KHAI QUẬT TẠI DI TÍCH QUỐC GIA ĐẶC BIỆT CỐ ĐÔ HOA LƯ

03/01/2023

KHAI QUẬT TẠI DI TÍCH QUỐC GIA ĐẶC BIỆT CỐ ĐÔ HOA LƯ

Chiều ngày 27/12/2022, Sở văn hóa, Thể thao Ninh Bình đã tổ chức Hội nghị  Báo cáo sơ bộ  Kết quả khai quật khảo cổ các địa điểm cánh đồng Nội Trong, cánh đồng Hang Trâu và vườn chùa Nhất Trụ, thuộc khu di tích quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư, xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh ninh Bình.

Sau 02 tháng tiến hành khai quật, các nhà khảo cổ đã phát hiện được một khối lượng lớn di vật, với những thông tin khoa học rất quan trọng, từ đó từng bước làm rõ quy mô, không gian phân bố, mặt bằng kiến trúc, kỹ thuật xây dựng...của các công trình kiến trúc ở Kinh đô Hoa Lư. Nghiên cứu các nhóm vật liệu kiến trúc nhằm làm rõ quá trình hình thành, phát triển và kỹ thuật xây dựng của công trình kiến trúc. Nghiên cứu các nhóm đồ gốm, đồ sành nhằm làm rõ quá trình sinh hoạt thường nhật trong đời sống cung đình thời Đinh - Tiền Lê (TKX).

Tại cánh đồng Nội Trong, đoàn công tác mở 4 hố khai quật, với tổng diện tích 300m2, đã phát hiện nền kiến trúc bằng gạch, hệ thống cọc gỗ, gia cố nền kiến trúc và nền đất đắp...thuộc giai đoạn thời Đinh - Tiền Lê .

Tại cánh đồng Hang Trâu, đoàn khai quật cũng đã mở 4 hố khai quật, với tổng diện tích 300m2, xuất lộ hai dạng phế tích. Thứ nhất là nền đất sét mịn màu đỏ loang vàng dày 0,6m - 0,8m được đầm chặt, đôi chỗ có hiện tượng các loại gạch ngói có niên đại trước  thời Đinh - Tiền Lê được đổ xuống tạo nên lớp nền gia cố vững chắc. Thứ hai là những gốc cây cổ thụ nằm bên dưới lớp đất sét đắp thời tiền Lê và trên bề mặt sinh thổ là lớp bùn đen thuần mịn. Bước đầu đoàn công tác xác định khu vực này có chức năng chính là một khu vườn.

Tại vườn chùa Nhất trụ mở 2 hố khai quật với tổng diện tích 300m2  đã phát hiện lớp đất sét đắp nền thời Tiền Lê, hệ thống gia cố móng chân cột của 2 kiến trúc khác nhau nằm trong lớp đất sét đắp

Di vật phát hiện tại các hố khai quật là vật liệu xây dựng: gạch, ngói chủ yếu thuộc 2 giai đoạn trước và sau thế kỷ X; một số đồ gia dụng chủ yếu là đồ gốm men thời Tống thế kỷ IX- XI và đồ sành mang đặc trưng thế kỷ X được sản xuất tại chỗ. Ngoài ra cũng phát hiện được một số hiện vật khảo cổ có niên đại thời Trần và Lê Sơ chủ yếu nằm ở bề mặt nền sân ở chùa Nhất Trụ.

Sau khi nghe báo cáo sơ bộ kết quả khai quật khảo cổ, các đại biểu tham dự đề nghị cần tiếp tục mở rộng khai quật, nghiên cứu khu vực không gian phân bố quanh chùa Nhất Trụ. Công tác khảo cổ vừa qua cho thấy nơi đây đã từng có những công trình  kiến trúc quy mô lớn, liên hoàn. Trong tương lai cần có những định hướng đầu tư nghiên cứu khảo cổ góp phần làm dày thêm tư liệu phục vụ tu bổ, tôn tạo giúp cho ngôi chùa xứng tầm như nó vốn có ở thế kỷ X.

Cần tăng cường công tác bảo vệ hiện trạng di tích, trong đó đẩy mạnh công tác giữ nguyên hiện trạng khu vực, dừng tất cả các hoạt động xây dựng công trình, chôn cất mồ mả, đào múc ao hồ ở Nội Trong và Hang Trâu.

Đẩy mạnh nghiên cứu làm rõ những giá trị lịch sử, văn hóa, khảo cổ ở Khu di tích Cố đô Hoa Lư, hướng tới xây dựng Công viên di sản Khảo cổ - Lịch sử - Văn hóa tại khu di tích.

Việc nghiên cứu khảo cổ học tại Ninh Bình là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm thực hiện thành công Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử, văn hóa, truyền thống tốt đẹp của con người vùng đất Cố đô Hoa Lư” được UBND tỉnh ban hành theo Quyết định số 1007/QĐ-UBND ngày 14/9/2021; hướng đến bảo tồn, phát huy giá trị di sản, làm phong phú thêm các sản phẩm văn hóa du lịch trên địa bàn tỉnh, góp phần phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh theo hướng bền vững.

Kim Cúc