Việt luôn duy trì được mối quan hệ hòa hảo, thân thiết với nhà Tống, tránh nguy cơ xảy ra chiến tranh khi Nhà nước Đại Cồ Việt còn non trẻ mới giành được độc lập, tự chủ sau hơn một nghìn năm Bắc thuộc. Những thành công bang giao của triều Đinh đã đặt nền móng cho chiến lược ngoại giao mềm dẻo, khôn khéo, kết hợp vừa thần phục trên danh nghĩa, vừa giữ vững độc lập thực sự cho các triều đại kế tiếp.

Năm 976, Đinh Tiên Hoàng sai Trần Nguyên Thái sang đáp lễ về việc nhà Tống đã sách phong cho Đinh Liễn làm Khai phủ nghi đồng tam ty, Kiểm hiệu thái sư, Giao Chỉ Quận Vương, việc cử sứ sang đáp lễ nhà Tống vừa thể hiện sự tôn trọng thông lệ bang giao giữa hai nước, vừa củng cố và duy trì mối quan hệ hòa bình với nước láng giềng khổng lồ ở phương Bắc.

Năm 977, vua Đinh Tiên Hoàng sai sứ sang nhà Tống chúc mừng Thái Tông lên ngôi. Nhà Tống là một quốc gia phong kiến hùng mạnh và luôn có tham vọng mở rộng ảnh hưởng xuống phía Nam. Việc thiết lập quan hệ ngoại giao là rất cần thiết và đây là một chính sách ngoại giao khôn khéo, linh hoạt, mềm dẻo của vua Đinh Tiên Hoàng để giữ gìn nền hòa bình cho dân tộc.

Như vậy, có thể thấy quan hệ bang giao giữa Đại Cồ Việt và nhà Tống dưới thời vua Đinh Tiên Hoàng nhìn chung diễn ra khá tốt đẹp. Vua Đinh Tiên Hoàng trong nước vẫn xưng “Hoàng đế” thể hiện chủ quyền độc lập, nhưng khi bang giao với nhà Tống vẫn thể hiện sự khéo léo, linh hoạt để tránh xung đột. Trong suốt thời gian Đinh Tiên Hoàng trị vì nhà Tống không có động thái gây hấn hay xâm lược Đại Cồ Việt, điều này cho thấy quyết sách ngoại giao uyển chuyển, mềm dẻo và khôn khéo của vua Đinh đã giúp đất nước giữ vững hòa bình ổn định, phát triển nội lực. Đây là một thành công lớn trong lịch sử ngoại giao của nước ta, đặt nền móng cho các triều đại sau tiếp tục thực hiện chính sách ngoại giao cương nhu kết hợp trong bang giao với phương Bắc.

Lương Tú

[1] Thôn Đàm: Nay là huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình

[2] Đại Việt Sử ký tiền biên, tr.197

[3] Trần Thị Vinh (chủ biên), Lịch sử Việt Nam tập 2, tr.85

[4] Việt sử lược, Trần Quốc Vượng dịch, tr.55

[5] Theo lời chế của Tống Thái Tổ: “Bộ Lĩnh sinh tại đất Giao Chỉ, giữ tiết làm tôi hướng theo phương Bắc, thế hệ cao quý, giữ gìn một cảnh thổ phương xa, có chí mến văn hóa của Trung Quốc, thường nghĩ đến việc nội phụ. Nay Cửu Châu đã thống nhất, Ngũ Lĩnh cũng thanh bình bèn do đường thủy lục, qua lại cống hiến lễ vật. Nay ta có lời khen ngợi đã sai con xin làm phiên thuộc, vậy phong cho cha làm Quận vương, cấp tước lộc để biểu dương lòng nhân đức khác thường, nên ghi sâu lòng đặc ân của ta và chúc cho trường thọ, An Nam chí lược, Lê Tắc, tr.83

[6] Đại Việt sử ký toàn thư, tr.256

[7] GS.TS Nguyễn Văn Kim, Đinh Tiên Hoàng và quan hệ đối ngoại thời Đinh, Kỷ yếu Hội thảo “Đinh Tiên Hoàng tầm vóc lịch và khát vọng dân tộc”, tr.351

[8] Đại Việt sử ký toàn thư, tr.257

[9] Khâm định Việt sử thông giám cương mục, tr.229

Danh sách liên quan