ĐÌNH LÀNG YÊN THÀNH

15/08/2023

ĐÌNH LÀNG YÊN THÀNH

Hoa Lư một vùng non nước hữu tình, đến với Hoa Lư du khách được khám phá vùng đất bao la hùng vĩ của núi đá vôi, với những thắng cảnh tuyệt đẹp làm say đắm lòng người, không chỉ vậy không gian dường như đưa ta trở lại với đất nước Việt thời đầu lập quốc, qua việc khám phá kinh đô cũ với một chút hoài cổ và niềm tự hào vô bờ.

Kinh đô Hoa Lư theo sử sách ghi lại thuộc vùng đất Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình ngày nay. Kinh đô tồn tại dưới 3 vương triều (Đinh - Tiền Lê - Lý). Theo Đại Việt sử ký toàn thư nơi đây “làm nhiều cung điện, nhà cửa…”

Ngày nay du khách đến thăm Cố đô Hoa Lư, dấu tích cung điện xưa chỉ còn là phế tích; sau khi vua Lý Thái Tổ rời đô ra thành Đại La, Hoa Lư không còn giữ vai trò kinh đô của đất nước, dân cư  mới di chuyển vào  tụ cư. Trên nền cung điện cũ nhân dân thôn Yên Thành xây dựng đình Yên Thành thờ thành hoàng làng. Vị thần được thờ trong đình là hai người anh hùng dân tộc mở nền độc lập tự chủ đầu tiên của nước ta: Đinh Tiên Hoàng đế và Lê Đại Hành Hoàng đế!

Đinh Tiên Hoàng là vị vua sáng lập ra Nhà nước Phong kiến Trung ương tập quyền đầu tiên ở Việt Nam, đưa dân tộc ta vào một trang sử mới. Vua Lê Đại Hành kế nghiệp ngôi báu đầy hào hùng của dân tộc, với hào khí Chi Lăng - Bạch Đằng -Tây Kết chống Tống chói ngời sử sách. Là người chiến đấu bảo vệ nền độc lập tự chủ của đất nước. Đó là một dấu ấn tiêu biểu của lịch sử dân tộc. Dấu ấn đó có thể gọi là nền Văn hóa Hoa Lư!

Với tập quán: Chuông làng nào làng ấy đánh. Thánh làng nào làng ấy thờ, vào thời Nguyễn tổng Trường Yên có 5 xã: Trường Yên thượng, Trường Yên hạ, Yên Thành, Yên Trạch, Chi Phong. Bấy giờ nhân dân trong xã Yên Thành đã góp tiền, công sức xây đình thờ Thành hoàng làng ( rước chân hương hai vua từ đền vua Đinh, đền vua Lê về đình Yên Thành), và là nơi mở hội hàng năm của xã Yên Thành. Vì vậy, trên địa bàn tổng Trường Yên, dưới triều Nguyễn có nhiều đình thờ hai vua với lý do như trên.

Đình Yên Thành quay hướng chính Tây, nhìn ra núi Đại Vân, cách đền vua Lê khoảng 300m. Kiến trúc xây đình theo kiểu chữ nhị   () gồm: Bái đường và Hậu cung.

Hậu cung trên ban thờ đặt long ngai, bài vị thờ Vua Đinh và vua Lê. Là một công trình kiến trúc độc đáo trong nghệ thuật chạm khắc gỗ của nghệ nhân đồ mộc ở thế kỷ 19. Toàn bộ vì kèo kiến trúc theo kiểu giá chiêng, làm bằng gỗ tứ thiết. Chân cột gỗ khắc chữ Hán ghi tên những người tiến cúng.

Đối với giai đoạn kháng chiến chống Pháp - Mỹ của dân tộc ta, đình Yên Thành đã đóng góp rất nhiều công sức: Quân khu III chế tác vũ khí, là nơi  điều trị cho thương binh, Trụ sở  của UBND tỉnh Ninh Bình sơ tán, là nơi tiễn đưa thanh niên nhập ngũ vào Nam chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.

Hàng năm, đình Yên Thành tổ chức lễ hội vào ngày kỵ của vua Lê Đại Hành (ngày 08/3 âm lịch). Phần hội gắn với sự kiện lịch sử, tưởng nhớ người có công dựng nước, có công trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm nên các trò vui chơi ở lễ hội thường mang nhiều tính mạnh mẽ của tinh thần thượng võ như: Thi bắn nỏ, đấu vật, đấu võ, cờ lau tập trận.

Ngoài ra ngày 15/10 (âm lịch) dân làng có tế Miễu (tưởng nhớ ngày mất của vua Đinh Tiên Hoàng).

Đình làng và tục thờ Thành hoàng làng vốn là một tín ngưỡng lâu đời, riêng có và mang đặc trưng văn hóa của dân tộc Việt, rất quen thuộc trong sinh hoạt cộng đồng làng xã nước ta. Đó là nơi cúng tế theo lễ nghi của một tôn giáo, đồng thời còn là nơi hội họp của hương chức để bàn bạc các vấn đề cai quản làng xã và giải quyết các vấn đề nội bộ địa phương.

Trải hàng trăm năm, những biến cố, thăng trầm của thời gian, di tích đình Yên Thành đã xuống cấp, hư hỏng nặng. trong thời gian vừa qua, Sở Văn hóa Thể thao, đã tiến hành bảo tồn, tu bổ phục hồi, quảng bá di tích đình YênThành, không chỉ nhằm bảo tồn một di tích lịch sử có giá trị mà việc làm này còn mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, giáo dục truyền thống yêu nước, tinh thần đấu tranh giành độc lập dân tộc của cha ông cho các thế hệ mai sau.

Mai Uyên