Trung tâm bảo tồn di tích Lịch sử - Văn hoá Cố đô Hoa lư Ninh Bình

Cố đô Hoa Lư với “Tầm nhìn Đô thị di sản thiên niên kỷ"

Thứ tư, 14/5/2025 , Đã xem: 376
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

Cố đô Hoa Lư với “Tầm nhìn Đô thị di sản thiên niên kỷ"

Trải qua hơn nghìn năm, Cố đô Hoa Lư là nơi lắng đọng những ký ức vàng son một thuở của dân tộc, mang dấu ấn kinh đô đầu tiên của nhà nước phong kiến tập quyền Việt Nam (thế kỷ X). Hiện nay, Cố đô Hoa Lư thuộc địa phận xã Trường Yên, thành phố Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình. Thành phố Hoa Lư hội tụ đầy đủ các yếu tố trở thành một đô thị di sản riêng, độc đáo; các giá trị di sản được tiếp nối và trao truyền cho bao thế hệ người dân vùng đất Cố đô và khát vọng xây dựng Đô thị di sản thiên niên kỷ trong tương lai. Cố đô Hoa Lư không chỉ mang giá trị lịch sử to lớn mà còn có tiềm năng góp phần vào việc xây dựng Đô thị di sản mang tầm vóc thiên niên kỷ. Với bối cảnh hội nhập và phát triển bền vững, việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản Cố đô Hoa Lư cần được đặt trong tầm nhìn chiến lược dài hạn.

1. Giá trị di sản Cố đô Hoa Lư

Cố đô Hoa Lư là kinh đô đầu tiên của Nhà nước phong kiến Trung ương tập quyền ở Việt Nam thế kỷ X, là nơi phát tích sự nghiệp của triều đại Đinh - Tiền Lê và khởi đầu triều Lý. Nơi đây đã tạo tiền đề, nền tảng vững chắc cho kinh thành Thăng Long - nay là thủ đô Hà Nội của Việt Nam. Vùng đất này là nơi lưu giữ những giá trị khởi nguyên trong hành trình phát triển hưng thịnh của dân tộc Việt Nam.

Kinh thành Hoa Lư xưa được mệnh danh là kinh đô đá, có vị trí đặc biệt trong suốt chiều dài lịch sử nước Việt. Với hệ thống thành lũy tự nhiên kết hợp với kiến trúc nhân tạo, Hoa Lư vừa mang tính phòng thủ vững chắc vừa thể hiện bản sắc văn hóa riêng biệt. Đặc biệt, khu di tích hiện nay còn lưu giữ nhiều công trình lịch sử như đền Vua Đinh, đền Vua Lê, chùa Nhất Trụ, chùa Ngần, hang Muối, hang Quàn… cùng với hệ thống hang động, sông ngòi đan xen tạo nên cảnh quan độc đáo. Ngoài ra, khu di tích Cố đô Hoa Lư hiện nay còn lưu giữ hàng ngàn di vật, cổ vật có giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học. Trong đó có 5 bảo vật quốc gia: Long sàng trước Bái đường và Long sàng trước Nghi môn ngoại tại đền thờ Vua Đinh Tiên Hoàng; bộ Phủ Việt tại đền thờ Vua Đinh Tiên Hoàng và đền thờ Vua Lê Đại Hành; cột Kinh Phật tại chùa Nhất Trụ. Ninh Bình hiện nay có 5 bảo vật quốc gia thì 5 bảo vật này đều được lưu giữ tại khu di tích Cố đô Hoa Lư. Trải qua bao thăng trầm lịch sử, các di tích tại Cố đô Hoa Lư đã và đang đóng vai trò quan trọng trong việc lưu giữ, truyền tải các giá trị văn hóa từ xa xưa để lại. Kinh đô Hoa Lư thật sự là một di sản mang giá trị xuyên thế kỷ.

