Khu khai quật

30/08/2018

     Năm 968, sau khi thống nhất đất nước, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế, đặt Quốc hiệu Đại Cồ Việt, đóng đô ở Hoa Lư “ đắp thành đào hào, làm cung điện, đặt triều nghi” (ĐVSKTT).

     Năm 980, Lê Đại Hành  lên ngôi kế tục sự nghiệp triều Đinh, ông đã cho xây dựng rất nhiều cung điện nguy nga, tráng lệ “ làm điện ở núi Đại Vân, trang sức bằng vàng bạc, dùng làm nơi vua coi chầu. Phía Đông là điện Phong Lưu, phía Tây là điện Tử Hoa, bên tả là điện Bồng Lai, bên hữu là điện Cực Lạc. Lại làm lầu Đại Vân và điện Trường Xuân làm chỗ ngự tẩm. Bên điện Trường Xuân dựng điện Long Lộc, lợp bằng ngói bạc” (ĐVSKTT).

     Trải qua thăng trầm của lịch sử, hiện nay các cung điện dát vàng, dát bạc của thế kỷ X không còn nữa. Để chứng minh về kinh thành Hoa Lư, ngành văn hóa của tỉnh Ninh Bình đã phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành điều tra, thám sát và khai quật nhiều lần. Kết quả cho thấy trên mặt bằng của Cố đô Hoa Lư hiện còn nhiều các di vật liên quan tới triều Đinh-Tiền Lê.

     Theo chính sử, núi Phi Vân (Đại Vân) thuộc khu thành Ngoại là trung tâm của kinh đô Hoa Lư với việc xây dựng rất nhiều cung điện. Hiện nay, xét về địa hình của Cố đô Hoa Lư thì vị trí tọa lạc của 2 ngôi đền thờ vua Đinh, vua Lê nằm liền kề với núi Phi Vân. Do vậy, năm 1998, các nhà khảo cổ đã tiến hành khai quật về phía nam đền thờ vua Lê, cũng đồng thời là khu đất bằng phẳng giữa 2 ngôi đền. Kết quả cho thấy, dưới độ sâu 0,95m đã phát hiện được vết tích nền móng cung điện thời Đinh - Tiền Lê.

     

Vết tích nền móng cung điện thời Đinh - Tiền Lê, thế kỷ X

     Qua kết quả của công tác khai quật, các nhà khảo cổ cho rằng khu trung tâm của kinh đô Hoa Lư được bao bọc bởi dãy núi Phi Vân ở phía tây, dãy núi Hang Quàn ở phía đông, đồng thời được bảo vệ bởi 2 tường thành nhân tạo: tường Vầu chắn về phía nam. Tường Chẹm chắn mặt bắc.

Vết tích nền móng cung điện thời Đinh - Tiền Lê, thế kỷ X

     Phát lộ vết tích nền móng cung điện với 2 mảng nền đã cho thấy gạch lát nền cung điện được làm bằng chất liệu đất nung, hình vuông, trang trí họa tiết Hoa Sen, Chim phượng, kích thước phổ biến: : 34 x 34 x 7,5cm. Bên cạnh các viên gạch cỡ trung bình 34 x 34cm còn có 2 viên gạch chữ nhật cỡ lớn, 1 viên 47 x 64 cm, 1 viên 47 x 74cm, trên mặt gạch có trang trí 2 bông hoa sen 8 cánh mập. Các đề tài trang trí trên mặt gạch Hoa sen và Chim phượng cho ta thấy quan niệm về âm dương được thể hiện rất rõ ràng và nghiêm ngặt: Vuông - tròn, đực -  cái (chim phượng 1 con trống cường tráng, một con mái nhỏ nhắn), động vật - thực vật (chim phượng - hoa dây, hoa sen - bướm).

Gạch chim phượng chất liệu đất nung, thế kỷ X

Gạch Hoa sen chất liệu đất nung, thế kỷ X

     Ngoài ra, qua công tác khai quật còn phát hiện một số nguyên vật liệu dùng để xây dựng tường thành, cung điện như: gạch “Đại Việt quốc quân thành chuyên”, gạch “ Giang Tây quân”, ngói nóc, ngói âm dương, ngói ống phủ diềm hoa chanh, ngói mũi lá….và một số di vật dùng để trang trí cung điện, sử dụng trong cuộc sống hàng ngày như: mặt linh thú, tượng vịt, cột kinh, vò, vại, bệ tháp, chì lưới, thuyền tán, thóc cháy…

Gạch Đại Việt Quốc quân thành chuyên chất liệu đất nung, thế kỷ X

Gạch Giang Tây quân chất liệu đất nung, thế kỷ X

Tượng Vịt chất liệu đất nung, thế kỷ X

     Qua các di vật đã cho ta thấy đề tài trang trí tuy còn đơn giản, mộc mạc trong cách thể hiện, nhưng nó lại mang đậm màu sắc văn hóa đặc trưng của dân tộc. Nghệ thuật này đã tạo ra những tiền đề cơ bản để văn hóa Việt Nam phát triển rực rỡ trong thời kỳ tiếp theo.

Vò sáu núm được phát hiện khi khai quật khảo cổ

     Qua công tác khai quật khảo cổ học ở khu vực cố đô Hoa Lư đã mở ra nhiều vấn đề nghiên cứu về kinh đô Hoa Lư thời Đinh - Tiền Lê.