CHUÔNG CHÙA NHẤT TRỤ

07/02/2024

CHUÔNG CHÙA NHẤT TRỤ

Chuông chùa là một trong những biểu tượng đặc trưng của văn hóa Phật giáo. Nó mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc và được sử dụng để xua đuổi tà ma và mang lại sự bình an cho tâm hồn của người đi lễ.

Nhất Trụ tự là ngôi chùa cổ từ thế kỷ X thuộc vùng bảo vệ đặc biệt của khu di tích Cố đô Hoa Lư, chùa còn lưu giữ cột kinh phật bằng đá do nhà Tiền Lê ( ) tạo dựng năm Thiên Phúc thứ 16 (995), cùng với một quả chuông đúc năm Minh Mệnh thứ 3 (1822). Bài viết này xin giới thiệu về quả chuông cổ treo ở chùa với những nét riêng biệt hiếm thấy.

Chuông có màu đồng xám, cao 112cm, miệng loe, đường kính miệng 58cm. Quai chuông là kiểu cấu trúc rồng đôi đấu lưng vào nhau, tạo hình cánh cung. Trên đỉnh quai là đuôi rồng cuộn xoáy. Rồng có hai chân, đầu ngẩng lên, miệng há rộng lộ hàm răng đều đặn, lưỡi uốn cong nâng viên ngọc sát hàm trên, râu uốn hình sóng nước, hàng vây trên lưng rồng nhô cao, thân mập, trang trí vẩy cá chép. Xung quanh thân chuông đúc các đường chỉ (gờ) nổi to bản chia thân chuông thành 8 ô, 4 ô trên hình thang đứng và 4 ô dưới hình chữ nhật ngang. Mỗi ô hình thang của thân trên đúc nổi hoa văn gập thước thợ ở 4 góc. Chính giữa 4 ô đúc nổi 4 chữ Hán 雲瑞鍾寺” (Vân - Thụy - Chung -Tự)  nằm trong hoa văn hình lá đề đúc nổi

Theo trình tự 04 ô hình thang đứng, có khắc văn, bài minh  chữ Hán như sau:

Ô 01 (dưới chữ Thụy ) có  11 dòng với 230 chữ Hán

Ô 02 (dưới chữ Vân) có 09 dòng với 231 chữ Hán

Ô 03 (dưới chữ Chung) có  09 dòng với 220 chữ Hán

Ô 04 (dưới chữ Tự) có 10 dòng với 275 chữ Hán

Khoảng giữa 04 ô trên và dưới đúc nổi 04 núm gõ tròn (thể hiện 04 mùa trong năm); xung quanh mỗi núm đúc nổi hình bông hoa sen, 23 cánh đều nhau, đều là kiểu cánh Sen lật úp.

04 ô thân dưới đúc nổi đề tài tứ linh: Long- Ly- Qui- Phượng.  

Minh văn khắc trên thân chuông tạm dịch như sau:

Chùa Vân Thuỵ, thôn Khánh Vân, xã Hà Liễu, huyện Thanh Trì, phủ Thường Tín có chuông là do ông họ Dương, hiệu Nhuỵ Khuê, giữ chức Tham chính châu Hoan đứng ra đúc ở triều trước.

Từ năm Bính Ngọ niên hiệu Cảnh Hưng (1786) chuông bị vỡ nát. Năm Kỷ Mùi, tức năm thứ 7 niên hiệu Cảnh Thịnh (1799), các bậc kỳ cựu trong ấp đều muốn đúc chuông. Thiện tín già trẻ mọi người cùng quyên góp từ thập phương tập trung của cải để đúc chuông. Cũng năm này, ngày mồng 10 tháng 2, bàn việc đúc chuông. Ngày 15 tháng 3 chuông được đúc xong, đường kính 1 thước 2 tấc 5 phân, giá trị hơn 100 quan tiền. Tức thì trong ngày, mở hội khánh thành!

Người xưa dẫn lời của Mạnh Tử nói: Đạo của dân là tình nguyện đóng góp tiền của. Lại nói: Nếu không có tấm lòng hằng sản, hằng tâm thì thật là tệ lắm! Mặc dù biết rằng có lòng tốt là rất không dễ, (vậy mà) nay tại thôn Khánh Vân vốn chẳng giàu có gì, người trong thôn từ lý dịch tới bậc cha anh, chủ yếu sống bằng nghề nông, ao đầm vườn ruộng, say sưa đèn sách học hành, thế mà vui vẻ chỉ trong thời gian ngắn, đã đóng góp cho quả phúc được viên thành, tỏ rõ tấm lòng thành, thấy việc thiện thì cùng gắng làm.

Sách viết rằng, người làm điều thiện sẽ gặp trăm điều lành, và nhà làm điều thiện thì lòng dạ luôn vui vẻ, luật nhân quả đã rõ.

Minh viết rằng:      Cứu vật, giúp dân

Lòng thành hết mực

Cùng vật giao tiếp

Khí tốt phát ra

Cao dài đức Phật.

Ngày 23 tháng 3 năm thứ 7 đời vua Cảnh Thịnh (1799).

Người soạn văn để khắc lên chuông là Phạm Lai, người Đường An.

Ngày 15 tháng 12 năm Nhâm Ngọ, Minh Mệnh 3 (1822).

Các bậc quan viên hương lão, các vị trưởng của xã thôn.

Chuông có đường kính 1 thước (33,33cm, người ta thường làm số tròn là 40cm), 5 tấc (khoảng 16cm); nặng 3 tạ 2 yến. Tổn phí để đúc chuông ước hơn 500 quan tiền. Quả phúc viên thành, mọi người thảy đều vui vẻ!

Hội chủ cùng các bậc quan viên, hương lão, các vị đứng đầu xã thôn.

Người hưng công là Đoàn Thị Xuyến, người trong thôn.

Người viết chữ để khắc lên chuông họ Phạm (khuyết tên) ở xã Đề Cốc, huyện Siêu Loại (1)

Theo nội dung minh văn trên chuông cho ta biết, nhân dân thôn Khánh Vân đóng góp đúc chuông vào năm 1799. Sau thời gian dài, chuông bị vỡ nát. Đến năm Minh Mệnh thứ 3 (1822), họ Dương giữ chức Tham chính châu Hoan đứng ra đúc lại chuông.

Trên chuông thể hiện rõ phong cách nghệ thuật tạo hình và kỹ thuật đúc đồng truyền thống thời Nguyễn. Chuông có bài minh văn là sử liệu văn bản quý đóng góp cho việc nghiên cứu lịch sử, và Phật giáo ở thời Nguyễn.

Vân - Thụy - Chuông - Tự

Kim Cúc