Hơn nghìn năm đã trôi qua, dấu tích thành cũ Hoa Lư dù không còn hiện hữu nhưng các kết quả thăm dò, khai quật nghiên cứu khảo cổ ở Cố đô Hoa Lư vào các năm 1969 - 1970, 1977, 1984, 1991, 1998, 2009, 2021 - 2022, 2024 (đặc biệt là kết quả nghiên cứu, khảo cổ năm 2021) đã xác định một kinh thành Hoa Lư có quy mô lớn với nhiều công trình kiến trúc được xây dựng với mật độ dày đặc ở bên trong. Các kết quả nghiên cứu trên đã giúp chúng ta hình dung một kinh thành nguy nga, tráng lệ được xây dựng vào nửa cuối thế kỷ X, đem lại nhiều tư liệu quý góp phần củng cố cứ liệu đầy đủ hơn về kinh đô Hoa Lư dưới triều Đinh - Tiền Lê, đồng thời cho phép nhìn nhận một cách cụ thể hơn giá trị lịch sử - văn hóa Việt Nam thời Đinh - Tiền Lê và là minh chứng góp phần xác định Cố đô Hoa Lư là khu di tích có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với lịch sử - văn hóa dân tộc.

2. Định hướng phát triển Cố đô Hoa Lư với “Tầm nhìn Đô thị di sản thiên niên kỷ”

Thủ tướng Chính phủ đã Phê duyệt quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định số 218/QĐ-TTg ngày 04/3/2024 (3): “Đến năm 2035: Trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo; một trung tâm lớn, có giá trị thương hiệu cao về du lịch, công nghiệp văn hóa, kinh tế di sản của cả nước và khu vực Châu Á - Thái Bình Dương…” và “Đến năm 2050: Là thành phố trực thuộc Trung ương văn minh, hiện đại, thông minh, có bản sắc riêng, ngang tầm các đô thị di sản, thành phố sáng tạo trên thế giới….”. Với chủ trương của Đảng và Nhà nước về bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh đã đề ra quyết tâm xây dựng Ninh Bình trở thành Đô thị di sản thiên niên kỷ và trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2035. Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Ninh Bình đã ban hành Nghị quyết số 21-NQ/TU ngày 28/02/2025 về xây dựng tỉnh Ninh Bình là thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo (1) với mục tiêu tổng quát: “Xây dựng tỉnh Ninh Bình đến năm 2030 cơ bản đạt các tiêu chí, năm 2035 là thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo; là thành phố du lịch quốc tế, một trung tâm chuyên ngành về công nghiệp văn hóa - giải trí của vùng, quốc gia, hội nhập quốc tế, cùng với du lịch trở thành cụm ngành kinh tế mũi nhọn; một trung tâm quan trọng của đất nước về công nghiệp cơ khí giao thông hiện đại; một trung tâm đổi mới sáng tạo, cực tăng trưởng các tỉnh phía Nam đồng bằng Sông Hồng, hình mẫu kết hợp hài hòa giữa phục dựng, bảo tồn di sản và tăng trưởng xanh, hướng vào chất lượng phát triển. Bảo đảm quốc phòng - an ninh, khu vực phòng thủ tỉnh vững chắc. Xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện, kinh tế phát triển, xã hội phồn vinh, nhân dân hạnh phúc, bản sắc vùng đất Cố đô Hoa Lư được gìn giữ và phát huy. Có thể nói, đây là mục tiêu phù hợp với tiềm năng của vùng đất Cố đô và là xu thế phát triển chung của thế giới.

