Nhà bia tưởng niệm vua Lý Thái Tổ

30/08/2018

         Vua tên húy là Lý Công Uẩn, sinh năm Giáp Tuất (974), người châu Cổ Pháp (nay là huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh).

         Lúc nhỏ, vua rất thông minh, tuấn tú khác thường. Vua đi học ở chùa Lục Tổ (Tiên Sơn, Bắc Ninh) được nhà sư Vạn Hạnh khen là người thông minh, sau này lớn lên ắt có thể giải nguy gỡ rối, làm bậc minh chủ trong thiên hạ. Trưởng thành, vua là người có chí khí. Lê Long Đĩnh lên ngôi, đã thăng ông đến chức Tả thân vệ điện tiền chỉ huy sứ. Vua Lê Long Đĩnh băng hà, Lý Công Uẩn được triều thần tôn lên ngôi Hoàng đế vào năm Kỷ Dậu (1009).

         Thế kỷ X, trong hoàn cảnh nền thống nhất quốc gia mới được thiết lập, vua Đinh Tiên Hoàng và vua Lê Đại Hành định đô ở vùng núi hiểm trở Hoa Lư là để phòng thủ. Sau khi lên ngôi, Lý Thái Tổ nhận thấy đóng đô ở kinh thành Hoa Lư với tính chất một quân thành phòng thủ chỉ phù hợp với tình hình của đất nước trong nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhưng sang đến thời Lý thì yêu cầu giữ nước không phải là yêu cầu độc tôn, mà vấn đề đặt ra là phải đặt nền tảng vững chắc và toàn diện cho sự hưng thịnh của quốc gia phong kiến độc lập, với yêu cầu phát triển về mọị mặt. Do đó, không thể tiếp tục đóng đô ở vùng núi non hiểm trở, Lý Thái Tổ đã có một quyết định đặc biệt quan trọng mang tính lịch sử đó là dời đô từ Hoa Lư ra thành Đại La. Vua ban tác phẩm “Chiếu dời đô”. Vua khẳng định “.... thành Đại La, ở giữa khu vực trời đất, có thế Rồng cuốn Hổ ngồi, ở giữa Nam Bắc Đông Tây, tiện hình thế núi sông sau trước, đất rộng mà bằng phẳng, chỗ cao mà sáng sủa, dân cư không khổ về ngập lụt, muôn vật rất thịnh mà phồn vinh, xem khắp nước Việt chỗ ấy là nơi hơn cả. Thực là chỗ hội họp của bốn phương, là nơi thượng đô của kinh sư muôn đời...”. Chép về việc này, sách Đại Việt sử ký toàn thư cũng cho biết “Mùa thu tháng 7, vua dời đô từ thành Hoa Lư sang kinh đô lớn ở Đại La của kinh phủ”.

Nhà bia tưởng niệm Vua Lý Thái Tổ 

         Năm 1997, trong khi thi công san lấp khu vực sân lễ hội đã tìm thấy rất nhiều gạch đất nung, trang trí họa tiết Hoa sen, Chim phượng; gạch “Đại Việt quốc quân thành chuyên”, “Giang Tây quân”. Những viên gạch này được xác định có cùng niên đại với gạch phát hiện trong đợt khai quật tại khu vực phía nam đền thờ vua Lê. Các nhà nghiên cứu cho rằng Bến Đền ở phía trước đền vua Đinh và đền vua Lê là bến sông mà vua Lý Thái Tổ xuất phát dời đô từ  Hoa Lư ra thành Đại La.

          Để ghi lại dấu ấn lịch sử trọng đại, một hành trình lịch sử của đất nước từ khôi phục độc lập tự chủ đến thời kỳ phục hưng và phát triển mạnh mẽ. Năm 2000, nhân dịp kỷ niệm 990 năm Hoa Lư - Thăng Long - Hà Nội, đảng bộ và nhân dân tỉnh Ninh Bình đã dựng nhà bia tưởng niệm vua Lý Thái Tổ.

         Văn bia do Giáo sư, anh hùng lao động Vũ Khiêu soạn, đây là một áng văn hay theo thể biền ngẫu. Văn bia gồm 4 khổ.

       Nội dung khổ 1: Thái tổ ta xưa - Viết về thân thế, sự nghiệp của vua Lý Thái Tổ.

       Nội dung khổ 2: Sự nghiệp Hoa Lư thuở ấy - Ca ngợi sự nghiệp dựng nước, giữ nước của triều Đinh - Tiền Lê và công cuộc thiên đô của vua Lý Thái Tổ.

       Nội dung khổ 3 và khổ 4: Truyền thống Hoa Lư bất diệt - Đất nước hôm nay -  Kế thừa và phát huy truyền thống Hoa Lư bất diệt, hơn 10 thế kỷ qua, các thế hệ con cháu của vùng đất địa linh nhân kiệt Hoa Lư - Ninh Bình đã đoàn kết, dũng cảm, kiên trung cùng với quân dân cả nước lập nên những chiến công hiển hách, làm rạng danh cho quê hương đất nước, làm cho truyền thống Hoa Lư mãi trường tồn cùng lịch sử dân tộc.