Đền vua Lê Đại Hành

30/08/2018

        1. Kiến trúc, điêu khắc.

        Đền thờ vua Lê Đại Hành được xây dựng thế kỷ XVII. Kiến trúc tương tự như đền thờ vua Đinh.

        Nghi môn được chạm khắc đặc tả về hình ảnh hai cô tiên đang cưỡi rồng. Trong tư thế giang tay múa rất uyển chuyển, trang phục và nghệ thuật của các tiên nữ gợi ta liên tưởng đến  điệu múa của vũ nữ Apsara.

        Hiên đền là sự phô diễn về kỹ thuật chạm khắc trên gỗ của người nghệ nhân thế kỷ XVII.  Hoa Sen, hoa Cúc và Rồng cách điệu đã chiếm vị trí chính trong trang trí trên các mảng Chồng rường. Ở đây, hoa Sen không những biểu trưng cho sự thanh cao, cho triết lý nhân quả mà khi kết hợp với chạm khắc Hổ, khóm Trúc, nó còn có ý nghĩa gắn liền với truyền thuyết sinh ra Lê Hoàn. Truyền thuyết đó đã được ghi lại trên bức hoành phi :

                   “Nhất mộng liên hoa sinh

                   Vạn cổ lưu hương Tràng Xuân điện

                   Bán dạ hoàng long ủng

                   Ức niên di ảnh Đại Vân lâu”

        Dịch nghĩa:  Nhân mơ thấy hoa Sen mà sinh ra (Lê Hoàn)

        Từ vạn cổ tiếng thơm còn lưu truyền mãi trên điện Trường Xuân

        Nửa đêm Rồng vàng ấp ủ

        Ngàn năm hình ảnh cũ còn lưu lại trên lầu Đại Vân.

        Cũng ở hiên đền, nghệ nhân đã thể hiện 6 chiếc Bẩy thành 6 con Rồng. Do khéo bố trí đầu Rồng quay lên sát với xà ngang nên 6 con Rồng như đang vươn lên, cùng với các mảng chạm ở xà ngang tạo thành các đề tài “ Long Hổ hội ngộ”, Rồng phun lửa, Rồng ngậm ngọc..... 4 Đầu dư cũng được chạm thành 4 đầu Rồng, bờm râu tua tủa làm cho Rồng như muốn vươn lên đám mây đao mác. Nghệ thuật chạm lộng ở đây đã đạt đến trình độ điêu luyện, tinh xảo.

        Ngoài hình ảnh  Rồng được tạc theo mô típ chung thì ở đây các mảng chạm khắc còn thể hiện loài cây, loài vật hóa Rồng đầy chất nghệ thuật như: “Trúc hóa Long”, “Cá hóa Long”. Cũng là đề tài “Cá hóa Long” nhưng cá Chép ở đây được địa phương hóa biến thành dạng cá Rô, để nhấn mạnh đặc sản nơi đây. Vùng đất Trường Yên là vùng chiêm trũng, lại là vùng núi có nhiều hang động nên có nhiều cá Rô to và béo. Ca dao xưa đã ca ngợi:

 “Đi thì nhớ Cậu cùng Cô

Khi về thì nhớ cá Rô tổng Trường”

        Trúc được thể hiện với đề tài “Trúc hóa Long”, “Trúc tước”. Thân Trúc được uốn theo dáng khúc khuỷu để tạo thành những hóa thân của Rồng. Những cây Trúc xương gà được chạm các đốt phồng to khá đẹp.

        Tòa Bái đường thờ Công đồng. Kiến trúc tiêu biểu là đôi xà ngà voi cách điệu từ gỗ, hai ngà voi thực chất là hai kẻ góc vừa đỡ mái, vừa che các đầu hoành , một kỹ thuật rất khó trong kiến trúc cổ truyền từng được đi vào ca dao :

         “Thứ nhất là cầu thượng gia

        Thứ nhì kẻ góc, thứ ba đao đình”

        Tòa Thiêu hương thờ các quan của triều Tiền Lê, nghệ thuật chạm khắc tinh xảo. Nghệ nhân thế kỷ XVII đã trang trí trên Vì ván mê đề tài về Rồng rất phong phú, đa dạng với các hoạt cảnh: Rồng ổ, Rồng đàn. Gợi cho ta liên tưởng đến tín ngưỡng cầu phồn thực của người xưa.

        Đền thờ vua Lê Đại Hành là di tích mà ở đó điêu khắc gỗ dân gian là điểm sáng trong kiến trúc truyền, nó tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật thời Hậu Lê  nói riêng và của nền kiến trúc cổ Việt Nam nói chung.