Ngày 26/03/2025, Thủ tướng Chính phủ cũng Phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch chung đô thị Ninh Bình đến năm 2040 theo Quyết định số 668/QĐ-TTg (4) chỉ rõ: “Khu vực Quần thể danh thắng Tràng An: Là vùng lõi, bảo tồn và phát huy các giá trị Di sản thiên nhiên thế giới, quần thể danh thắng Tràng An, bao gồm khu vực Cố đô Hoa Lư; khai thác phát huy giá trị tạo trung tâm kết nối về du lịch và dịch vụ”. Đồng thời, Quyết định (4) cũng chỉ rõ “Phát triển du lịch gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa, bảo vệ môi trường tự nhiên; lấy hình ảnh Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới quần thể danh thắng Tràng An và giá trị lịch sử - văn hóa của Cố đô Hoa Lư làm điểm nhấn, khẳng định thương hiệu du lịch Ninh Bình”. Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc cũng đã khẳng định: “Ninh Bình với mục tiêu xây dựng Đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo, Tràng An đang mang sứ mệnh mới, trở thành trung tâm của Đô thị di sản thiên niên kỷ, từ đó thúc đẩy phát triển du lịch của tỉnh Ninh Bình” (6). Với định hướng như vậy, chúng ta có thể thấy việc xây dựng Ninh Bình trở thành Đô thị di sản thiên niên kỷ luôn gắn với việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa, trong đó lấy hình ảnh Quần thể danh thắng Tràng An và giá trị Cố đô Hoa Lư làm điểm nhấn. Quần thể danh thắng Tràng An là Di sản kép đầu tiên và duy nhất tại khu vực Đông Nam Á, đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới vào năm 2014. Nơi đây chứa đựng cả một hệ sinh thái thiên niên kỷ bao gồm di sản tự nhiên, di sản định cư, các di tích khảo cổ, lịch sử, bản sắc văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng có giá trị. Quần thể danh thắng Tràng An hiện nay có 429 di tích, trong đó có hai di tích quốc gia đặc biệt. Cố đô Hoa Lư là một trong hai di tích quốc gia đặc biệt đó, là một trong ba vùng lõi của Quần thể di sản thế giới hỗn hợp Tràng An, di sản duy nhất ở Đông Nam Á.

Để phát huy giá trị di sản trong bối cảnh hiện tại, Cố đô Hoa Lư có thể định hướng theo mô hình Đô thị di sản kết hợp với du lịch sinh thái trải nghiệm văn hóa. Điều này sẽ đảm bảo sự cân bằng giữa bảo tồn di sản và phát triển bền vững kinh tế - xã hội theo mục tiêu quy hoạch (trong Quyết định Phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 số 56/QĐ-TTg  ngày 07/02/2023 (2) của Thủ tướng Chính phủ). Với mô hình đô thị này, chúng ta có thể phát triển Cố đô Hoa Lư theo hướng kết hợp hài hòa các giải pháp sau:

2.1. Bảo tồn và phát huy giá trị di sản

Bảo tồn và phát huy giá trị di sản Cố đô Hoa Lư là hoạt động thiết thực phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn hiện nay cũng như mai sau; góp phần bảo vệ và phát huy hệ giá trị văn hóa Việt Nam.

Để thực hiện việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản, chúng ta cần phải bảo tồn nguyên trạng các di tích lịch sử, kiến trúc cổ, không gian văn hóa đặc trưng khu di tích Cố đô Hoa Lư như đền Vua Đinh, đền Vua Lê, chùa Nhất Trụ, chùa Ngần, chùa và động Am Tiêm, phủ Đông Vương, phủ Kình Thiên, lăng Vua Đinh, lăng Vua Lê, các hệ thống thành cổ... Ngoài bảo tồn nguyên trạng thì trùng tu, tôn tạo cũng phải có chọn lọc, giữ gìn các công trình gốc và phục dựng các công trình tiêu biểu của kinh đô Hoa Lư xưa đã bị mai một theo các phương pháp khoa học thiết thực, cụ thể và phù hợp với tình hình hiện tại. Vì thế, cải tạo không gian đô thị theo hướng giữ gìn kiến trúc truyền thống, hạn chế các công trình hiện đại “bê tông hóa” làm mất đi bản sắc Cố đô là một trong những nguyên tắc xây dựng Cố đô Hoa Lư trong giai đoạn hiện nay.

