Chùa Nhất Trụ
CHÙA NHẤT TRỤ
Hoa Lư một vùng non nước hữu tình, đến với Hoa Lư du khách được khám phá vùng đất bao la, hùng vĩ của núi rừng, với những thắng cảnh tuyệt đẹp làm say đắm lòng người, không chỉ vậy không gian dường như đưa ta trở lại với đất nước Việt Nam thời đầu lập quốc, qua việc khám phá kinh đô cũ với một chút hoài cồ và niệm tự hào vô bờ. Hôm nay về thăm cố đô Hoa Lư du khách được chiêm bái rất nhiều danh lam thắng cảnh, đền chùa, phủ miếu thờ công thần, danh tướng của dân tộc. Một trong những điềm đến nổi tiếng nơi đây là chùa Nhất Trụ.
Nằm trong vùng bảo vệ đặc biệt của khu di tích Lịch sử Văn hoá Cố đô Hoa Lư thuộc Quần thể Danh thắng Tràng An, chùa Nhất Trụ là di tích có giá trị lịch sử và kiến trúc nghệ thuật đặc sắc của kinh đô Hoa Lư xưa.
Chùa còn lưu giữ được nhiều cổ vật gắn với lịch sử hình thành kinh đô Hoa Lư, nổi bật nhất là cột kinh bằng đá trước sân chùa, nó đang được Ban quản lý Quần thể Danh thắng Tràng An tỉnh Ninh Bình lập hồ sơ trình thủ tướng chính phủ công nhận là bảo vật Quốc gia. Đến chùa Nhất Trụ, không ai có thể bỏ qua cột kinh Phật độc đáo được làm bằng đá đầy bí ẩn này.
Chùa Nhất Trụ
KIẾN TRÚC
Kiểu dáng cột kinh Lăng Nghiêm chùa Nhất trụ hoàn toàn giống với cột kinh Đà La Ni do Đinh Khuông Liễn tạo dựng tìm được ven sông Hoàng Long. Cột gồm 6 bộ phận ghép thành, đứng trên mặt đất, đó là: Tảng vuông, đế tròn, thân và thớt hình bát giác, đấu tám cạnh và đỉnh hồ lô. Điểm khác nhau là cột kinh chùa Nhất Trụ có kích thước lớn hơn nhiều, mặt khác có một vòng cánh sen bao quanh đế cột, trong khi cột kinh Đinh Liễn không có hoa văn.
Cánh sen thon, gồm 22 cánh đơn, chiều dài mỗi cánh sen từ 15cm đến 17cm, chiều rộng từ 10, 5cm đến 13cm. tương tự cánh sen trên một số tảng đá làm bậc đi ở trong động Am Tiên. ̣(Tương truyền động Am Tiên là nơi vua Đinh nuôi nhốt Hổ, Báo để trừng trị những kẻ phản quốc hoặc có tội nặng).
Theo các nhà nghiên cứu về Phật giáo nói riêng và nghệ thuật kiến trúc nói chung thì những cánh sen xuất hiện sớm nhất ở Việt Nam trong kiến trúc nghệ thuật cùng các hình thức trang trí cánh sen trong kiến trúc Lý - Trần đều bắt nguồn từ cột kinh Lăng Nghiêm.
Về kích cỡ, tảng cột kinh có hình gần vuông, mỗi chiều 140cm, dày 30cm; ở giữa tảng có lỗ mộng tròn. Đế tròn trên to dước nhỏ. Bên dưới đế có ngõng tròn, ngõng này lắp vừa khít vào lỗ mộng tảng. Bên trên đế có lỗ mộng.
Thân cột kinh hình bát giác, số đo qua tâm hai mặt đối diện là 65cm ̣̣̣̣̣̣̣̣̣̣̣̣̣̣̣(phía trên) 62cm (phía dưới): như vậy cột có dáng trên to dưới nhỏ. Hai đầu cột đều có ngõng để cắm vào đế và thớt.
Thớt bát giác, số đo qua tâm hai mặt đối diện là 69cm; mặt trên phẳng, mặt dưới có lỗ mộng ngậm vào ngõng trên của thân.
Đấu có đường gờ miệng uốn lượn tạo nên ba đỉnh nhọn. Phía dưới được thu nhỏ hình tròn, có đường kính nhỏ hơn chiều rộng của thớt; bên trên đấu có lỗ mộng tròn để lắp chóp cho vững chắc.
Chóp có hình chiếc hồ lô thót bụng, cổ dài, miệng tù.
Cột kinh Lăng nghiêm chùa Nhất Trụ giống cột kinh do Đinh Khuông Liễn tạo dựng, gồm sáu bộ phận lắp ghép vào nhau bằng những lỗ mộng và ngõng tròn, không có chất kết dính nhưng rất vững vàng.
Tóm lại: Nói tới kiến trúc đá trong dòng chảy văn hóa Việt Nam phải kể đến bia đá mà cột kinh chùa Nhất Trụ là một minh chứng còn tồn tại từ thế kỷ X cho đến ngày nay.
Cột kinh chùa Nhất Trụ
VĂN TỰ
Trên thân cột khắc đầy chữ Hán, do ảnh hưởng của thời tiết, môi trường tác động mà hiện tại số lượng chữ có thể đọc được là rất hạn chế. Qua công tác dập văn bia lưu lại cho ta biết văn tự gồm ba phần: Kệ , kinh, lạc khoản. Các nhà sử học ước tính khoảng 2500 chữ, số chữ còn có thể nhận dạng được khoảng hơn nghìn chữ.
Phần lạc khoản và kệ có nội dung như sau: Người theo đạo Phật là Thăng bình Hoàng đế.....
Truyền bát nhã trước vượt sóng biển, đã mang về bản hương kinh, Đại thánh minh Hoàng đế, tổ họ Lê, tự mình nhận mệnh trời, cả định non sông đến nay là 16 năm trời.....
Cúi đầu toả hào quang ra từ đỉnh đầu của vị Phật lớn. Hàng vạn đức hạnh của Như Lai đều bền vững của vô tưởng.....
Không giữ việc trai giới mới là giữ trai giới. Không giữ điều giới mới là giữ giới. Tám vạn bốn ngàn vị kim cương......Khiến cho...chửa rủa không nể vì. Tại các tầng trời cũng đều nghe tiếng Đà La Ni. Thần thông biến hoá không thể lường hết được. Thong thả tụng niệm Đà La Ni Phật đỉnh..Phật nghe thấy…tiếng tụng niệm”.
Cận cảnh cột kinh Chùa Nhất Trụ
Giống như cột kinh Đinh Liễn tạo dựng đều nhắc đến kinh Đà La Ni, nhưng cột chùa Nhất Trụ còn nói đến Thủ lăng nghiêm, bài thần chú ở đây thuộc Lăng nghiêm chú, nội dung ca ngợi sự bền vững của đức hạnh Phật, sự to lớn, bao trùm của tài năng Phật Như Lai. Lợi ích của trì chú Lăng nghiêm là tiêu trừ các oan gia, nghiệp chướng, ái tình dục vọng nặng nề của tiền kiếp.
Tóm lại, việc tìm hiểu, nghiên cứu về kiến trúc, nội dung cột kinh chùa Nhất Trụ là việc làm rất bổ ích, góp phần làm sáng tỏ lịch sử Việt Nam thế kỷ X, các sự biến cũng như hệ tư tưởng của một giai đoạn quan trọng, đó là thời đại Đinh, Tiền Lê, Lý và kinh đô Hoa Lư
Nguyễn Thị Kim Cúc