Giới thiệu linh vật Nghê của đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng (Khu di tích lịch sử - văn hóa Cố đô Hoa Lư) tại Triển lãm tư liệu linh vật Nghê Việt

17/08/2018

Tham dự buổi khai mạc có Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đặng Thị Bích Liên; ông Dương Văn Quynh, Phó Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, Trưởng Ban Tổ chức triển lãm; bà Trần Thị Thu Đông, Phó Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, Phó Trưởng Ban Tổ chức triển lãm cùng 50 chủ cơ sở, kinh doanh đá mỹ nghệ địa bàn thành phố Đà Nẵng và một số tỉnh khác.

Thứ trưởng Đặng Thi Bích Liên dự và cắt băng khai mạc triển lãm tư liệu linh vật Nghê Việt tại Đà Nẵng chiều 15.8

 

Tại cuộc triển lãm, bên cạnh các nội dung về Nguồn gốc, Đặc điểm tạo hình, Phân loại linh vật Nghê Việt… còn giới thiệu đến công chúng một số sản phẩm phiên bản tượng linh vật Nghê của di tích cấp Quốc gia đặc biệt, đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng (xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình). Phiên bản linh vật Nghê được công ty TNHH Vạn Bảo Ngọc tỉnh Ninh Bình làm với kích thước nhỏ hơn bản gốc 15cm và một số phiên bản nhỏ khác.

Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên thăm quan sản phẩm linh vật Nghê của Công ty TNHH Vạn Bảo Ngọc trưng bày tại triển lãm

 

Trong thời gian qua, linh vật này dường như đã bị lãng quên, bên cạnh đó những linh vật mang biểu tượng văn hóa nước ngoài như sư tử đá lại được sao chép, nhân rộng, bày đặt khắp nơi từ công sở đến di tích, từ tư gia đến nơi công cộng. Về việc này, ngày 08/08/2014, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Công văn số 2662/BVHTTDL-MTNATL về việc không sử dụng sản phẩm, biểu tượng, linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam. Mới đây, ngày 03 tháng 4 năm 2018, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục ban hành Công văn số 1313/BVHTTDL-MTNATL về việc tượng, biểu tượng đặt tại cơ quan, đơn vị, khu du lịch, địa điểm công cộng có nội dung và hình thức không phù hợp với văn hóa Việt Nam. Cùng với việc thực hiện Luật Di sản văn hóa, Nghị định số 113/NĐ-CP của Chính phủ về hoạt động mỹ thuật, sau 4 năm, về phía tỉnh Ninh Bình đã tăng cường công tác tuyên truyền, thực hiện rất hiệu quả. Cụ thể, tỉnh Ninh Bình đã dẹp bỏ 10 tượng sư tử đá ngoại lai ra khỏi các khu di tích lịch sử, đặc biệt là các địa điểm thu hút nhiều khách du lịch nhất như: Cố đô Hoa Lư, đền Thánh Nguyễn, chùa Nhất Trụ.

Hiện nay, đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng đang lưu giữ, bảo quản hai đôi Nghê, bài trí phía trước Nghi môn ngoại và sân Rồng với chức năng là linh vật kiểm soát, phân biệt thiện-ác, chính-tà. Nghê được tạc bằng chất liệu đá, thân Nghê thon, điểm xuyết trên thân là những đao mác, hai chân trước đứng, hai chân sau quỳ, tạo cho Nghê như trong tư thế sẵn sàng lao về phía trước vừa sống động, vừa linh thiêng. Nhìn vào độ phong hóa của đá và đặc biệt là phong cách nghệ thuật chạm khắc thì đôi Nghê này có niên đại thời Hậu Lê, thế kỷ XVII.

Nghê đá tại đền thờ Vua Đinh Tiên Hoàng, TK XVII

 

Theo nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế, Nghê đá ở đền thờ vua Đinh là tiêu biểu, chuẩn mực nhất cho tượng Nghê đá ở Việt Nam bởi Nghê Trung Quốc có dạng sư tử, còn Nghê ở Việt Nam mang dáng dấp của loài chó với những đặc điểm như: đầu nhỏ, bụng thon, mình dài, đuôi nhỏ và không có bờm sau gáy.

Với những đặc trưng của linh vật thuần Việt, mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam, Nghê tại đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng đã được Cục Mỹ thuật Nhiếp ảnh và Triển lãm đưa vào giới thiệu các mẫu linh vật canh cửa thuần Việt để công chúng nhận biết.

Trung tâm bảo tồn di tích Lịch sử - Văn hóa Cố đô Hoa Lư