Đồng thời, chúng ta cũng cần có kế hoạch xây dựng trung tâm nghiên cứu và bảo tàng lịch sử Cố đô Hoa Lư. Đây là việc làm cần thiết nhưng cần sự phối kết hợp của các sở, ban, ngành, địa phương và sự hỗ trợ của Nhà nước, của các Doanh nghiệp, tổ chức trong nước... Dự án hướng đến bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị lịch sử - văn hóa khu di tích; phục vụ công tác khảo cổ, lịch sử, văn hóa; tạo điểm đến văn hóa - du lịch hấp dẫn, kết nối với Quần thể danh thắng Tràng An; đồng thời nâng cao nhận thức cộng đồng về di sản và lịch sử dân tộc.

Có thể nhận thấy, dựa trên những tiềm năng, thế mạnh riêng có của địa phương, tỉnh Ninh Bình với định hướng chiến lược, tầm nhìn dài hạn và khát vọng tương lai: biến di sản thành tài sản, nguồn lực và động lực để phát triển trong bối cảnh mới là định hướng đúng đắn. Việc xây dựng Ninh Bình theo mô hình đô thị di sản thiên niên kỷ với nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản Cố đô Hoa Lư sẽ là chiến lược đúng đắn góp phần phát triển bền vững, nâng tầm vị thế và khẳng định bản sắc riêng của vùng đất “địa linh nhân kiệt”.

2.2. Quy hoạch đô thị bền vững, hài hòa với thiên nhiên

Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 56/QĐ-TTg ngày 07/02/2023 về việc Phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (2). Quyết định đã chỉ rõ một trong những mục tiêu quy hoạch: “Hoàn thiện mô hình bảo tồn di sản gắn với phát triển bền vững; xác lập vị thế tương xứng của Cố đô Hoa Lư trong hệ thống các kinh đô trong lịch sử dân tộc; tạo cho khu vực trung tâm Cố đô Hoa Lư trở thành một trong các hạt nhân, động lực thực hiện các chiến lược phát triển đô thị, chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa và du lịch tỉnh Ninh Bình”. Với mục tiêu như vậy, quy hoạch đô thị bền vững trở thành một yếu tố không thể thiếu trong chiến lược phát triển dài hạn của Cố đô Hoa Lư.

Quy hoạch đô thị bền vững không chỉ là việc phân bổ không gian hiệu quả mà còn là quá trình kết hợp giữa thiết kế thông minh, quản lý tài nguyên hợp lý và duy trì tính bền vững cho môi trường sống. Quy hoạch đô thị không chỉ tạo ra một cảnh quan đô thị hấp dẫn mà còn đảm bảo các nguồn tài nguyên tự nhiên không bị khai thác cạn kiệt và sẵn sàng phục vụ cho tương lai. Do vậy, Cố đô Hoa Lư có thể quy hoạch đô thị bền vững, hài hòa với thiên nhiên theo những định hướng như sau:

- Quy hoạch giao thông, dịch vụ khu di tích theo hướng không xâm phạm cảnh quan di tích. Hạn chế xây dựng các công trình hiện đại có quy mô lớn trong khu vực di sản. Thiết kế đường sá phù hợp với cảnh quan, không phá vỡ sinh thái như bến thuyền sinh thái… Chuyển đổi các công trình cũ gần di tích thành trung tâm sinh hoạt cộng đồng: quán cà phê sinh thái, thư viện mở… kết nối giá trị lịch sử với đời sống hiện đại…

- Phát triển không gian sinh thái giữa di tích và khu dân cư, bảo vệ hệ sinh thái núi đá vôi và sông suối trong khu vực: xây dựng các vành đai cây xanh, công viên nhỏ hoặc khu vườn cộng đồng quanh khu di tích, sử dụng “cây bản địa” để đảm bảo tính bền vững và không ảnh hưởng đến cấu trúc di tích; thiết kế không gian như lối đi bộ, đường đi dạo ven di tích… vừa phục vụ cư dân vừa giữ gìn giá trị di sản…

- Nâng cấp hạ tầng giao thông theo hướng du lịch xanh, khuyến khích sử dụng xe điện, xe đạp... quanh khu di tích thay thế phương tiện cá nhân chạy xăng dầu.