        2. Thân thế , sự nghiệp của Vua Lê Đại Hành

        Vua Lê Đại Hành tên húy là Lê Hoàn, sinh năm Tân Sửu (941), tại Châu Ái (nay là Xã Xuân Lập, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa). Thuở nhỏ, mồ côi cha mẹ, nhưng Lê Hoàn luôn tỏ rõ là người có chí khí.

        Tuổi trưởng thành, ông tham gia dẹp loạn, lập nhiều chiến công. Đất nước thống nhất, vua Đinh Tiên Hoàng đã phong Lê Hoàn giữ chức cao nhất trong quân đội, chức Thập đạo tướng quân.

        Năm 979, triều Đinh kết thúc, Lê Hoàn lên ngôi Hoàng đế, lập nên triều Tiền Lê vào năm 980. Niên hiệu Thiên Phúc.

        Sau khi đăng quang, vua Lê Đại Hành đã làm nên hai chiến công hiển hách: phá Tống giữ yên phương bắc, bình Chiêm dẹp giặc phương nam.

Tượng Vua Lê Đại Hành 

        Năm 980, quân Tống kéo sang xâm lược nước ta theo 2 đường thủy,  bộ, từ 3 mũi tiến công: Bạch Đằng, Chi Lăng và Tây Kết. Trước thế giặc rất mạnh, nhà vua làm tướng để chỉ huy trận then chốt ở Bạch Đằng, quân Tống vấp phải sự chống trả quyết liệt của quân ta. Lê Đại Hành đã thực hiện được chiến lược đánh nhanh, thắng nhanh, tiêu diệt gọn lực lượng thủy quân của giặc. Mặt khác,  khi quân Tống kéo đến Chi Lăng, nhà vua sai người trá hàng, dụ bắt được tướng giặc. Sứ nhà Tống cấp báo tình hình thua trận về triều, vua Tống xuống chiếu lui quân.

        Sau chiến thắng quân Tống ở phía Bắc, năm 982, Lê Đại Hành tiếp tục đem quân chinh phạt Chiêm Thành ở phía Nam. Đây là cuộc Nam phạt đầu tiên trong lịch sử của dân tộc ta.

        Cuộc kháng Tống bình Chiêm thắng lợi. Một lần nữa, nhân dân ta đã bằng sức chiến đấu của mình, khẳng định quyền làm chủ đất nước, bảo vệ vững chắc những thành quả đấu tranh và xây dựng của tổ tiên mình. Tên tuổi của Lê Đại Hành và quân tướng nhà Tiền Lê mãi khắc sâu vào lịch sử kháng chiến chống ngoại xâm bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta.

        Đất nước bình yên, vua Lê Đại Hành lại quan tâm đến việc củng cố nền thống nhất quốc gia. Năm 984, nhà vua cho đúc tiền “Thiên Phúc” để phục vụ cho việc trao đổi, mua bán.

        Vua Lê còn chú trọng mở mang đường giao thông, hệ thống sông ngòi vừa phục vụ cho giao thương, vừa phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Ông là vị vua đầu tiên trong lịch sử đi cày ruộng tịch điền để khuyến khích nghề nông phát triển. Sử chép: “Đinh Hợi, năm 987, mùa Xuân vua cày ruộng ở núi Đọi được một chĩnh vàng nhỏ, lại cày ở núi Bàn Hải được một chĩnh bạc, vì thế đặt tên là ruộng Kim Ngân”.

        Với những đóng góp trong công cuộc dựng nước, giữ nước, cuộc đời và sự nghiệp của vua Lê Đại Hành được khẳng định ông là vị anh hùng dân tộc, một danh tướng lẫy lừng. Người đã có công giữ vững nền tự chủ, mở đầu công cuộc Nam tiến, củng cố nội trị và  ngoại giao, đưa vị thế Đại Cồ Việt tiến lên một bước mới. Sự nghiệp đó được nhà sử học Ngô Sĩ Liên đánh giá:“Vua đánh đâu được đấy, chém vua Chiêm Thành để rửa cái nhục phiên di bắt giữ sứ thần, đánh lui quân Triệu Tống để bẻ cái mưu ăn chắc của vua tôi bọn họ, có thể coi là bậc anh hùng nhất đời vậy”.

        Năm 1005, nhà vua băng hà, hưởng thọ 65 tuổi. Khai Minh Vương Lê Long Đĩnh lên nối nghiệp cha. Năm 1009, kết thúc triều Tiền Lê.