ĐÔI NÉT VỀ BỐ PHÒNG KINH THÀNH HOA LƯ THẾ KỶ X

24/10/2023

ĐÔI NÉT VỀ BỐ PHÒNG KINH THÀNH HOA LƯ THẾ KỶ X

 

Vào nửa sau thế kỷ X, Đinh Bộ Lĩnh - một nhân vật lịch sử đã đáp ứng được  yêu cầu cấp thiết của đất nước là xây dựng nền móng đầu tiên cho quốc gia độc lập, tự chủ. Sau đó, nhà Đinh chọn Hoa Lư làm kinh thành của Nhà nước Đại Cồ Việt (968-1010). Vua Lý Thái Tổ dời đô, cung điện lâu đài không còn nữa. Hôm nay để nghiên cứu về kinh thành Hoa Lư, chúng ta tìm theo nhiều nguồn lịch sử khác nhau: di tích, phế tích, khai quật…..để phác họa lại đôi nét về bố phòng, bảo vệ kinh thành Hoa Lư.

Cương mục ghi: “Thành Hoa Lư ở Trường Yên là nơi đóng đô của họ Đinh. Họ Đinh nhân thế núi đắp thành ấy, chu vi 500 trượng. Vết tích thành cũ vẫn còn”.

Gia Viễn chí lược mô tả “Nhà Đinh  dựa núi đắp thành, trong là thành ngoài là quách, dựa vào sông để làm hào, có bốn cửa kiên cố chắc chắn…  Núi Ba Chon là vọng tiêu phía Bắc thành, núi Kình Phong là vọng đài nội thành, núi Cột Cờ là kỳ đài nước Đại Cồ Việt, núi Bái Đính là đại thế tàng phục phía Tây. Động Thiên Tôn là cửa khoá sắt phía Đông”.

Nhà Đinh đóng đô trong thung lũng đá vôi thuộc xã Trường Yên ngày nay. Sơn hệ đá vôi cùng với hệ thống sông ngòi bao quanh thực sự là thành trì thiên tạo vô cùng kiên cố của kinh thành Hoa Lư.

Kinh thành Hoa Lư dựa vào địa hình tự nhiên, không phải tốn nhân công đắp thành đào hào như thành Cổ Loa. Địa danh thành ngoại, thành nội là tên gọi địa danh thành từ phía ngoài vào phía trong theo lộ Tiến Yết (đường 12c ngày nay). Cách gọi này mang phong cách dân gian, gọi theo vị trí, đặc điểm.

Kinh thành Hoa Lư được bảo vệ từ xa bởi một loạt căn cứ điểm quân sự chắn giữ bốn mặt: Từ kinh thành Hoa Lư đi về phía Tây sẽ gặp một con đường chạy từ mạn phố Cát có tên gọi là đường Thượng đạo, đây là con đường Cái rộng chừng hai trượng là con đường vào Thanh Hoa của triều trước. Ngày nay cửa ngõ phía Tây còn lưu giữ nhiều di tích thờ vua Đinh, vua Lê và các tướng nhà Đinh. Thôn Đông Thịnh, xã Quỳnh Lưu (huyện Nho Quan) còn dấu vết thành Hẻo, tương truyền là nơi vua Đinh cho đắp khi xây dựng kinh thành Hoa Lư. Ngược lên phía Tây ở chợ Cầu, xã Văn Phong vẫn còn dấu vết và truyền thuyết kể về đấu đong quân của triều Đinh. Đền thờ vua Đinh ở xã Quỳnh Lưu có năm di tích, xã Phú Lộc có đền thờ hai tướng nhà Đinh đóng giữ đồn tại đây là Lê Du và Lê Chương. Như vậy phía Tây kinh thành có hai điểm phòng ngự, chắn giữ, bảo vệ kinh thành.