- Kiểm soát ô nhiễm từ rác thải du lịch, phát triển hệ thống quản lý nước thải bền vững: xây dựng các trạm xử lý nước thải tập trung tại di tích, áp dụng công nghệ sinh học, màng lọc, tái sử dụng nước sau xử lý (tưới cây, vệ sinh…)…

2.3. Phát triển du lịch sinh thái

Du lịch sinh thái là loại hình du lịch tạo ra mối quan hệ hữu cơ, hòa đồng giữa con người và thiên nhiên, thúc đẩy ý thức trách nhiệm của con người đối với việc bảo vệ môi trường. Phát triển du lịch sinh thái đang trở thành xu hướng phát triển du lịch bền vững hiện nay không chỉ ở riêng Việt Nam. Đây là xu hướng quan trọng nhằm bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, nâng cao giá trị du lịch và mang lại lợi ích cho địa phương. Phát triển du lịch sinh thái tại khu di tích Cố đô Hoa Lư hiện nay có thể hướng đến một số nội dung chính:

- Kết nối di tích Cố đô Hoa Lư với khu du lịch sinh thái Tràng An, Tam Cốc - Bích Động, Hang Múa, chùa Bái Đính... để tạo thành chuỗi du lịch liên hoàn “Văn hóa - Sinh thái - Tâm linh”: Cố đô Hoa Lư → Hang Múa → Tam Cốc - Bích Động → Tràng An → chùa Bái Đính.

- Xây dựng các khu lưu trú sinh thái hòa cùng thiên nhiên (homestay), khu nghỉ dưỡng sinh thái sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường.

- Tổ chức các tour du lịch như chèo thuyền, đạp xe... quanh di tích để khám phá cảnh quan và hệ thống hang động như Hang Bụt, Động Am Tiêm...

2.4. Phát triển du lịch di sản gắn với trải nghiệm văn hóa truyền thống

Du lịch gắn với trải nghiệm văn hóa truyền thống là cơ hội để du khách hòa mình vào nhịp sống địa phương, đắm chìm trong những giá trị văn hóa truyền thống và tận hưởng những màn nghệ thuật đặc sắc, cuốn hút. Nhờ đó, những giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn và phát huy một cách hiệu quả, góp phần giữ gìn bản sắc dân tộc và quảng bá hình ảnh đất nước đến với bạn bè quốc tế. Du lịch trải nghiệm văn hóa không chỉ mang đến cho du khách những giây phút thư giãn, giải trí mà còn mang lại nhiều lợi ích thiết thực, góp phần nâng cao đời sống tinh thần và thể chất cho mỗi người. Để phát triển hướng du lịch này, chúng ta có thể triển khai các tour du lịch trải nghiệm gắn với việc giáo dục về lịch sử, văn hóa cho du khách thông qua một số hình thức:

- Tổ chức các chương trình nghệ thuật đặc trưng của vùng đất Cố đô Hoa Lư  (lễ hội truyền thống tái hiện lịch sử triều Đinh - Tiền Lê, biểu diễn cổ phục thời Đinh - Tiền Lê, tái hiện nghi lễ cung đình…), hát chèo, hát xẩm, múa rối nước...

- Xây dựng khu chợ đêm văn hóa với không gian ẩm thực đặc trưng của vùng đất Cố đô.

