Đền vua Đinh Tiên Hoàng

30/08/2018

          1. Kiến trúc, điêu khắc

          Đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng được tọa lạc trên vị trí đắc địa, phía trước có núi Mã Yên làm tiền án, phía sau có dãy núi Phi Vân làm hậu chẩm. Đền được xây dựng mô phỏng theo lối cung điện,  kết cấu kiểu “Nội công, ngoại quốc”.

          Mặt bằng tổng thể kiến trúc được bắt đầu bằng Ngọ môn quan, xây 2 tầng 8 mái, đây là phong cách kiến trúc truyền thống mà người xưa muốn thông qua nó để thể hiện cách lý giải mang tính triết học về vũ trụ quan và nhân sinh quan.

          Qua Ngọ môn quan đến hai lớp cửa có kiến trúc tương tự nhau là Nghi Môn Ngoại và Nghi Môn Nội. Nghi môn có kết cấu kiểu Ba hàng chân cột, được xây dựng vào thế kỷ XVII. Đề tài trang trí ở đây khá đa dạng, chủ đạo là  hình ảnh Rồng. Với kỹ thuật trạm bong, trạm lộng tinh xảo, Rồng ở đây được thể hiện dưới dạng Rồng ổ, Rồng đàn mang ước vọng của người xưa về tín ngưỡng cầu phồn thực. Bên cạnh đề tài về Rồng,  nghệ nhân còn chạm khắc các đề tài trang trí mang nguồn gốc dân gian như: hoạt cảnh người đấu thú, tiên cưỡi Rồng. Nhìn chung, các mảng chạm khắc này đi vào đề tài cuộc sống thường nhật, nhưng có giá trị điêu khắc khá cao, đầy chất biểu tượng. Nó có tác dụng làm cho kiến trúc sống động, gần gũi và có vẻ đẹp riêng.

Long sàng trước nghi môn ngoại - Đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng

          Một Bảo vật quốc gia độc đáo được bài trí ở Sân rồng là Long sàng. Long sàng được tạc bằng đá xanh nguyên khối. Qua các đề tài trang trí, đã cho ta thấy sự tài hoa của người nghệ nhân thế kỷ XVII. Mặt Long sàng được chạm khắc họa tiết Rồng khá lớn với thân mập, phủ vảy đơn, đao mác lá hỏa. Rồng ở đây ngoài biểu tượng cho quyền lực của vương quyền, nó còn là linh vật cầu mưa thuận gió hòa - ước vọng ngàn đời của cư dân nông nghiệp. Diềm Long Sàng trạm nổi những biểu tượng liên quan đến nguồn nước như : cá, tôm. Xung quanh Long sàng được chia thành các ô nhỏ, trang trí họa tiết hoa chanh, chim phượng. Đặc biệt, ở đây người nghệ nhân đã khắc họa khá rõ nét hình ảnh một chú trâu khỏe khoắn, có lẽ người xưa muốn thông qua điêu khắc để gửi gắm ý niệm về thuở ấu thơ của Đinh Bộ Lĩnh với điển tích tập trận cờ lau. Để tạo thế uy nghi, hai bên Long sàng nghệ nhân tạc đôi Rồng chầu kiểu yên ngựa. Sự kết hợp này đã tạo cho Long sàng thế tay ngai.

Long sàng (Bảo vật Quốc gia), thế kỉ XVII

          Đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng còn là nơi khám phá nghệ thuật điêu khắc đá của người nghệ nhân thế kỷ XIX.  Trên các ngưỡng cửa đá và chân tảng đá cổ bồng, bằng nghệ thuật trạm lộng, trạm nổi tinh xảo, nghệ nhân của triều Nguyễn đã thể hiện nhiều đề tài trang trí như: “Tứ linh” (Long, Ly, Quy. Phượng), “Tứ quý” (Tùng, Cúc,Trúc, Mai hoặc Mai, Lan, Cúc, Trúc), “Long hí Thủy”, “Long hàm Thọ”,  “Bát bửu”... Ở đây,  người nghệ nhân còn chạm những phong cảnh nổi tiếng của Hoa Lư như: cầu Đông, cầu Dền, chùa Tháp, đình Ngang...Những hình ảnh này đã gợi nhớ về các địa danh nổi tiếng của Kinh đô Hoa Lư.

Nghệ thuật chạm khắc gỗ, thế kỷ XVII

          Cũng với đề tài về Rồng, nhưng nội điện đền thờ vua Đinh là nơi phô diễn bộ vì Ván mê tạc Rồng đẹp nhất, nghệ thuật ở đây đã đạt đến trình độ thao diễn kỹ thuật cao. Rồng được trạm rất sinh động với các hoạt cảnh: Rồng săn mồi, Rồng ổ, Rồng đàn, qua nét trạm điêu luyện của người nghệ nhân đã cho ta thấy được đời sống đa dạng của loài Rồng.

          Có thể nói, đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng là công trình kiến trúc tưởng niệm vị anh hùng dân tộc tài ba, nhưng đồng thời nó cũng là sự kết tinh những giá trị đặc sắc trong nghệ thuật trạm khắc của người nghệ nhân qua các triều đại kế tiếp nhau.

