GIÁ TRỊ VĂN BIA TRÊN VÁCH ĐỘNG CÔ PHONG SƠN

15/08/2023

GIÁ TRỊ VĂN BIA TRÊN VÁCH ĐỘNG CÔ PHONG SƠN

Thong thả bước chân theo từng bậc đá, lên chừng 30 bậc du khách sẽ choáng ngợp trước cảnh núi non kỳ thú hiện ra trước mắt: Đây là động Cô Phong sơn, nằm ở phía đông nam sườn núi Cô Phong (còn gọi là núi Liên Hoa), thôn Phong Phú, xã Ninh Giang, huyện Hoa Lư. Ở đây non thanh khí tú, bên tả có ngòi nước như rồng uốn quanh, bên hữu có núi Voi chầu lại, ấm về mùa đông, mát mẻ vào ngày hè.

Động có 8 bia đá, trong đó có 03 bia ma nhai, cùng với những bức chạm đồ hình “Thập lục Cực quả”, những kích thước to nhỏ, hình dạng, ở góc độ khác nhau, đã tạo nên một không gian đá vừa thực vừa ảo giữa chốn bồng lai tiên cảnh ấy. Qua nội dung văn bia, cho chúng ta hiểu thêm về tên núi, tên di tích qua từng thời kỳ lịch sử.

Văn bia số 1: tạc thời Kiến Gia (1211-1224), dòng lạc khoản cho biết: Trên cơ sở hang động có sẵn, dưới chân núi Cô phong, đất Hoa Lư, sau đó được An Quốc Đại vương (thời Đinh) khai sáng thành chùa động, lấy tên là Khúc Mộ. Đến nay có vị thiền sư người Nam tông sang Đại Việt tu hành và cho khắc đồ hình “Thập lục Cực quả” lên vách hang.

Văn bia số 2: Khúc Mộ tự bi ký ghi: Đinh Hợi (1527) - Thống Nguyên năm thứ 6; Minh Đức thứ nhất (Mạc Thái tổ 1527-1529):  Do phủ Tràng An bị phân tách hành chính vào thời vua Hồng Đức, nên thôn Phong Sơn phải lệ vào xã Phú Gia, gồm 1 xã 2 thôn. Quan dân xã kề bên là xã La Cầu nay xin được sắc chỉ cho chùa Khúc Mộ thuộc thôn Phong Sơn được hưởng Tạo lệ, với mưu đồ bá chiếm việc thờ tự và hưởng tư lợi từ chính sách Tạo lệ.

Văn bia số 3: Văn minh trên vách hang động, tạc vào năm Mậu Tuất 1598 -(Lê Quang Hưng năm thứ 21; Mạc Càn Thống năm thứ 6) cho biết: Người huyện Thanh Oai đạo Sơn Nam là Mỹ Quận Công Bùi Văn Khuê cưỡi ngựa lên núi ngắm cảnh chùa Bảo Phúc Nham, đất Hoa Lư Phủ Trường Yên, nhân đó cùng với phu nhân và thiện tín phát tâm bỏ tiền tạc tượng và trùng tu Tiền đường cho chùa.

Văn bia số 4: Nhâm Ngọ (1642) - Dương Hòa năm thứ 8: Thôn Phong Sơn, xã Đa Giá có chùa Khúc Mộ thuộc huyện Gia Viễn, phủ Trường Yên bị phân tách hành chính vào thời Hồng Đức, nên thôn Phong Sơn lệ vào xã Phú Gia gồm 1 xã 2 thôn. Đến thời Mạc chùa bị xã bên là xã La Cầu có mưu đồ bá chiếm và đổi tên thành chùa Bảo Phúc. Đến nay trải qua tranh tụng hơn 40 năm khiến chùa dần dà trở nên hoang phế.

Văn bia số 5: Ất Hợi (1695) - Chính Hòa 16 : Thôn Phong Sơn, xã Đa Giá có chùa Khúc Mộ thuộc huyện Gia Viễn, phủ Trường Yên bị phân tách hành chính vào thời Hồng Đức, khiến thôn Phong Sơn lệ vào xã Phú Gia gồm 1 xã 2 thôn. Đến thời Mạc chùa bị xã bên là xã La Cầu xin được sắc chỉ cho chùa được hưởng tạo lệ và cả 2 xã cùng chung phụng thờ, xã La Cầu có mưu đồ bá chiếm nên đổi tên thành chùa Bảo Phúc. Trải qua tranh tụng hơn 40 năm khiến chùa dần dà trở nên hoang phế. Đến tháng 7 năm nay hương trưởng thôn Phong Sơn xã Đa Giá đem giấy tờ địa bạ cũ kêu lên nha huyện, được tri huyện Nguyễn Bỉnh Quân xét sử công bằng và trả chùa về cho xã  Phong Sơn.