2.5. Phát triển du lịch thông minh

Phát triển du lịch thông minh tại di tích Cố đô Hoa Lư không chỉ góp phần bảo tồn di sản văn hóa mà còn nâng cao trải nghiệm của du khách và tối ưu hóa công tác quản lý. Đến thời điểm hiện tại, trên trang website của Trung tâm Bảo tồn di tích Lịch sử - Văn hóa Cố đô Hoa Lư đã ứng dụng công nghệ trong việc cung cấp thông tin về lịch sử, kiến trúc, sơ đồ và các điểm tham quan trong khu di tích. Nhân dân và du khách có thể quét mã QR code để truy cập thông tin chi tiết về di tích, trải nghiệm tham quan một số hình ảnh, bảo vật quốc gia tại khu di tích: tượng Vua Đinh Tiên Hoàng, tượng Vua Lê Đại Hành, cặp Long sàng, bộ Phủ Việt, cột Kinh Phật... và quét mã QR code trải nghiệm thuyết minh tự động về di tích với 4 thứ tiếng... Ngoài ra, Trung tâm đã sử dụng hệ thống trình chiếu phối cảnh 3D Mapping tại Nhà trưng bày “Di sản văn hóa thời Đinh - Tiền Lê”. Công nghệ này giúp du khách hình dung phần nào về kiến trúc và không gian lịch sử của di tích, đồng thời nâng cao hiệu quả quảng bá hình ảnh du lịch Ninh Bình. Đây là những ứng dụng nổi bật hiện nay tại di tích trong việc áp dụng giải pháp chuyển đổi số nhằm nâng cao trải nghiệm cho du khách và bảo tồn giá trị di sản.

Trung tâm cũng sử dụng hệ thống điện tử trong bán vé, thanh toán qua thẻ banking giúp du khách thuận tiện hơn khi mua vé, giảm ùn tắc tại cổng vào và sử dụng QR code trong việc tiếp nhận công đức từ các tổ chức, đơn vị, cá nhân trong và ngoài nước tới tham quan, chiêm bái di tích. Ngoài ra, Ban biên tập Trung tâm cũng đã ứng dụng nền tảng số đẩy mạnh việc quảng bá về di tích thông qua website, fanpage của đơn vị…

Tuy nhiên, việc ứng dụng chuyển đổi số trong công tác quản lý cũng như bảo tồn, phát huy giá trị di sản khu di tích còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế. Chúng ta có thể hướng đến một số giải pháp để phát triển du lịch tương xứng với Đô thị di sản thiên niên kỷ:

- Xây dựng bản đồ di tích tích hợp thông tin trên nền tảng di động.

- Tăng cường ứng dụng công nghệ VR/AR để tái hiện không gian lịch sử, các câu chuyện lịch sử và nâng cao trải nghiệm cho du khách dựa trên các kết quả nghiên cứu, khảo cổ.

-  Phát triển trang web tương tác và app di động để hỗ trợ khách tham quan tra cứu, đặt vé...

- Có thể lắp đặt hệ thống camera AI và cảm biến thông minh giúp việc kiểm soát an ninh, lưu lượng khách và bảo vệ di tích.

- Đào tạo nguồn nhân lực am hiểu cả về văn hóa và công nghệ.

- Huy động nguồn lực từ xã hội hóa để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số.

2.6. Gắn kết du lịch với cộng đồng địa phương

Gắn kết du lịch với cộng đồng địa phương là một bước thiết yếu để hướng tới sự bền vững về mặt kinh tế và xã hội vừa phát triển du lịch bền vững, vừa bảo tồn giá trị văn hóa, đồng thời nâng cao đời sống của người dân bản địa. Chúng ta có thể thực hiện một số giải pháp sau để thực hiện công việc này:

- Khuyến khích người dân đặc biệt là người dân xã Trường Yên tham gia vào hoạt động du lịch, hỗ trợ người dân tham gia vào các hoạt động du lịch sinh thái, bảo tồn di sản. Tổ chức các khóa đào tạo kỹ năng hướng dẫn viên bản địa và tổ chức các tour du lịch sinh thái - văn hóa do người dân bản địa hướng dẫn, giúp du khách hiểu sâu hơn về lịch sử và phong tục của vùng đất Cố đô. Lời phát biểu trong buổi Lễ công bố thành lập thành phố Hoa Lư và công nhận thành phố Hoa Lư đạt tiêu chí đô thị loại I (5) của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Ủy viên Trung ương Đảng càng giúp chúng ta thấy rõ hơn sự cần thiết này: “Mỗi người dân Hoa Lư - Ninh Bình cần trở thành một sứ giả về văn hóa, du lịch; có trách nhiệm giữ gìn, bảo vệ môi trường và cảnh quan, bởi đó chính là nguồn sống của hôm nay và các thế hệ mai sau”.