          2. Thân thế và sự nghiệp của vua Đinh Tiên Hoàng

          Vua tên húy là Đinh Bộ Lĩnh, sinh năm Giáp Thân (924) ở Châu Đại Hoàng (nay là xã Gia Phương , huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình), là con trai Đinh Công Trứ - Thứ sử Hoan Châu (nay là Nghệ An). Sau khi cha mất, Đinh Bộ Lĩnh về quê sống với mẹ. Hàng ngày đi chăn trâu cho chú, ông thường cùng nhóm trẻ chăn  trâu bẻ hoa lau làm cờ, tập trận giả đánh nhau. Bộ Lĩnh luôn tỏ rõ là người có tài chỉ huy. Mỗi khi thắng trận, bọn trẻ tôn Bộ Lĩnh làm trưởng, khoanh tay làm kiệu rước như nghi vệ Thiên tử.

          Năm 944, Ngô Quyền băng hà, triều Ngô suy vong, các hùng trưởng nổi lên cát cứ mỗi người một phương, sử gọi là loạn 12 sứ quân.

          Lúc này, yêu cầu cấp thiết của lịch sử là sớm chấm dứt nạn cát cứ để thống nhất giang sơn. Người làm nên sứ mệnh đó là Đinh Bộ Lĩnh. Ông đã chiêu binh tụ nghĩa, lấy động Hoa Lư làm căn cứ ban đầu khởi nghiệp. Khi thế và lực của nghĩa quân Hoa Lư  lớn lên vượt bậc, Đinh Bộ Lĩnh quyết định vừa hưng binh đánh lớn vừa dụ hàng các sứ quân. Trận đầu, Bộ Lĩnh dùng mưu dụ hàng sứ quân Phạm Bạch Hổ. Thừa thế, ông kéo đến đánh tan sứ quân Đỗ Cảnh Thạc, ông lại hành binh thần tốc phá sứ quân Nguyễn Siêu, hạ thành Đường Lâm của sứ quân Ngô Nhật Khánh như trở bàn tay. Quân của Lữ Đường cũng bị phá tan nhanh chóng... Đinh Bộ Lĩnh đánh đâu thắng đấy, uy danh lẫy lừng.

          Năm 968, sau khi dẹp xong loạn, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế, ông đặt Quốc hiệu Đại Cồ Việt, đóng đô ở Hoa Lư. Năm 970, ông đặt Niên hiệu là Thái Bình. Với việc xưng Hoàng đế, đặt Quốc hiệu riêng, kinh đô riêng, Đinh Tiên Hoàng đã thể hiện ý chí và tinh thần tự tôn của dân tộc. Vì thế,  các sử gia đã khẳng định, Đinh Tiên Hoàng là người mở nền chính thống.

          Trong 12 năm trị vì đất nước, vua Đinh Tiên Hoàng đã có rất nhiều công lao. Để củng cố nền độc lập, tự chủ, ông đã xây dựng một bộ máy Nhà nước phong kiến Trung ương tập quyền thống nhất từ Trung ương tới địa phương. Bên cạnh đó. Ông cũng đã xây dựng lực lượng quân đội tinh nhuệ với 10 Đạo quân. Lực lượng quân đội mạnh đã đảm bảo cho đất nước được bình yên.

          Kinh tế hàng hóa được hình thành trong nước và có sự giao thương với nước ngoài. Vua Đinh Tiên Hoàng đã cho đúc tiền “Thái Bình hưng bảo” là đồng tiền đầu tiên của Việt Nam.

          Về Văn hóa - Nghệ thuật: vua Đinh Tiên Hoàng đã sử dụng ca hát  để phục vụ quân đội, khích lệ tinh thần chiến đấu cho binh sĩ.

          Dưới triều Đinh, tình hình kinh tế - văn hóa - xã hội nước ta đã đi vào ổn định và phát triển. Cuộc đời và sự nghiệp của vua Đinh Tiên Hoàng đã được khẳng định, ông là vị anh hùng dân tộc có công thống nhất đất nước. Sự nghiệp thống nhất đất nước là sự nghiệp to lớn, đáp ứng được yêu cầu lịch sử và nguyện vọng của nhân dân. Sự nghiệp vĩ đại ấy được nhà sử học Lê Văn Hưu nhận xét: “Tiên Hoàng tài năng sáng suốt hơn người, dũng lược nhất đời. Đương lúc nước Việt ta không chủ, các hùng trưởng cát cứ, đánh một cái là 12 sứ quân thần phục hết, rồi mở nước đóng đô, đổi xưng hoàng đế, đặt trăm quan, dựng sáu quân, chế độ gần đủ, chắc là ý trời vì nước Việt ta lại sinh ra bậc Thánh triết”.

          Tháng 10 năm Kỷ Mão (979), nhà vua băng hà, hưởng thọ 56 tuổi.

          

Tượng vua Đinh Tiên Hoàng

          Sau khi vua Đinh băng hà, triều thần đưa ấu chúa Đinh Toàn 6 tuổi lên nối ngôi. Nhưng  bấy giờ, đất nước ta lại đứng trước họa xâm lăng. Để bảo vệ giang sơn xã tắc, Thái Hậu Dương Vân Nga cùng ba quân tướng sĩ suy tôn Lê Hoàn lên ngôi Hoàng đế, lập nên triều Tiền Lê.