Văn bia số 6: Mậu Tý (1708)  Vĩnh Thịnh năm thứ 4: Tháng 4 ngày 1. Bản hội của các ông Lưu Quang Đại bỏ tiền sửa Tiền đường và tô thếp tượng cho chùa Khúc Mộ, núi Cô Phong, huyện Gia Viễn, phủ Trường Yên.

Văn bia số 7: Gia Long năm thứ 16 (1817): Thôn Phong Sơn, xã Phú Gia, huyện Gia Viễn, phủ Trường Yên...chùa vốn hiển linh, nhiều người tới cầu đảo, xe ngựa đến tắc cả đường đi, bậc quan cũng như dân đều coi là nơi danh lam thắng cảnh...Sau lại có quan huyện là người xã Điềm Giang, hương trưởng của thôn là Trần Trọng Ngân xin được tu sửa lại tiền đường, cảnh chùa lại huy hoàng như xưa: Minh rằng: Vốn từ Đa Giá, tên chùa Cô Phong, đất tạo người tài, Cảnh núi hòa đồng.

Văn bia số 8: Khải Định năm Canh thân (1920): Thôn Phong Sơn, xã Phú Gia, tổng Đa Giá, huyện Gia Khánh. Núi Cô Phong, núi có động, trong động có chùa tên là khúc Mộ....Minh rằng: Phong sơn diễm lệ, đỉnh núi vút cao, Trước đời Lý đã xây chùa, Chùa quay hướng nam, Dòng nước bao quanh, Nước trước làm án, núi động thanh u, Danh lam tự cổ.

Theo nội dung văn bia lưu tại chùa, ta nhận thấy rằng: Thời Đinh động trên núi Cô Phong được An Quốc Đại vương khai sáng thành chùa, với tên gọi là chùa Khúc Mộ. Đến đời vua thứ 2 thời nhà Trần có vị tu hành từ phái Nam Tông tới, và cho khắc đồ hình “Thập lục Cực quả” lên vách hang. Hình họa trên đá vẫn còn bảo lưu cho đến ngày nay. Đến thời  Hồng Đức (1470-1497) do phủ Tràng An bị phân tách hành chính, xã La Cầu xin được sắc chỉ cho chùa Khúc Mộ được hưởng Tạo lệ, chùa đổi tên thành Bảo Phúc Nham. Sau 40 năm tranh tụng, chùa xuống cấp,  năm 1695 chùa được trả về xã Phong Sơn, và gọi theo tên cũ Khúc Mộ tự .

Đặc biệt, trên vách núi còn lưu lại nhiều bức họa với quy mô lớn, có niên đại khoảng thời nhà Trần, được vẽ trực tiếp vào vách núi. Các bức bích họa thể hiện bút pháp cao siêu, thần thái siêu thoát. Qua hình khối, đường nét, hội họa thể hiện nội tâm của người nghệ nhân, hay chính là mượn hình thể để diễn đạt tâm linh, tạm lấy tướng thể hiện tính. Đó chính là lý do của sự hữu tồn và phát triển của Phật giáo đến ngày nay.

Do bia tạc trên vách núi đá tự nhiên nên đã chịu tác động lớn của thời tiết, sự phong hóa tự nhiên của đá, xâm thực của rêu mốc, cây cối dẫn đến nứt vỡ, mờ chữ, một số bức chạm đồ hình đã bị hư hại một phần. Nhằm góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn bia, quảng bá, giới thiệu về lịch sử, văn hóa địa phương. Cơ quan quản lý cần thực hiện các biện pháp biên dịch, số hóa, rập và lưu trữ văn bản các văn bia, đồ hình trong động Cô Phong. Tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá giá trị di sản tư liệu bia ma nhai một cách thường xuyên thông qua các hoạt động trưng bày, triển lãm và trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đồng thời, tuyển chọn đưa vào trường học những tác phẩm tiêu biểu trong hệ thống văn bia tỉnh Ninh Bình.

Những văn bia trên vách động Cô Phong đâu còn là tấm đá vô cảm vô hồn. Đó là báu vật tinh thần. Từ văn bia có văn chương, lịch sử, có chứng vật của thời đại, đã thành một trong hàng ngàn vạn bức thông điệp của người xưa muốn gửi tới mai sau. Chùa đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định là Di tích Lịch sử quốc gia  năm 1997.

Bức họa “Thập lục Cực quả” trên vách hang.

Mỹ Dung