- Khuyến khích các công ty lữ hành hợp tác với người dân địa phương để xây dựng các sản phẩm du lịch đặc sắc, giúp họ có thu nhập ổn định.

- Tổ chức các phiên chợ du lịch tại di tích Cố đô Hoa Lư, nơi du khách có thể mua sản phẩm nông sản, đồ thủ công từ người dân địa phương.

- Xây dựng kế hoạch về chương trình giáo dục di sản cho người dân và đặc biệt là thế hệ trẻ.

Việc gắn kết du lịch tại di tích Cố đô Hoa Lư với cộng đồng địa phương không chỉ giúp bảo tồn di sản mà còn mang lại lợi ích kinh tế và văn hóa cho người dân góp phần xây dựng điểm đến du lịch bền vững và hấp dẫn.

2.7. Hợp tác và thu hút đầu tư bền vững

Hợp tác và thu hút đầu tư bền vững tại Cố đô Hoa Lư rất quan trọng trong việc bảo tồn di sản văn hóa - lịch sử, phát triển kinh tế địa phương và thúc đẩy du lịch bền vững. Chúng ta có thể hướng tới một số giải pháp sau:

- Kêu gọi đầu tư từ các tổ chức văn hóa, doanh nghiệp có trách nhiệm với di sản.

- Hợp tác với các tổ chức quốc tế trong bảo tồn di sản và phát triển du lịch bền vững để nâng cao giá trị di sản.

- Liên kết với các tỉnh có tiềm năng du lịch mạnh như Thanh Hóa, Quảng Ninh, Hà Nội... để tạo chuỗi giá trị du lịch, tạo trải nghiệm hấp dẫn cho du khách.

- Xây dựng và phát triển thương hiệu điểm đến du lịch “Cố đô Hoa Lư - Kinh đô đầu tiên của nhà nước phong kiến tập quyền Việt Nam” như một biểu tượng văn hóa - lịch sử quốc gia để tạo sức hút với du khách trong nước và quốc tế.

Để hiện thực hóa được những điều trên, chúng ta cần đồng bộ, đẩy mạnh công tác quảng bá, giới thiệu Cố đô Hoa Lư nói riêng, Ninh Bình nói chung trên các phương tiện thông tin đại chúng, nền tảng số, trang mạng xã hội.... với các nội dung phong phú, đậm đà bản sắc văn hóa địa phương để khẳng định Cố đô Hoa Lư là một trong những điểm đến ấn tượng của du lịch Ninh Bình.

Có thể nhận thấy, mô hình “Đô thị di sản kết hợp với du lịch sinh tháitrải nghiệm văn hóa” tại khu di tích Cố đô Hoa Lư là một ý tưởng phát triển bền vững nhằm bảo tồn giá trị lịch sử, văn hóa của Cố đô đồng thời khai thác các tiềm năng du lịch của địa phương, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Ngoài ra, mô hình này còn góp phần hạn chế tác động tiêu cực của phát triển đô thị đối với cảnh quan tự nhiên khu di tích.

3. Tầm nhìn Cố đô Hoa Lư trong thiên niên kỷ mới

Với chiến lược bảo tồn và phát triển bền vững giá trị văn hóa - lịch sử, Cố đô Hoa Lư là một phần trung tâm của đô thị di sản kiểu mẫu, không chỉ gìn giữ giá trị lịch sử mà còn đóng góp vào sự phát triển kinh tế địa phương qua du lịch bền vững. Hiện tại, Trung tâm Bảo tồn di tích Lịch sử - Văn hóa Cố đô Hoa Lư đã chú trọng việc giữ gìn, bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống dân tộc, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng phục vụ và hướng tới xây dựng khu di tích quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư trở thành Điểm du lịch về văn hóa, lịch sử, khảo cổ học mang tầm quốc gia và quốc tế. Tầm nhìn xa hơn là xây dựng Cố đô Hoa Lư trở thành một Trung tâm nghiên cứu, giáo dục về lịch sử - văn hóa Việt Nam, giúp thế hệ trẻ hiểu rõ hơn về cội nguồn dân tộc. Có thể nói, tầm nhìn Cố đô Hoa Lư trong thiên niên kỷ mới là tầm nhìn của sự giao thoa giữa quá khứ hào hùng và tương lai bền vững của dân tộc.