Phía Đông kinh thành Hoa Lư dãy núi hang Quàn, núi hang Son, thung Nứa, Am Tiên, núi Ghềnh Tháp và cuối cùng là núi Thung Mộc. Hệ thống núi này cao sừng sững, vách núi dựng đứng như bức tường không có khả năng vượt qua. Con đường bộ phía Đông theo văn bia cầu Lòn (sông Tranh) dựng năm Tự Đức 31(1880) được gọi là lộ Tiến Yết, Thiên Tôn động là cửa tiền trạm trấn giữ, nơi đây còn lưu trữ nhiều hiện vật khai quật thời nhà Đinh, dấu vết của đài Kính Thiên.

Ngay đầu lộ Tiến Yết vào kinh thành Hoa Lư, có các dãy núi Lương sơn, Côn Lĩnh, Dũng Đương…như những dãy thành thiên nhiên đầu tiên án ngữ. Câu đối ở đền Hà, dưới chân núi Côn Lĩnh xác nhận vị trí của nó: “Côn Lĩnh tiền đồn Đinh tiền thuỷ”. Vào kinh thành ngoài trạm tiền tế ở Thiên Tôn động còn phải qua hai trạm kiểm tra nữa ở Quán Vinh và Áng Ngụ (phủ Hành Khiển, xã Ninh Hòa, huyện Hoa Lư). Đây là con đường men theo chân núi về phía Nam có dãy núi Bình Hà, Tay Ngai, phía Bắc có dãy núi Con Cá, Quèn Ổi, núi Vọng, Con Tôm…tạo thành một lớp thành thiên nhiên thứ hai rất vững chắc.

Phía Nam của kinh thành, làng Thiện Trạo (phường Ninh Sơn, TP. Ninh Bình) khu vực gần  cầu Yên, nhà Đinh cho đặt dinh Thuỷ Sư, nơi đây còn tên gọi là Đồn Thuỷ. Dinh Thuỷ Sư đóng ở đây, tryền thuyết cho là một căn cứ thuỷ quân của nhà Đinh, kiểm soát toàn bộ lối vào từ biển , cửa Thần Phù và đường bộ từ đèo Ba Dội trở ra. Lùi về hướng biển, có một căn cứ bố phòng quân sự, gọi là thành Lê Thiên Phúc, tại xã Yên Thắng, huyện Yên Mô ngày nay.

Về phía bắc, Gián Khẩu tất phải có bố phòng quân sự, vì đây là vị trí xung yếu có đường bộ và đường thủy cùng giao thoa. Sông Hoàng Long và sông Đáy bao quanh thực sự là con hào tự nhiên cản bước kẻ thù từ phía Bắc và phía Đông Bắc kinh thành.

Hệ thống bố phòng gần: Trên các tuyến thành thiên tạo và nhân tạo phải có nhiều quân lính đóng chốt và tuần phòng. Các quèn núi, hang động và thủy môn dễ đột nhập vào cung điện sẽ có quân lính canh phòng nghiêm ngặt ngày đêm. Theo lời Tống Cảo thì  năm 990 kinh đô Hoa Lư có mấy ngàn gian nhà tranh dùng làm trại lính.  Theo Đại Việt sử ký tiền biên tr 186 cho biết: Sau khi Lê Ngọa triều mất, con còn nhỏ,  Lý Công Uẩn và Nguyễn Đê mỗi người đưa 500 quân tùy long vào cung bảo vệ. Ngoài ra Lê Đại Hành đánh trượng những quân tả hữu mỗi khi mắc lỗi, rồi đuổi ra làm hôn quân (lính canh cửa). Theo truyền ngôn và qua điền dã, nằm trong nội thành kinh đô Hoa Lư còn rất nhiều phủ thờ danh tướng nhà Đinh- nhà Lê, trong đó có một số vị quan coi giữ cửa thành như: Đền Bim (nằm giữa tường thành Bim và Bồ), Phủ Khống, phủ Đột, phủ hang Tối, phủ Áng Lấm, phủ Ngòi Gai, phủ Đầu tường, phủ Thủ thành, phủ Bến đò, Phủ làng Riêng, phủ Ngũ đạo Đại vương…

Điểm nổi bật của kinh thành Hoa Lư là mang nặng tính chất quân sự. Nó thực sự là một quân thành đáĐể bảo vệ cho kinh thành bốn mặt đều có cứ điểm phòng ngự từ xa đến gần.

Nguyễn Kim Cúc