Giới thiệu chung

30/08/2018

     Di tích lịch sử - văn hóa Cố đô Hoa Lư là một quần thể di tích quốc gia đặc biệt. Lần đầu tiên trong lịch sử, Hoa Lư đã trở thành kinh đô của Nhà nước Phong kiến Trung ương tập quyền của Việt Nam. Nơi phát tích sự nghiệp 3 triều đại: Đinh - Tiền Lê và khởi đầu triều Lý.

     Năm 968, sau khi thống nhất đất nước, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế, đặt Quốc hiệu Đại Cồ Việt, đóng đô ở Hoa Lư “ đắp thành đào hào, làm cung điện, đặt triều nghi”.

     Năm 980, vua Lê Đại Hành  lên ngôi kế tục sự nghiệp triều Đinh, ông đã cho xây dựng rất nhiều cung điện nguy nga, tráng lệ.

     

Cố đô Hoa Lư nhìn từ trên cao

     Trong điều kiện lịch sử của thế kỷ X, đất nước mới giành được độc lập tự chủ, chính quyền Phong kiến Trung ương tập quyền còn non  trẻ. Vì vậy, Vua Đinh Tiên Hoàng và Vua Lê Đại Hành đã chọn vùng đất Hoa Lư hiểm trở để định đô, cũng là để xây dựng một quân thành kiên cố, “bất khả xâm phạm”  đối phó với thù trong giặc ngoài.

     Năm 1010, để đặt nền tảng vững chắc và toàn diện cho sự hưng thịnh của quốc gia phong kiến độc lập, vua Lý Thái Tổ đã dời đô ra thành Đại La, sau đổi là Thăng Long (Hà Nội ngày nay). Hoa Lư trở thành cố đô.

     Trải qua thăng trầm của lịch sử, các cung điện không còn nữa. Tương truyền, sau khi vua Lý Thái Tổ dời đô, để tưởng nhớ công lao của các vị anh hùng dân tộc có công dựng nước và giữ nước, triều Lý đã cho xây dựng một ngôi đền quay hướng Bắc.

Cổng chính khu di tích Lịch sử - Văn hóa Cố đô Hoa Lư

     Tuy nhiên, ngôi đền triều Lý xây dựng không còn nữa. Các triều đại kế tiếp vẫn luôn hướng về Hoa Lư, cho tu bổ thêm nhiều công trình văn hóa - lịch sử, để hôm nay du khách về thăm quan, chiêm bái Cố đô Hoa Lư có dịp tìm hiểu sâu sắc hơn về vùng đất - một thời đã là đế đô danh tiếng, hiện còn để lại nhiều dấu tích huy hoàng.

     Hiện nay, Cố đô Hoa Lư có hơn 30 di tích liên quan đến hai triều Đinh - Tiền Lê, đa dạng về loại hình thờ tự, gồm: lăng tẩm, đền, miếu, phủ, chùa. Một số di tích nổi tiếng như: chùa Nhất Trụ, Đền thờ Thục tiết công chúa,  Phủ Kình Thiên, Xuyên Thủy động…Nhưng trong các di tích này tiêu biểu nhất, đặc sắc nhất phải kể đến là đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng và đền thờ vua Lê Đại Hành. Hai công trình này được xây dựng và trùng tu kế tiếp nhau qua nhiều triều đại, nhưng hiện nay vẫn mang đậm nét phong cách kiến trúc thời Hậu Lê (Thế kỷ XVII).