Xây dựng mô hình Đô thị di sản kết hợp với du lịch sinh tháitrải nghiệm văn hóa tại khu di tích Cố đô Hoa Lư hoàn toàn phù hợp trong giai đoạn hiện nay. Hướng đi này góp phần quan trọng trong việc xây dựng Ninh Bình trở thành Thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2035. Tỉnh Ninh Bình xây dựng thương hiệu Đô thị di sản thiên niên kỷ như một biểu tượng phát triển tương lai đã khẳng định vị thế của Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Tràng An và của Cố đô Hoa Lư. Cố đô Hoa Lư không chỉ là di tích mà còn là một phần quan trọng trong hành trình phát triển của đô thị di sản Việt Nam. Việc bảo tồn và phát huy giá trị của Cố đô góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, đồng thời tạo động lực phát triển kinh tế - du lịch bền vững cho tỉnh nhàđất nước.

Cố đô Hoa Lư là đô thị cổ trong lịch sử Việt Nam và là đô thị trung đại sớm nhất của quốc gia Đại Cồ Việt. Nơi đây lưu giữ nhiều giá trị là minh chứng “sống” cho bản sắc văn hóa và truyền thống lịch sử ngàn đời của dân tộc Việt Nam. Trước xu thế và thách thức của thời đại mới, việc phát triển Cố đô Hoa Lư trong “Tầm nhìn Đô thị di sản thiên niên kỷ” đòi hỏi sự kết hợp hài hòa giữa bảo tồn và phát huy giá trị di sản với quy hoạch đô thị bền vững, hài hòa với thiên nhiên. Việc giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa - lịch sử nơi đây không chỉ là trách nhiệm với quá khứ hào hùng mà còn là cam kết cho một tương lai phát triển bền vững để Cố đô Hoa Lư tiếp tục là nơi kết tinh hồn thiêng sông núi; là nơi hội tụ, lưu truyền giá trị truyền thống và hiện đại của dân tộc. Tầm nhìn Đô thị di sản thiên niên kỷ không chỉ giúp Cố đô Hoa Lư khẳng định vị thế đặc biệt quan trọng trong tiến trình phát triển lịch sử dân tộc Việt mà còn vươn mình trở thành điểm đến văn hóa - du lịch đặc sắc trong hành trình hội nhập và phát triển.

Chú thích:

(1) Tỉnh ủy Ninh Bình (2025), Nghị quyết số 21-NQ/TU của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Ninh Bình về xây dựng tỉnh Ninh Bình là thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo.

(2) Thủ tướng Chính phủ (2023), Quyết định số 56/QĐ-Ttg ngày 07/02/2023 Phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

(3) Thủ tướng Chính phủ (2024), Quyết định số 218/QĐ-TTg ngày 04/3/2024

Phê duyệt quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

(4) Thủ tướng Chính phủ (2025), Quyết định số 668/QĐ-Ttg ngày 26/03/2025 Phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch chung đô thị Ninh Bình đến năm 2040.

(5)https://ninhbinh.gov.vn/tin-noi-bat/phat-trien-thanh-pho-hoa-lu-tro-thanh-hinh-mau-cua-do-thi-di-san-thien-nien-ky-348788

(6)https://nhandan.vn/ninh-binh-xay-dung-trang-an-la-trung-tam-do-thi-di-san-thien-nien-ky-post806704.html

Hồng Tâm

Danh sách liên quan